Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

NÓI LÁI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT

Trong nhân gian, người ta rất thích thú được nói lái và nghe nói lái, có khi bất chợt tình cờ vô ý mà tiếng nói ra thành một tiếng nói lái, có khi người ta tìm cách đẽo gọt, tìm tòi để kiếm ra những từ nói lái có ý nghĩa. Tác giả có thể là một mà cũng có thể là nhiều người, dần dà ngôn ngữ nói lái thành ra tài sản chung, đóng góp vào trong kho tàng văn chương bình dân của ngôn ngữ Việt Nam. Không biết văn nói lái hoặc việc dùng tiếng lái trong văn nói và văn viết có từ  bao giờ. Người ta nói lái để chơi chữ, để bông đùa giữa bạn bè với nhau, để châm biếm vô hại một sự việc gì đó cho vui, hoặc châm biếm một người khác mà không dám nói trực tiếp. 

image

Nói lái (còn gọi là nói trại) là một cách nói kiểu chơi chữ của dân Việt. Đối với từng vùng miền khác nhau thì do cách nói của tiếng địa phương nên tiếng nói lái sẽ có thay đổi một chút.

Nói về ý nghĩa, trong các giai thoại văn chương Việt nam, người ta thường dùng lối nói lái như một vũ khí để phê bình, đả kích và phần lớn lại có tác dụng mạnh mẽ, dễ gây nhiều ấn tượng hơn là lối nói thông thường. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn sưu tập một vài tài liệu về nói lái trong văn chương và thời sự Việt Nam với tính cách một bài phiếm luận hơn là đi sâu vào công trình của một bài khảo cứu về ngôn ngữ của một nhà ngôn ngữ học. Mặt khác, trong bài này nhiều tiếng nói lái phổ thông ai cũng hiểu, người viết tránh không ghi rõ các tiếng nói lái thô tục để tránh làm phiền độc giả.



“Bắc Kỳ là gốc dân mình
Xuôi Nam để thấy biển tình bao la
Âm giọng như những lời ca
Bỗng trầm theo nước Hồng Hà, Cửu Long.”
Cadao
Nói lái hai chữ, ba chữ, và bốn chữ 
Người nói lái dùng cách hoán chuyển thật đơn giản các nguyên âm và các dấu, hay các phụ âm những nhóm chữ, thường là hai chữ mà người đó muốn nói lái.  Thí dụ:  đi chợ = đơ chị (chỉ hoán chuyển  âm ơ và âm i); hoặc đi chợ = đợ chi (hoán chuyển cả dấu nặng);  trâu đánh = tránh đâu = tranh đấu. 
Trường hợp nhóm chữ để lái gồm có ba chữ  như “đứng trông hoài” trông lâu quá đến nỗi .. ướt quần ( đứng trông hoài = đái trong quần.) Khi lái nhóm ba chữ, chỉ lái có chữ đầu và chữ cuối, giữ nguyên chữ giữa như trường hợp vừa nói.

Có bảy cách hoán chuyển để nói lái 
Lúc bắt đầu viết bài nầy, tôi không nghĩ đến những cách thức hay nguyên tắc hoặc phương thức để nói lái. Nhưng ở phần cuối nầy tôi nghĩ rằng nên tìm hiểu một cách có hệ thống trong vấn đề hoán chuyển để có tiếng lái, và các ngoại lệ trong việc nói lái.  
Dùng 2 chữ tranh đấu làm thí dụ chánh. Phân tích hai chữ nầy, chúng ta có:
       a.   Chữ số (1*) “tranh” có phụ âm “tr”, và  âm “anh” ; trên  âm “anh” không có dấu. 
       b.   Chữ số  (2*)  “đấu” có phụ âm “đ”, và  âm “âu”, trên âm “âu” có dấu sắc.  
Chúng ta có bảy cách để nói lái.  
Trong ba cách đầu, chúng ta giữ y vị trí của hai phụ âm “tr” và “đ” như chữ số (1*) và số (2*).  
Cách thứ tư, chúng ta hoán chuyển hai phụ âm đó và giữ y các nguyên âm như số (1*) và (2*). 
Cách thứ năm, thứ sáu và thứ bảy lập lại cách một hai và ba (hoán chuyển các nguyên âm và dấu).   
Cách thứ nhứt. Chỉ hoán chuyển âm “anh” và âm “âu”: Tranh đấu = Trâu đánh. 
Cách thứ hai. Hoán chuyển vừa âm vừa dấu (âm “anh” và âm “ấu”): Tranh đấu = Trấu đanh. 
Cách thứ ba. Chỉ hoán chuyển dấu mà thôi: Tranh đấu = Tránh đâu. 
Cách thứ tư. Chỉ hoán chuyển những phụ âm đầu “Tr” và “đ”: Tranh đấu = Đanh trấu. 
Cách thứ năm. Hoán chuyển phụ âm đầu, âm “anh” và âm “âu” (giống cách thứ nhứt về âm): Tranh đấu = Đâu tránh. 
 Cách thứ sáu. Hoán chuyển phụ âm, âm có cả dấu (giống cách thứ hai về âm và dấu):  Tranh đấu = Đấu Tranh. 
Cách thứ bảy. Hoán chuyển phụ âm, và chỉ hoán chuyển dấu (giống cách thứ ba bên trên):  Tranh đấu = Đánh trâu. 

