Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016


QUI LỆ MÔN PHÁI VOVINAM

Ghi chú: - Soạn thảo năm 1964 tại Sài gòn - Việt Nam

- Tổng cộng gồm 11 chương và 99 điều

- Tài liệu học tập dành cho cấp trung đẳng trở lên

Mục lục
Chương thứ nhất: Danh hiệu, trụ sở, phạm vi hoạt động
Chương thứ hai: Mục đích và tôn chỉ
Chương thứ ba: Thời gian, phạm vi hoạt động, sinh hoạt
Chương thứ tư: Ban chấp hành trung ương (thành phần , nhiệm vụ, quyền hạn)
Chương thứ năm: Ban giám đốc trung tâm và ban quản đốc chi nhánh
Chương thứ sáu: Đẳng cấp và khảo hạch
Chương thứ Bảy: Kỷ luật
Chương thứ tám: Nghĩa vụ và quyền lợi
Chương thứ chín: Thể lệ nhập, xuất, và khai trừ
Chương thứ mười: Tài sản và lợi tức
Chương thứ mười một: Sửa đổi qui lệ

CHƯƠNG THỨ NHỨT

DANH HIỆU, TRỤ SỞ, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Điều thứ 1:

Một môn phái võ học được chánh thức thành lập tại Việt Nam lấy danh hiệu là Môn phái Vovinam, do 3 tiếng gọi tắt Võ Việt Nam lập thành.



Điều thứ 2: 
Môn phái Vovinam hoạt động về võ đạo và võ thuật trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và có thể mở rộng thêm phạm vi hoạt động ra các nước ngoài , chiếu các luật lệ hiện hành.

Điều thứ 3: 
Trụ sở tạm thời của môn phái Vovinam đặt tại trụ sở Trung tâm huấn luyện Vovinam Sàigòn số 61 đường Vĩnh Viễn, Saigon.


CHƯƠNG THỨ HAI

MỤC ĐÍCH VÀ TÔN CHỈ


Điều 4: 

Môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO hoạt động nhằm 3 mục đích:

Bảo tồn, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam, hầu nêu cao tinh thần thượng võ bất khuất truyền thống của dân tộc Việt nam, cùng khai thác trọn vẹn hai phần CƯƠNG và NHU của con người, để xiển dương môn phái Vovinam bằng cách lấy những những môn võ vật cổ truyền Việt nam làm căn bản ,và phối hợp, thái dụng mọi tinh hoa võ thuậtù trên thế giới.

Thâu thập, nghiên cứu và phát minh các bài, thế võ để tu bổ và xây dựng cho nền võ học Việt Nam mỗi ngày một phong phú, tiến bộ.
Huấn luyện môn sinh về ba phương diện VÕ LỰC - VÕ THUẬT - và Tinh Thần VÕ ĐẠO.
*. Về Võ Lực: Môn phái sẽ luyện tập cho môn sinh có một thân hình dắn dỏi, vững vàng; một sức lực mạnh mẽ dẻo dai để có thể bền bỉ chịu đựng trước mọi khó khăn, cực nhọc, đẩy lui các bệnh hoạn, giữ cho thân thể luôn luôn tráng kiện và lành mạnh.
*. Về Võ Thuật: Môn phái Vovinam huấn luyện cho môn sinh một kỹ thuật tinh vi để tự vệ hữu hiệu hầu đạt tới mức độ một nghệ thuật cao quí để phục vụ con người và sẵn sàng bênh vực lẽ phải.
* Về Võ Đạo: Môn phái Vovinam rèn luyện cho môn sinh một tâm hồn cao thượng, một ý chí quật cường một phong thái hào hiệp, một tinh thần kỷ luật kỷ luật tự giác vững chắc, một nếp sống hợp quần trong tình đồng đạo, một truyền thống hy sinh cao cả, một đức độ khoan dung từ ái, để phục vụ hữu hiệu cho bản thân, gia đình, dân tộc và nhân loại.

Điều thứ 5: 
Để thực hiện mục đích nêu lên trong điều 4, Môn Phái VOVINAM chủ trương hoạt động theo 5 tôn shỉ dưới đây:

Mọi hoạt động của môn phái VOVINAM đều xây dựng trên nền tảng : Lấy CON NGƯỜI làm cứu cánh, lấy ĐẠO HẠNH làm phương châm, lấy KỸ THUẬT và Ý CHÍ QUẬT CƯỜNG làm phương tiện.
Môn phái VOVINAM là một đại gia đình, trong đó các môn đồ thương yêu kính trọng lẫn nhau. Sự kính trọng và lòng thương yêu ấy sẽ đan kết thành kỷ luật của môn phái, một giềng mối vửng chắc giúp các môn đồ đoàn kết chặt chẽ dễ nêu cao danh dự môn phái, và trở thành nhũng con người toàn diện.
Môn phái VOVINAM luôn luôn tích cực góp phần vào mọi công cuộc giáo dục thanh, thiếu, nhi.
Mọi hoạt động của môn phái Vovinam đều không có tính cách chính trị và tôn giáo.
Môn phái VOVINAM luôn luôn tôn trọng các võ phái khác, để cùng xây dựng một nền võ học Việt Nam với tinh thần võ hữu thật sự.



Bản chính để so sánh







CHƯƠNG THỨ BA

THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG, SINH HOẠT

Điều thứ 6:

Thời gian hoạt động của môn phái Vovinam vô hạn định.



Điều thứ 7: 
Trong tương lai, nếu vì một lý do ngoài ý muốn, môn phái Vovinam có thể cho lệnh các trung tâm huấn luyện và võ đường chi nhánh tạm ngưng hoạt động, hoặc đồng ý để các trung tâm huấn luyện và võ đường chi nhánh ngưng hoạt động vì một vài lý do khách quan. Khi đã vượt qua những lý do trở ngại đó, môn phái Vovinam đương nhiên cho lệnh các trung tâm huấn luyện và võ đường chi nhánh hoạt động trở lại.