Trong thực tế, chỉ có hai cách đầu hoặc cả cách thư ba là được dùng nhiều vì dễ hoán chuyển và thuận tai. Khi dùng cách thứ tư thì có nhiều chữ lái rất khó hiểu và khó lái trở lại. Hơn nữa luật nào hay nguyên tắc, hoặc phương cách nào cũng có ngoại lệ. Việc hoán chuyển các âm, dấu, hoặc phụ âm cũng không tránh khỏi điều nầy. 
NÓI LÁI SAU THÁNG 4-1975.

Sau tháng 4 năm 1975, khi CS cưỡng chiếm miền Nam, dân tình cực khổ ta thán, do đó trong nhân gian có những câu nói lái rất phổ thông:

Quy mã là… Qua Mỹ , hay :

Kỷ sư đôi lúc làm cư sĩ

Thầy giáo lắm phen cũng tháo dày.

Giáo chức giờ đây đành dứt cháo

Khoái ăn sang nên... sáng ăn khoai.

Nói về tệ nạn cửa quyền tham nhũng của chế độ và các tệ nạn thì nhân gian có các câu nói lái :

Thủ tục đầu tiên là ..tiền đâu ?

Vũ Như Cẩn là Vẫn như cũ.

Nguyễn Y Vân là Vẫn Y Nguyên

Bùi Lan là Bàn Lui

Hộ khẩu là… Hậu khổ.

Đả kích chế độ thì thiên hạ có câu:

Con đường Bác đi, đường bi đát

Chán bảng đỏ, nhiều anh bỏ đảng.

Chỉ riêng ngành giáo dục không thôi đã có nguyên một bài nói lái tự thán như sau :


Thầy giáo tháo giày đi dép

Nhà trường nhường trà uống nước trong

Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo

Lương thầy tiền lính tính liền xong

Thầy giáo tháo ủng tháo giày

Tháo ủng thủng áo tháo giày nóng chân

Giáo án dành lại khi cần

Thay vải dán áo việc làm tốt thôi.

Chà đồ nhôm
Cụm từ lái chà đồ nhôm, một thành ngữ lái có tính cách lịch sử, tả cảnh nghèo đói của dân Sàigòn, sau khi được phỏng dái (giải phóng),  phải đem bán bất cứ vật gì có thể chôm (lấy) được trong nhà.
Chà đồ nhômchôm đồ nhà, tiếng Sàigòn những năm sau 1975, ... Thời ấy Sàigòn có câu phong dao:
           Đi đâu bỏ con ở nhà?
           Hỏi em em nói:  Đi chà đồ nhôm
           Đi đâu tay xách, nách ôm?
           Hỏi em em nói đi chôm đồ nhà.” 

Nói Lái trong Câu đố :
Cũng như Ca dao, Tục ngữ, Thành ngữ… Câu đố cũng là một hình thái của Văn học dân gian Việt Nam. Người ta sử dụng Câu đố trong các buổi họp mặt vui chơi hoặc trong lúc lao động chân tay để quên đi mệt nhọc hay thử tài trí giữa hai bên nam nữ. Những câu đố Nói lái thường rất dễ đáp nhưng vì bất ngờ hay bị tròng tréo chữ nghiã mà đôi khi không đáp được.




- Lăng quằng lịt quịt … lăng quằng trứng, là cái gì? (Đáp là cái Lưng quần trắng)
- Lăng quằng lịt quịt … lăng quằng rừng, là cái gì? ( là cái Lưng quần rằn)
- Trong nhà chạy ra hỏi cái gì bán, là cái gì ? ( là cái giàn bí)
- Vừa đi vừa lủi, vừa mổ, là cái gì ? ( là cái lỗ mũi)
- Mẹ thương con, con gầy, là cái gì ? ( là cây gòn)
- Trên trời rơi xuống cái mau co, là cái gì ? ( là cái mo cau)
- Cầm đục cất đục là cái gì ? (là Cục đất)
- Ghe chài chìm giữa biển đông,

Ván phên trôi hết cái cong nó còn’’ là cái gì ? (là con còng)

- Khoan mũi, khoan lái, khoan lai,
Bò la, bò liệt đố ai biết gì? ( là củ khoai lang).

- Hít vào, hít ra, hít một là cái gì ? (là hột mít)
- Cà vô, cà ra, cà nhột, là cái gì ? (là cột nhà)
- Cúng trên núi, cúng mê, cúng mải là cái gì ? (là cái mủng)
- Cú trong nhà cú ra, cú hãi là cái gì ? (là cái hũ)
- May không chút nữa thì lầm,

Cau dày không bẻ bẻ nhầm cau ranh, là cái gì ? (là canh rau)…
- “Sáng nay đi hỏi chị Năm,
Có đi ra chợ chuộc dùm đôi bông” là cái gì ? ( là trái chùm ruột)

- Cái gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn ? ( là con còng )

- Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng, là gì ? ( là ngón chưn cái)
- Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn, là gì ? ( là con ngựa)
- Miệng bà Ký lớn, bà Ký banh

Tay ông Cai dài, ông Cai khoanh. Là cái gì ? ( là canh bí và canh khoai)
Ngoài ra, còn có câu đố về các con vật, câu đố đặt ra là từ hai con vật nầy khi Nói lái sẽ thành hai con vật khác, đã được giải đáp như sau :

- Con Cua con Rồng lái là Con Công con Rùa
Con Cáo con Sóc lái là con Cóc con Sáo.
Con Trai con Rắn lái là con Trăn con Rái.(cá)
Con Cò con Báo lái là con Cáo con Bò
Con Sáo con Bò lái là con Sò con Báo
Con Sếu con Ngao lái là con Sáo con Nghêu …
- con Sâu con Dế –> con dê con sấu
con Ngao con Sán –> con ngan con sáo
con Ong con Kiến –> con yến con công
con Ốc con Kiến –> con yến con cóc
con Trai con Rắn –> con trăn con rái
con Ốc con Nhện –> con ếch con nhộng
- Con SÁO nói với con BÒ,
Có con SÒ BÁO: bên kia Hội chùa.
Con CÔNG nghe rũ con RÙA,
Con CUA thấy vậy, mới khua con RỒNG.
Cả bọn kết lại thật đông,
Con CÒ, con SÓC cũng mong theo cùng.
CÓC, SÒ xúm lại đi chung…
- Cô Công nói với Cậu Rùa,
Rồng ở dưới đất, còn Cua trên trời.
Ốc gào Nhện hỡi, nhện ơi:
Ếch bơi phố núi, Nhộng chơi ao làng.
Gió chiều nhẹ thổi mênh mang,

Tao nhân mặc khách lang thang bên đường…
Nói lái để hẹn hò :
Trai gái miền Trung hẹn hò gặp gỡ nhau, sợ có người nghe nên tìm cách nói lái vẩn vơ về ruộng đồng, rơm rạ để hiểu ngầm với nhau.
Chàng nói bâng quơ: “bị môn, bị khoai, bị nưa”. Nàng chưa có cơ hội nên khất: “cau khô, trầu héo, tái môi.” hay “nón cụ, quai thao, tốt mối, xấu cuồng” hoặc “bưởi đỏ, cam sành, tốt múi”..


Người qua đường không thể hiểu rằng bị nưa là bựa ni (tức là bữa nay), tái môi là tối mai, tốt mối xấu cuồng là tối mốt xuống cầu, tối múi là túi mốt (tức là tối mốt).

Miền đồng bằng sông Cửu long, vào mùa cấy các thợ cấy nam nữ vừa làm việc vừa vui đùa qua chuyện tiếu lâm, hoặc qua những câu hò đối đáp giữa hai nhóm nam nữ. Ông Nam San (6) có ghi lại một số câu hò có tính cách rất “tả chân” sau đây, trong đó có luôn cả câu có tiếng lái.
Phe Nam:
                        Thấy em gò má ửng hồng
                        Phải chi em đừng mắc cở thì anh bồng em hun.
Hoặc: 
                        Nước Tân Ba chảy ra Trà Cú
                        Em cấy khum lòi vú anh muốn hun  
Phe nữ đáp:  
           ….
                       Phú Điền có chị Tám Hai
                      Thuyền quyên hò mí, đối trai anh hùng. 