Điều thứ 8:
Tại mỗi thành phố hay các địa điểm đông dân cư, môn phái Vovinam có thể thiết lập một trung tâm huấn luyện. Tại các địa điểm khác, môn phái Vovinam có thể mở thêm những võ đường chi nhánh với sự chấp thuận của chánh quyền địa phương.

Điều thứ 9: 
Môn phái Vovinam có thể cho môn sinh, sinh hoạt theo tổ chức và sinh hoạt theo hiệu đoàn như tại các học đường. Mỗi tổ chức này được gọi là Việt Võ Sinh Đoàn, có danh hiệu riêng và lề lối sinh hoạt riêng. Qui chế tổ chức các Việt Võ Sinh Đoàn sẽ được minh định trong một văn kiện đặc biệt.

Điều thứ 10: 
Trong các giờ giáo dục tinh thần,môn phái sẽ giảng dạy cho võ sinh về tinh thần võ đạo, kỷ luật và tình đồng đạo v.v... nhưng không bàn đến các vấn đề chánh trị hay tôn giáo.


 Qui lệ 1954 dùng để đối chiếu cũ và mơi






CHƯƠNG THỨ TƯ

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

(Thành phần, Nhiệm vụ, Quyền hạn)

Điều thứ 11:

Võ sư chưởng môn có sứ vụ lãnh đạo môn phái và điều hành mọi hoạt động của môn phái, trong đó có việc quản trị các trung tâm huấn luyện và các võ đường chi nhánh

Điều thứ 12:

Phụ tá võ sư chưởng môn trong viêïc chỉ đạo, quản trị và điều hành mọi sinh hoạt của môn phái là một Ban Chấp Hành Trung Ương gồm có: 1 Chủ Tịch, 1 Phụ Tá Chủ tịch, 1 Thư Ký thường trực và 5 Ban: Tổng Phối Kiểm, Ban Nghiên Kế, Ban Huấn Luyện, Ban Tổ Chức và Ban Tài Chánh.


SƠ ĐỒ TỔ CHỨC của BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
CHỦ TỊCH 
PHỤ TÁ CHỦ TỊCH 
BAN TỔNG PHỐI KIỂM 

 Ban Nghiên kế  Ban Huấn luyện  Thư ký thường trực  Ban tổ chức  Ban Tài chánh 


    

Điều thứ 13:

Toàn thể nhân viên ban chấp hành trung ương, từ chủ tịch trở xuống, đều do võ sư chưởng môn chỉ định và bổ nhiệm bằng sự vụ lệnh.



Điều thứ 14:
Chủ tịch ban chấp hành trung ương chịu trách nhiệm trước võ sư chưởng môn, có nhiệm vụ: chỉ đạo, quản trị và điều hành môn phái.

Điều thứ 15:
Phụ tá chủ tịch có nhiệm vụ:
Đại diệân chủ tịch khi vị nầy vắng mặt.
Phụ tá chủ tịch trong mọi việc thuộc nhiệm vụ của chủ tịch.

Điều thứ 16:
Thư ký thường trực có nhiệm vụ: 
Điều hành văn phòng thường trực.
Phụ trách các văn thư.
Thông báo các buổi họp.
Lập biên bản các phiên họp của ban chấp hành.
Lập hồ sơ danh tính và đẳng cấp các môn sinh Vovinam.

Điều thứ 17:
Ban tổng phối kiểm có nhiệm vụ:
Phối hợp mọi hoạt động của các ban để tìm hiểu ưu, khuyết điểm.
Kiểm soát sự chi, thu của ban tài chánh.
Kiểm soát phong độ và hành động của môn sinh, cùng đề nghị các biện pháp thích nghi về thưởng, phạt và cải tiến.
Phối kiểm mọi tài liệu ấn hành trong mọi sinh hoạt của môn phái, như: Học tập, lưu hành, thông tin, báo chí, quảng cáo v.v.. 
Phối hợp với các ban khác để kiểm soát, đôn đốc hoạt động của các chi nhánh.

Điều thứ 18: 
Ban nghiên kế có nhiệm vụ:
Nghiên cứu để hoạch định đường lối cho môn phái.
Soạn thảo chương trình kế hoạch, biện pháp để đẩy mạnh mọi hoạt động của môn phái.
Soạn thảo tài liệu thuộc phạm vi giáo dục tinh thần.
Hội ý với ban tổng phối kiểm về việc phối kiểm các tài liệu sinh hoạt của môn phái.
Thâu thập và phát minh các thế thế võ để làm phong phú thêm cho võ thuật của môn phái.
Hoạch định chương trình huấn luyện võ lực và võ thuật cho môn sinh các cấp. 
Mọi dự thảo hoạch định chỉ được thực thi khi có sự chấp thuận của võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương.

Điều thứ 19: 
Ban huấn luyện có nhiệm vụ:
Huấn luyện tinh thần, võ thuật, võ lực cho các môn sinh.
Theo dõi và kiểm soát sự tiến bộ của môn sinh về võ lực, võ thuật và tinh thần võ đạo.
Đề nghị cải tiến chương trình huấn luyện.
Hướng dẫn kỹ thuật trong các buổi trình diễn, khảo thí và tranh giải vô địch trong dịp lễ tiết.

Điều thứ 20: 
Ban tổ chứùc có nhiệm vụ:
Đảm nhiệm mọi công tác tổ chức của môn phái.
Phụ trách mọi công tác giao tế và khánh tiết.

Điều thứ 21:
Ban tài chánh có nhiệm vụ:
Phối hợp với các ban nghiên kế, huấn luyện và tổ chức để lo việc khuếch trương tài sản, lợi tức và ngân quỹ của môn phái.
Thường xuyên chịu sự kiểm soát tài chánh của võ sư chưởng môn và ban tổng phối kiểm.
Quản trị tài sản, lợi tức và ngân quỹ của môn phái. thể thức quản trị phải theo những điều khoản nơi chương thứ mười 
Báo cáo và tường trình về mọi chất chính trước đại hội thường niên Vovinam về tinh hình tài chánh của môn phái.

Điều thứ 22:
Mỗi ban gồm nhiều ủy viên được đặt dưới sự điều hành của một trưởng ban. Vị trưởng ban này sẻ chủ tọa các cuộc họp của ban, chịu trách nhiệm và có quyền quyết định tối hạn các vấn đề trực thuộc liên hệ đến thẩm quyền của ban.
Nếu vì lý do gì vị trưởng ban vắng mặt, vị nầy có thể đề cử một ủy viên tạm thời thay thế.

Điều thứ 23: 
Những cuộc họp của ban chấp hành trung ương được ấn định ít nhất là mỗi tháng một lần vào chủ nhật, đầu tháng để kiểm điểm sinh hoạt trong tháng và hoạch định sinh hoạt cho tháng tới, trừ những trường hợp đặc biệt. Các buổi họp đều phải lập biên bản lưu trữ làm tài liệu để tiện theo dõi và phối kiểm.
Mổi cuối năm, sẽ có một buổi họp tổng kết các công tác thực hiện trong năm, tổ chức vào trước ngày đại hội thường niên Vovinam ít nhất là một tuần.
Thể lệ này cũng áp dụng cho mổi ban vào trước ngày họp của ban chấp hành ít nhất là một ngày.

Điều thứ 24:
Mỗi năm đại hội thường niên Vovinam được tổ chức một lần vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng chạp dương lịch để tổng kết tình hình sinh hoạt của môn phái cùng hoạch đề án công tác cho năm tới. Đại hội có quyền chất chính ban chấp hành cũng như những ban trực thuộc về hoạt động liên hệ trong năm qua, của các cơ cấu này. Thành phần tham dự đại hội thường niên Vovinam phải gồm tất cả hội viên hữu quyền tham dự đại hội Vovinam quy định nơi điều thứ 28. Định túc số cho các buổi đại hội có giá trị là 2/3 tổng số hội viên hữu quyền của môn phái.
Chủ tịch ban chấp hành trung ương môn phái Vovinam lãnh trách nhiệm triệu tập đại hội thường niên Vovinam. Văn thư triệu tập phải thông đạt tới các hội viên hữu quyền của môn phái trễ nhất là 2 tuần lễ trước ngày khai mạc đại hội.
Ngoại trừ các qui định khác trong bản qui lệ này, chiếu nhu cầu cấp bách của tính thế hay chiếu đề nghị của 1/3 tổng số hội viên hữu quyền tham dự đại hội của môn phái, đại hội Vovinam sẽ được triệu tập theo thủ tục bất thường trễ nhất là 24 giờ trước giờ khai mạc đại hội. Văn thư triệu tập đại hội phải thông đạt tới từng cá nhân hội viên bằng đủ mọi phương khả hữu. Chủ tịch ban chấp hành trung ương, thư ký thường trực và ban tổ chức liên đới chịu trách nhiệm triệu tập đại hội bất thường chiếu các điều kiện quy định dẫn thượng.

Điều thứ 25:
Trước khi thực hiện một chương trình dài hạn hay một số kế hoạch quan trọng, hoặc quyết định sự thưởng phạt; vị chủ tịch sẽ đưa ra trước cuộc họp của ban chấp hành để lấy quyết định chung. Trong trường họp số phiếu ngang nhau, đề nghị trên có thể được trình lên võ sư chưởng môn để lấy quyết định tối hậu.

Điều thứ 26:
Bất cứ một nhân viên vào trong ban chấp hành trung ương cũng như các nhân viên khác tại trung tâm, chi nhánh và các môn sinh, đều không được quyền lấy danh nghĩa môn phái Vovinam để mưu đồ tư danh, tư lợi.

Điều thứ 27: 
Võ sư chưởng môn có thể nhường quyền lãnh đạo môn phái cho một võ sư khác. Trong trường họp này, vị nguyên võ sư chưởng môn sẽ đương nhiên là cố vấn tối cao của môn phái.
Các cố vấn tối cao của môn phái đương nhiên ở trong hội đồng cố vấn tối cao.
Hội đồng này làm cố vấn tối cao cho đại hội Vovinam, võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương về các quyết định quan trọng. Các biểu quyết của hội đồng này theo đa số tương đối, kín và có tính cách long trọng khuyến cáo đối vói các đương phần hay cơ cấu liên hệ dẫn thượng.

Điều thứ 28: 

Trong trường họp vị võ sư chưởng môn qua đời:

Nếu có chúc thư, vị võ sư chưởng môn kế nghiệp đương nhiên là người có tên ghi trong chúc thư.

Nếu không có chúc thư, hay có chúc thư nhưng trong đó không ghi tên chưởng môn kế nhiệm thì vị chủ tịch ban chấp hành môn phái sẽ tạm thời xử lý thường vụ sứ vụ võ sư chưởng môn. Nếu võ sư chưởng môn qua đời lại kiêm nhiệm chức chưởng chủ tịch ban chấp hành môn phái, vị phụ tá chủ tịch sẽ đương nhiên kế nhiệm sứ vụ chủ tịch ban chấp hành trung ương, để triệu tập một đại hội bất thường của môn phái với mục đích bầu vị võ sư chưởng môn kế nhiệm.
Thành phần của đại hội bất thường sẽ bao gồm toàn thể nhân viên ban chấp hành trung ương và các môn sinh cấp Cao đẳng (võ sư Cao đẳng)
Thời gian triệu tập đại hội phải tính vào ngày đầu của tháng thứ tư, tính từ ngày võ sư chưởng môn qua đời.

Điều thứ 29:
Sự đề cử những ứng cử viên tân võ sư chưởng môn sẽ có tính cách bắt buộc, gồm những điều kiện dưới đây:
Vị chủ tịch ban chấp hành trung ương hay người kế nhiệm đương nhiên qui định bởi điều thứ 28 dẫn thượng.
2 võ sư có đẳng cấp cao nhất (ngoại trừ các võ sư thượng đẳng cố vấn tơái cao).
Các người ngày không có quyền thoái nhiệm khi trúng cử.
Trong trường hợp có 2 võ sư đồng đẳng cấp cao nhất, vị thâm niên nhất sẽ được đề cử.
Trong trường hợp có 2 võ sư đồng đẳng cấp cao nhất cùng thâm niên như nhau, vị cao niên nhất sẽ được đề cử
Mức thâm niên được tính theo thời gian luyện tập Vovinam, không kể những khoảng thời gian gián đoạn.