Tân Ba, Trà Cú, Phú Điền là những địa danh ở vùng đồng bằng Cửu Long. Mới đọc câu chót ít ai để ý đến tiếng lái vì gái thuyền quyên mà đối “trai anh hùng” thì rất là thuận tai và thuận nghĩa. Nhưng “đối trai” nói lái là đái trôi, vừa có nghĩa đen rõ ràng, khỏi giải thích, vừa có nghĩa bóng là phe nữ có cách hò thắng phe nam một cách dễ dàng. (Ông Nam San chú thích rằng: Hò mí hay hò mép là hò đối đáp, thách thức, vòng vo xuôi ngược, nói lái úp mở nói lên cái ẩn dụ của mình, miễn xuống câu ăn vận, đúng điệu là được.)  

Nói Lái trong Câu Hò đối đáp:

Hò đối đáp vốn là một loại hình thức dân ca phổ biến khắp ba miền đất nước. Nó thường xảy ra trên cánh đồng hay dòng sông, nam và nữ thường hò đối đáp với nhau để xua đi nỗi mệt nhọc trong công việc. Điều đáng ngạc nhiên là họ có thể dễ dàng sáng tạo và hò đối đáp ngay tại chỗ. Những người này rất nhanh nhẹn và thông minh đến mức ngay cả những người có học đôi khi cũng phải khâm phục họ và đôi khi phải bỏ cuộc. Có nhiều cặp trai gái trở thành chồng vợ sau những cuộc hò nầy.


Những câu hò đối đáp thông thường thì rất nhiều nhưng dùng cách nói lái để hò đối đáp thì rất hiếm quý.

# Thông thường thì bên con gái cất cao câu hò đối trước :

“Hò hơ… Con cá đối nằm trên cối đá,
Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
Anh mà đối đặng… ơ.. ờ
Hò hơ…Anh mà đối đặng, dẫu nghèo em cũng ưng”.

# Sau khi phân tách và tìm câu trả lời, bên con trai hò đáp :

“Hò hơ… Chim mỏ kiến(g) đậu trên miếng cỏ,
Chim vàng lông đáp dựa vồng lang.
Anh đà đối đặng ơ… ờ
Hò hơ…Anh đà đối đặng, hỏi nàng có ưng chưa?”
Và như thế, bên nầy đối, bên kia đáp cứ kéo dài không dứt cuộc tranh tài đầy lý thú của hai bên nam nữ để lại dân gian những câu hò Nói lái độc đáo đầy sáng tạo:

- Con sáo sậu chê cô xấu xạo,
Con chó què chân bị cái quần che.
- Con bé mập ú nhờ bà mụ ấp,
Thằng bé ốm tong vác cái ống tôm.
- Chiều chiều cụ Mão lên rừng cạo mũ,
Sáng sớm bà Hạc đi bán bạc hà.
- Cô nàng dâu Hứa đi mua dưa hấu,
Thằng rể bảnh trai ngồi cạnh bãi tranh.

- Người mặc áo xanh chính là anh xáo, (anh Sáu)

Miếng thịt băm nát trong bụng bác Năm.

- Chàng trai sứt môi ngồi ăn xôi mứt,

Cô gái mồm to lặn lội mò tôm.

- Con cóc cái ngồi trên cái cốc,
Con cầy tơ đứng dưới cờ Tây.

Bên cạnh đó còn có những câu Nói lái mà đôi trai gái khéo léo gởi gắm tình cảm cho nhau mà người ngoài vì vô tình không hiểu được. Trước hết, người con gái thố lộ :

- “Cam sành nhỏ lá thanh ương,
Ngọt mật thanh đường nhắm lớ, bớ anh !”

Cảm thương vì “thương anh” mà “nhớ lắm” của nàng nên chàng hứa hẹn :

- “Thanh ương là tuổi mong chờ
Một mai nhái lặn chà quơ, quơ chà”.
(Có nghiã: Qua muốn “nhắn lại” với bậu là nếu “thương anh” mà bậu “chờ qua” thì “qua chờ” bậu).