Điều thứ 30: 
Thể thức bầu cử được ấn định là:
Bầu kín
Thành phần cử tri gồm tất cả các hội viên hữu quyền (môn sinh cấp cao đẳng) tham dự đại hội môn phái.
Định túc số của thành phần cử tri tham dự đầu phiếu là 3/4 tổng số cử tri hữu quyền của môn phái. Tất cả biểu quyết hoặc đầu phiếu với thành phần cử tri ít hơn định túc số này đều vô giá trị. Các cử tri đều không được ủy nhiệm hay đại diện cho ai hành sử quyền đầu phiếu này.
Phải hội đủ 2/3 (hai phần ba) tổng số phiếu hợp lệ của định túc số của cử tri đoàn mới đắc cử. Nếu không có ứng cử viên nào hội đủ điều kiện này, sẽ bầu lại vòng thứ 2. Khi đó vị nào được nhiều phiếu hơn cả sẽ đắc cử.
Biên bản kết quả cuộc đầu phiếu này phải được làm ngay sau khi tuyên đọc kết quả cuộc khui thăm và phải gồm đủ chữ ký của các cử tri hiện diện trong cuộc đầu phiếu.

Điều thứ 31
Sau đó, một đại hội Vovinam sẽ được chủ tịch ban chấp hành trung ương triệu tập để tấn phong vị tân chưởng môn vào:
3 ngày sau, trong trường họp vị nguyên chưởng môn nhượng quyền, chiếu theo khoản 1, điều thứ 28.
3 ngày sau tang lễ, trong trường họp vị võ sư chưởng môn qua đời có để lại di chúc truyền kế, chiếu theo điều thứ 28.
3 ngày sau khi lập biên bản đắc cử, chiếu kết quả cuộc đầu phiếu công cử tân chưởng môn của đại hội Vovinam.
Trong trường họp vị võ sư chưởng môn qua đời không để lại di chúc truyền kế, chiếu theo khoảng 2 điều thứ 28, hoặc bị truất quyền chiếu theo điều thứ 72.
Vị tân chưởng môn sẽ tuyên thệ nhậm chức và chấp lãnh ấn tín chưởng môn trước bàn thờ vị sáng tổ môn phái, trước sự chứng kiến của toàn thể đại hội Vovinam trong một buổi lễ tấn phong. Lễ tiết tấn phong vị tân chưởng môn sẽ được qui định bởi một văn kiện đặc biệt và được cử hành theo truyền thống các nghi thức riêng của môn phái trong định giới đại hội Vovinam. Các ngoại nhân hay môn sinh vô thẩm quyền không được tham dự lễ tấn phong này.

Điều thứ 32: 
Ngay sau khi lễ tấn phong hoàn tất, một biên bản (theo mẫu) gồm chử ký của các môn sinh hữu quyền chứng kiến sẽ được công bố liền đó, trễ nhất là 24 giờ sau khi chữ ký cuối cùng được lấy xong, tại đại hội Vovinam, trước toàn thể môn sinh và trước công luận, bằng văn thư và mọi thể thức thông đạt khả hữu khác.











CHƯƠNG THỨ NĂM

BAN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

VÀ BAN QUẢN ĐỐC CHI NHÁNH

Điều thứ 33: 

Mỗi trung tâm huấn luyện có thể tổ chức một ban giám đốc riêng để điều hành mọi công việc của trung tâm.

Mỗi võ đường chi nhánh cũng có thể tổ chức một ban quản đốc riêng để điều hành mọi công việc của võ đường chi nhánh.


Điều thứ 34:
Giám đốc trung tâm, quản đốc chi nhánh do võ sư chưởng môn bổ nhiệm. Trong trường hợp võ sư chưởng môn vắng mặt, chủ tịch ban chấp hành môn phái hoặc một vị khác trong ban chấp hành được ủy quyền bằng văn thư của võ sư chưởng môn sẽ tạm thời bổ nhiệm những chức vụ trên.
Sự bổ nhiệm tạm thời này phải được chính thức hóa ngay sau khi võ sư chưởng môn tái nhiệm phần vụ vừa ủy quyền này.

Điều thứ 35:
Vị giám đốc trung tâm hay vị quản đốc chi nhánh được quyền tổ chức một ban giám đốc trung tâm hay một ban quản đốc chi nhánh để điều hành mọi công việc của võ đường do mình điều khiển, với sự chấp thuận của võ sư chưởng môn.
Số nhân viên trong ban giám đốc trung tâm và ban quản đốc chi nhánh có thể gia giảm chiếu nhu cầu của từng võ đường sở quan.

Điều thứ 36:
Giám đốc, ban giám đốc trung tâm và quản đốc, ban quản đốc chi nhánh hoàn toàn chịu trách nhiệm trước võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương cũng như trước đại hội Vovinam.

Điều thứ 37:
Trong trường hợp giám đốc, ban giám đốc trung tâm và quản đốc chi nhánh phạm những lỗi lầm quan trọng, võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương có thể cách chức và bổ nhiệm những vị khác thay thế, hoặc tạm giải tán một võ đường.
Một ủy ban đặc biệt sẽ được chỉ định để thực thi các quyết định này.

Điều thứ 38:
Trong trường hợp vị giám đốc trung tâm hay quản đốc chi nhánh bị cách chức có đầu tư vào sinh hoạt của võ đường, những vị này có thể khiếu nại lên võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương để yêu cầu được bồi hoàn những tài vật dụng cụ theo thời giá. Ngoài ra, không được đòi hỏi thêm một phí khoản nào khác.

Điều thứ 39:
Trong trường hợp một võ đường trung tâm hay chi nhánh đóng cửa, đình chỉ hoạt động, giải tán hay tự giải tán vì bất cứ một lý do nào, võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương không chấp nhận mọi sự khiếu nại hoặc lời thỉnh cầu xin tài trợ nào cả, trừ những trường hợp thật đặc biệt.
Các tài sản và trái khoản phải thanh toán chậm nhất là2 tuần lễ sau khi các cơ sở này ngưng hoạt động. Môn phái không chịu trách nhiệm, về bất cứ hoạt động nào trái với tôn shỉ mục đích và tinh thần của bản qui lệ này.

Điều thứ 40:
Khi một giám đốc trung tâm hay quản đốc chi nhánh vì một lý do nào đó qua đời hay vắng mặt lâu dài, vị phụ giám đốc trung tâm hay vị thư ký chi nhánh sẽ đương nhiên được xử lý thường vụ công việc của trung tâm hay chi nhánh trong khi chờ đợi có sự bổ nhiệm người thay thế chính thức bởi võ sư chưởng môn và ban chấp hành trung ương, để điều hành công việc chung.

CHƯƠNG THỨ SÁU

ĐẲNG CẤP VÀ KHẢO HẠCH

TRÌNH ĐỘ MÀU ĐAI THỜI GIAN TẬP LUYỆN DANH VỊ 

Tự vệ nhập môn Đai như màu áo 6 tháng Tự vệ nhập môn 

Sơ đẳng 1 Sơ đẳng 2 Sơ đẳng 3 Đai xanh thẳm 1 vạch vàng Đai xanh thẳm 2 vạch vàng Đai xanh thẳm 3 vạch vàng 6 tháng 6 tháng 6 tháng Sơ đẳng đệ I cấp Sơ đẳng đệ II cấp Sơ đẳng đệ III cấp 

Trung đẳng 1 Trung đẳng 2 Trung đẳng 3 Đai vàng 1 vạch đỏ Đai vàng 2 vạch đỏ Đai vàng 3 vạch đỏ 6 tháng 6 tháng 6 tháng Trung đẳng đệ I cấp Trung đẳng đệ II cấp Trung đẳng đệ III cấp 
Dự bị cao đẳng Đai đỏ viền 2 sọc vàng 6 tháng Võ sư trợ huấn 
Cao đẳng 1 Cao đẳng 2 Cao đẳng 3 Cao đẳng 4 Cao đẳng 5 Cao dẳng 6 Cao đẳng 7 Đai đỏ 1 vạch trắng Đai đỏ 2 vạch trắng Đai đỏ 3 vạch trắng Đai đỏ 4 vạch trắng Đai đỏ 5 vạch trắng Đai đỏ 6 vạch trắng Đai đỏ 7 vạch trắng Từ 1 Đến 2 năm được thi lên 1 cấp Võ sư cao đẳng đệ I cấp Võ sư cao đẳng đệ II cấp Võ sư cao đẳng đệ III cấp Võ sư cao đẳng đệ IV cấp Võ sư cao đẳng đệ V cấp Võ sư cao đẳng đệ VI cấp Võ sư cao đẳng đệ VII cấp 
Thượng đẳng Đai Trắng Vô định võ sư chưởng môn 

Điều thứ 42:
Các màu đai mang ý nghĩa:
a/ Màu lam: Biểu thị màu hy vọng với ý nghĩa võ sinh đang muôi một hy vọng tiến sâu vào ngành võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
b/ Màu vàng: Biểu thị màu da với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã bắt đầu ngấm vào thân thể.
c/ Màu đỏ: Biểu thị màu nâu, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã bắt đầu ngấm vào máu huyết, lưu thông trong thân thể.
d/ Màu trắng: Biểu thị màu xương tủy, vời ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào xương tủy, biến thể thành bản thân võ đạo sư tượng trưng tinh hoa của môn phái.

Điều thứ 43:
Mỗi khi môn sinh từ đẳng trình dưới muốn lên đẳng trình trên, hoặc ở trong một đẳng mà muốn thăng cấp (thêm vạch trên dây lưng) đều phải qua một kỳ thi.

Điều thứ 44:
Nếu quá 1 năm, môn sinh không liên lạc với môn phái, thì đương nhiên không được môn phái thừa nhận đẳng cấp mà đương sự đã thọ lãnh.

Điều thứ 45:
Sau khóa tự vệ nhập môn, võ sinh muốn tuần tự lên các trình độ sơ đẳng đệ nhất, đệ tam cấp, phải qua một kỳ thi gồm có các môn: 
*. Hạnh kiểm Hệ số 4
*. Võ thuật Hệ số 4
*. Võ lực Hệ số 3
*. Khảo hạch phần giảng huấn tinh thần Hệ số 2

Điều thứ 46: 
Ngoài trình độ tự vệ nhập môn và sơ đẳng, các kỳ thi của các đẳng cấp trên gồm có các môn:
*. Tinh thần võ đạo Hệ số 5
*. Võ thuật Hệ số 5
*. Võ lực Hệ số 3
*. Nghệ thuật chỉ huy và công lao xây dựng môn phái Hệ số 3 

Điều thứ 47: 
Ngoài những trình độ liệt kê trên, các môn sinh ưu tú bậc trung đẳng đệ nhất cấp có thể xin theo học lớp đặc huấn cấp I để trở thành phụ tá huấn luyện, và các môn sinh ưu tú bậc trung đẳng đệ nhị cấp có thể xin theo học lớp đặc huấn cấp II để trở thành huấn luyện viên.


Điều thứ 48:
Trong các kỳ thi dành riêng cho các võ sư trợ huấn lên võ sư cao đẳng đệ nhất cấp và từ võ sư cao đẳng đệ nhất cấp lên các cấp trên, ngoài các môn kể trên, ứng viên còn phải đệ trình một bài luận án về võ học.

Điều thứ 49:
Các điều 43 và 44 không áp dụng với các võ sư thượng đẳng cố vấn tối cao.

Điều thứ 50:
Đơn xin thi phải có chữ ký của thí sinh, và phải trình nạp tại văn phòng nơi thụ huấn trước kỳ thi nữa tháng.

Điều thứ 51:
Thành phần hội đồng khảo thí gồm có: Chánh chủ khảo, phó chủ khảo, thư ký và các giám khảo, do võ sư chủ tịch ban chấp hành trung ương chỉ định.
Điều kiện được chỉ đinh là giám khảo các kỳ thi là:
Tự vệ nhập môn và sơ đẳng: Võ sư trợ huấn trở lên
Trung đẳng: Võ sư cao đẳng đệ nhất cấp trở lên
Dự bị cao đẳng: võ sư cao đẳng đệ nhị cấp trở lên
Từ võ sư cao đẳng đệ nhất cấp trở lên: Giám khảo phải có đẳng trình cao hơn thí sinh 2 cấp.

Điều thứ 52: 
Kết quả kỳ thi sẽ được hội đồng khảo thí lập thành biên bản đệ trình võ sư chủ tịch ban chấp hành trung ương. Vị này sẽ phê duyệt với sự quyết định tối hậu của võ sư chưởng môn về kết quả của mọi cuộc khảo hạch trước khi công bố kết quả.

Điều thứ 53:
Sau khi trúng tuyển, mỗi võ sinh sẽ được cấp phát một văn bằng chính thức của môn phái có ấn ký phê chuẩn của võ sư chưởng môn và ấn ký của chánh chủ khảo hội đồng khảo thí.











CHƯƠNG THỨ BẢY

KỶ LUẬT

Điều thứ 54:

Mỗi khi gặp võ sư hay đồng môn có đẳng cấp cao hơn, môn sinh phải Nghiêm Lễã theo nghi thức môn phán



Điều thứ 55:
Tuyệt đối cấm môn sinh có những cử chỉ tỏ ra lố lăng, đùa nghịch, vô lễ, bất kính trong khi học tập và sinh hoạt môn phái.

Điều thứ 56:
Tuyệt đối cấm môn sinh có những ngôn ngữ, cử chỉ, hành động tỏ ra bất phục tùng mệnh lệnh của cấp trên và làm giảm uy tín của môn phái.

Điều thứ 57:
Tuyệt đối cấm môn sinh tiết lộ những vấn đề mà môn phái không cho phổ biến ra ngoài.

Điều thứ 58:
Tuyệt đối cấm môn sinh lợi dụng danh nghĩa, đẳng cấp của môn phái để mưu đồ tư danh, tư lợi,

Điều thứ 59:
Tuyệt đối cấm môn sinh mang danh Vovinam thượng đài hay tranh đấu với bất cứ một võ phái nào.

Điều thứ 60:
Môn sinh nào làm thiệt hại tài sản của môn phái, đều bị hội đồng kỷ luật nghiêm phạt và phải bồi thường khi gây ra thiệt hại.

Điều thứ 61:
Hội đồng kỷ luật môn phái gồm:
* Võ sư chưởng môn hoặc đại diện chủ tịch
* Thư ký thường trực ban chấp hành thư ký
* Trưởng ban tổng phối kiểm hoặc đại diện hội viên
* Trưởng ban huấn luyện hoặc đại diện hội viên
* Trưởng ban tài chính hoặc đại diện hội viên

Môn sinh phạm lỗi được quyền ủy cậy hay lựa chọn một bạn đồng khóa liên hệ biện hộ trước hội đồng kỷ luật.
Phân định của hộ đồng kỷ luật chiếu theo biểu quyết của hội đồng với đa số tương đối. Phân định về các chế tài phải được công bố và thi hành ngay sau khi lập xong biên bản phiên họp hội đồng kỷ luật.
Biên bản này phải gồm chử ký các hội viên tham dự và môn sinh phạm lỗi cùng biện hộ viên. Phân định của hội đồng kỷ luật có tính cách chung thẩm và bất khả bải miễn cùng tính cách cưỡng hành trong sinh hoạt nội bộ môn phái.
Một ủy ban đặc trách được chỉ định để thi hành và công bố các chế tài theo môn quy này.

Điều thứ 62: 



Nghiêm cấm môn sinh dùng võ thuật để làm vệ sĩ cho bất cứ ai không phải là thượng cấp trong môn phái Vovinam.


Điều thứ 63: 
Nghiêm cấm môn sinh các cấp hành nghề giảng dạy Vovinam nếu không có sự chấp thuận của võ sư chưỡng môn và ban chấp hành trung ương.

Điều thứ 64:
Môn sinh nào không đóng học phí hay nguyệt liễm sẽ đương nhiên bị khai trừ.

Điều thứ 65:
Các tội lỗi của các môn sinh được xếp làm ba hạng: Lỗi cảnh cáo, lỗi nhẹ, và lỗi nặng.
Được xếp vào lỗi cảnh cáo, nếu môn sinh vào điều thứ 55
Được xếp vào lỗi nhe,ï nếu môn sinh bị lỗi cảnh cáo quá 3 lần
Được xếp vào lỗi nặng, nếu môn sinh phạm vào các điều thứ 26,37,56,57,58,60,61.

Điều thứ 66:
Đối với các lỗi cảnh cáo, hình phạt có thể là:
Nói rõ cho biết, răn dạy để tránh tái phạm.
Lập đi lập lại một hay nhiều động tác.
Tạm đuổi ra khỏi lớp học, hay buổi sinh hoạt.
Bắt tự nhận lỗi trong lớp học, trước các bạn đồng môn.
Các hình phạt này phải được tuân hành ngay dù có khiếu nại lên thượng cấp.

Điều thứ 67:
Đối với các lỗi nhẹ, hình phạt có thể là:
Thông báo cho đồng môn và gia đình biết.
Ghi điểm vào sổ phạt (để trừ vào điểm thi).
Đuổi có thời hạn khỏi lớp học hay sinh hoạt thường xuyên.

Điều thứ 68:
Đối với các lỗi nặng, hình phạt có thể:
Bồi thường thiệt hại.
Bị giáng cấp.
Bị khai trừ khỏi môn phái.

Điểu thứ 69: 
Võ sư, võ sư trợ huấn và các huấn luyện viên đều có quyền trực tiếp phạt các môn sinh về các lỗi cảnh cáo và đề nghị lên hội đồng kỷ luật các trường hợp vi phạm khác.
Môn sinh có quyền đề nghị phạt bạn đồng môn có đẳng cấp dưới mình lên thượng cấp.

Điều thứ 70:
Hội đồng kỷ luật sẽ phán quyết chung thẩm các lỗi nhẹ và nặng của các môn sinh, cùng phân định tội danh và hình phạt cho những vi phạm điều thứ 60.

Điều thứ 71:
Khi hội đồng kỷ luật nhóm họp để phán quyết tội trạng của một môn sinh thuộc chi nhánh của trung tâm, thì ban quản đốc chi nhánh ấy phải cử một đại diện vào ghế hội viên của hội đồng kỷ luật, nhưng không có quyền biểu quyết tài phán.

Điều thứ 72:
Trong trường hợp võ sư chưởng môn không thể hiện được tinh thần và ý hướng của môn phái đã qui định nơi tôn chỉ và mục đích ghi trong chương thứ hai, thì 2/3 (hai phần ba) tổng số môn sinh từ bậc cao đẳng trở lên cùng toàn thể ban chấp hành trung ương có thể triệu tập đại hội bất thường để tỏ thái độ, khuyến cáo, hoặc truất quyền vị võ sư chưởng môn. Trường hợp truất quyền chỉ được thực hiện khi có biểu quyết của 3/4 tổng số cử tri hữu quyền của toàn môn phái.
Sau đó, vị chủ tịch đại hội bất thường hay người kế quyền phải chấp hành quyết định chung của đại hội chiếu biên bản có chữ ký của hầu hết hội viên hữu quyền đã tham dự đại hội, triệu tập một đại Hội Vovinam chánh thức để bầu ra vị tân võ sư chưởng môn lãnh đạo môn phái theo thể thức quy định trong điều thứ 28 chương thứ tư.
Đại hội công cử tân chưởng môn này phải triệu tập trễ nhất là 24 giờ sau khi đại hội truất quyền nguyên chưởng môn bế mạc.







CHƯƠNG THỨ TÁM

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI

Điều thứ 73:

Toàn thể môn sinh có nhiệm vụ phải triệt để tôn trọng và tuân hành bản qui lệ này.



Điều thứ 74:
Toàn thể môn sinh phải thuộc lòng, thấu triệt ý nghĩa và tuân hành 10 điều tâm niệm dưới đây:
Võ sinh Vovinam nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
Võ sinh Vovinam nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo.
Võ sinh Vovinam đồng tâm nhất chí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo.
Võ sinh vovinam tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ.
Võ sinh Vovinam tôn trọng các võ phái khác, chỉ dụng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
Võ sinh Vovinam chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trau dồi đạo hạnh.
Võ sinh Vovinam sống trong sạch, giản dị, trung thức, và cao thượng.
Võ sinh Vovinam kiện toàn ý chí đanh thép để thắng phục cường quyền và bạo lực.
Võ sinh Vovinam sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.
Võ sinh Vovinam tự tín, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.

Điều thứ 75:
Những võ sinh đã theo học hết chương trình và trúng tuyển lên kỳ thi trung đẳng sẽ được chính thức ghi là môn sinh Vovinam và được hưởng mọi quyền lợi dành cho môn sinh.

Điều thứ 76:
Môn phái và các bạn đồng môn sẽ tùy khả năng giúp đỡ môn sinh trong việc hiếu hỉ hay hoạn nạn, hoặc thể theo lời yêu cầu của môn sinh.

Điều thứ 77:
Chiếu theo tôn chỉ và mục đích nơi chương thứ hai, toàn thể môn phái đoàn kết chặt chẽ để bênh vực môn sinh.

Điều thứ 78:

Võ sinh nào đã được chính thức ghi danh là môn sinh Vovinam (theo điều thứ 75) nhưng vì hoàn cảnh không thể theo tập được nữa, vẫn có thể thường xuyên giữ liên lạc với môn phái (như đóng nguyệt liễm, thông báo địa chỉ khi thay đổi, theo dõi hoặc tham gia sinh hoạt Vovinam) đều được công nhận là môn sinh Vovinam và được hưởng mọi quyền lợi qui định trong các điều khoản nơi chương này.

CHƯƠNG THỨ CHÍN

THỂ LỆ NHẬP XUẤT VÀ KHAI TRỪ

Điều thứ 79:

Bất phân nam, nữ, tôn giáo và quốc tịch , những người từ 10 tuổi trở lên đều có thể xin nhập học tại các võ đường trung tâm hay võ đường chi nhánh của môn phái.



Điều thứ 80:
Hồ sơ nhập học gồm có:
Một đơn xin nhập học (theo mẩu có sẳn)
1 giấy khai sinh hay thế vì khai sinh
1 giấy cam đoan của cha mẹ hay người giám hộ (nếu võ sinh dưới 18 tuổi)
2 tấm hình 4x 6
1 giấy biên lai học phí.

Điều thứ 81:
Những môn sinh muốn ra khỏi môn phái tạm thời hay vĩnh viễn đều phải làm đơn gửi ban chấp hành trung ương.

Điều thứ 82:
Việc khai trừ 1 môn sinh ra khỏi môn phái chỉ được dành cho sự phán quyết duy nhất của hội đồng kỷ luật của môn phái.

Điều thứ 83:
Các môn sinh đã ra khỏi môn phái đều có thể xin tái nhập môn phái với sự chấp thuận của ban chấp hành trung ương.


CHƯƠNG THỨ MƯỜI

TÀI SẢN VÀ LỢI TỨC

Điều thứ 84:

Toàn thể môn sinh phải đóng tiền nguyệt liễm trong thời hạn từ mồng 1 tới 10 mỗi tháng (dương lịch).



Điều thứ 85:
Toàn thể võ sinh và môn sinh các đẳng cấp đang theo tập đều nạp võ phí (có biên lai), trể nhất là ngày 5 mỗi tháng, võ phí sẽ do ban chấp hành trung ương ấn định.

Điều thứ 86:
Ban chấp hành trung ương có thể xây dựng và phát triển tài sản môn phái bằng cách:
Thọ lãnh trợ cấp của chính quyền.
Tiếp nhận các tài vật của các đoàn thể hay tư nhân tặng dữ vô thường hay hữu thường.
Tổ chức các buổi trình diễn võ thuật, văn nghệ hay xổ số với sự chấp thuận của chánh quyền.

Điều thứ 87:
Toàn thể nhân viên ban chấp hành, môn sinh các đẳng cấp và võ sinh đều không có quyền đòi hỏi sự hoàn trả mọi tài vật và ngân khoản đã đóng góp vì bất cứ lý do nào, kể cả trường hợp bị khai trừ.

Điều thứ 88:

Võ sư chưởng môn có thể tạo mãi biến dịch, kiến thiết các bất động sản thuộc quyền sở hữu của môn phái để thực hiện các mục tiêu ích lợi chung đã minh định nơi chương thứ hai với sự đồng ý của đa số tương đối các trưởng ban trong ban chấp hành trung ương.



Điều thứ 89:
Võ sư chưởng môn có nhiệm vụ quản thủ tất cả tài sản và ngân quỹ của môn phái.

Điều thứ 90:
Trưởng ban tài chánh của ban chấp hành trung ương môn phái giữ nhiệm vụ kế toán về các chứng từ liên quan tới việc chi, thu của môn phái, cùng báo cáo tình hình tài chánh của trung ương và các trung tâm, chi nhánh trong mỗi buổi họp hàng tháng cũng như chứng minh và giải đáp trực tiếp các chất chính trước đại hội Vovinam.


Điều thứ 91:
Vị thủ quỹ chỉ được giữ một ngân khoản tối đa là 20.000 $ (hai chục ngàn đồng) qua sự phê kiểm của chủ tịch ban chấp hành trung ương. Ngân khoản còn lại phải gởi tại một ngân hàng dưới trương mục ky thác mang danh hiệu môn phái Vovinam.

Điều thứ 92:
Mọi chi phiếu, ngoài chử ký của thủ quỹ, đều phải được chủ tịch chấp thuận.

Điều thứ 93 :
Chủ tịch ban chấp hành trung ương được quyền quyết định về mọi chi tiêu từ 20.000$ (hai chục ngàn đồng) trở xuống. Nếu chi tiêu một ngân khoản nào trên 20.000$ (hai chục ngàn) vị chủ tịch sẽ đem ra thảo luận tại một buổi họp của ban chấp hành trung ương đặt dưới quyền chủ toạ của Võ sư Chưởng môn. Các quyết định xuất ngân sẽ biểu quyết theo đa số tương đối các trưởng ban trong ban chấp hành trung ương. Quyền tài quyết thuộc về Võ sư Chưởng môn.

Điều thứ 94 :
Các ban giám đốc trung tâm và các ban quản đốc chi nhánh được quyền sử dụng một phần tổng số võ phí của môn sinh đóng góp, để chi phí vào những công việc văn phòng và đài thọ lương bổng nhân viên. Ngân khoãn này sẽ do ban chấp hành trung ương của môn phái ấn định theo thể thức điều 90. Trong khuôn khổ ngân khoản này, các trung tâm hay chi nhánh được tự trị về tái chánh với điều kiện phải báo cáo tình hình tài chánh hàng tháng vào ngày cuối mỗi tháng về ban chấp hành trung ương.

Điều thứ 95 :
Trong trường hợp ngân quỹ của một trung tâm hay một chi nhánh không đủ khả năng đài thọ các phí khoản cần thiết, ban giám đốc trung tâm hay ban quản đốc chi nhánh có thể đề nghị lên ban chấp hành trung ương của môn phái để xin tài trợ. Ngân khoản tài trợ sẽ tùy theo sự cứu xét và quyết định tối hậu của ban chấp hành trung ương, với sự phê chuẩn của Võ sư chưởng môn.


CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

SỬA ĐỔI QUI LỆ

Điều thứ 96 :

Tôn chỉ và mục đích minh định nơi chương thứ hai và các điều khoản quy định nơi chương này không được sửa đổi.



Điều thứ 97 :
Sự sửa đổi bản qui lệ (nếu có) không được trái với tôn chỉ và mục đích đã nêu lên nơi chương thứ hai.

Điều thứ 98 :
Mỗi khi muốn sửa đổi một điều khoản nào trong bản qui lệ này, ban chấp hành trung ương phải triệu tập một đại hội Vovinam, chiếu nhu cầu, hay sau khi có đề nghị của 1/3 tổng số cử tri hữu quyền thuộc thành phần tham dự đại hội Vovinam đã qui định trong điều 27 nơi chương thứ tư.

Điều thứ 99 :
Mọi tu chính chỉ có hiệu lực sau khi đã được sự chấp thuận của 2/3 tổng sồ cử tri hữu quyền đã nêu lên trong điều thứ 98.

Các đồng môn có thể tham khảo bản chính và bảo sao của võ đường Thái Nguyên

Lê Kim Anh 14/8/2016

HỒI KÝ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (P.IV – PHẦN CUỐI)



Hơn 60 năm qua, Vovinam luôn trung thành với mục tiêu của mình là phục vụ xã hội, đào tạo những con người tốt về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi con người đã có ý thức luôn tự hoàn thiện tất yếu sẽ tránh được những thói hư tật xấu, những sa ngã trong cuộc sống. Xã hội có nhiều con người tốt cũng sẽ tốt, cũng như khi có nhiều điểm sáng thì bóng tối sẽ tự tiêu tan.

 

Bước vào thế kỷ 21, với mong muốn góp phần xây dựng một