Nói lái trong các giai thoại :
Giai thoại được hiểu là câu chuyện thú vị làm cho người nghe phải hào hứng, vui thích. Từ xưa, có rất nhiều giai thoại, đặc biệt là giai thoại trong văn chương thì không những được người đời truyền tụng qua những cuộc trao đổi trong giới Văn gia, trí thức mà còn được ghi vào sách vở. Tuy nhiên, có những giai thoại Nói lái thì ít người quan tâm, thỉnh thoảng họ cũng có nghe qua nhưng rồi bỏ, xem đó như là những câu chuyện dân gian. Vì vậy, những giai thoại nầy trở thành loại văn chương truyền khẩu, mặc ai muốn kể sao thì kể, muốn thêm thắt thế nào cũng được miễn đáp ứng được sự cảm nhận của người nghe là được.


image

Trạng Quỳnh nói lái: 
 “đá bèo” và “ngọa sơn” :

Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố phường thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa, thấy gần đấy có cái ao bèo, vội vàng chạy xuống cầu ao nhằm đám bèo mà đá tứ tung. Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi:

- Ông làm gì đó?

Quỳnh ngẩng lên thưa:



- Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi ạ !
Chúa đỏ mặt tía tai, đánh kiệu bỏ đi.

Một buổi trưa nọ, Quỳnh định vào nội phủ thăm Chúa nhưng biết là Chúa đang ngon giấc ở dinh bà Chính cung, Quỳnh cụt hứng lui gót. Trên đường về, Quỳnh đề lên vách phủ hai chữ “Ngọa Sơn”. Khi Chúa gọi vào hỏi, Quỳnh trả lời :

- Khải Chúa, “Ngọa Sơn” nghĩa là nằm ở trên núi, có thế thôi ạ! Tiện tay, thần viết chơi, chẳng có gì để Chúa bận tâm cả.

Sau đó, Chúa thấy hai chữ “Ngọa Sơn” xuất hiện la liệt trên các vách tường, cửa nhà ngoài phố…Chúa truyền gọi một người đến hỏi duyên cớ. Người kia run lẩy bẩy, thưa:

- Chúng con là kẻ hèn mọn dốt nát, đâu dám sính chữ. Việc này chẳng qua chỉ tại Trạng Quỳnh đấy ạ ! Trạng Quỳnh có lần vào nội phủ, về mách với chúng con là Chúa đang bận “Ngọa Sơn”, rồi giải thích rằng: Ngọa là nằm, nằm lâu thì phải ngủ, ngủ thì phải ngáy. Sơn là núi, mà núi thì phải có đèo. “Ngáy Đèo” nói lái lại là… , con không dám nói ra đâu. Không ngờ bọn trẻ con nghe lỏm được lời Trạng, buồn tay viết bậy bạ lung tung. Xin Chúa tha cho con!
Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện này là do Quỳnh, có làm lớn chuyện ra chỉ tổ thêm xấu hổ nên bỏ qua.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói lái :
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai)


Trước khi chết, Trạng Trình (1491-1585, thời Lê Mạc) có làm một tấm bia căn dặn con cháu khi nào chết nên đem tấm bia nầy chôn trước mộ, tấm bia được khắc chữ bên trong nhưng sơn bít bên ngoài. Sau đó chừng 100 năm, cha con ông Khả đem bò tới đó cho ăn mà lại cột nhằm mộ bia của Trạng. Hôm đó nhằm lúc trưa nắng, vì quá khát nước nên bầy bò đụng với nhau, chạy tán loạn làm gẫy tấm bia, sập xuống. Làng xã hay tin biết cha con ông Khả làm hư mồ mả của Trạng nên bắt về trị tội. Cha con ông Khả năn nỉ quá, xin cho đi vay bạc hỏi tiền làm lại tấm bia khác thường cho Trạng. Làng xã thấy tội nghiệp nên ưng thuận. Sau khi vay mượn và bán hết đồ đạc trong nhà thì chỉ được có một quan tám, nhưng được bao nhiêu cũng phải tiến hành sửa chữa. Đến chừng đập bia ra vừa tróc lớp ô dước bên ngoài thì thấy có hàng chữ như thế nầy:”Cha con thằng Khả làm ngã bia ta, Làng xã bắt đền tam quán”. Thì ra tam quán nói lái thành quan tám, đúng như lời tiên tri của ông Trạng.
Sưu tầm và hiệu đính Võ Thị Linh 24.10.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét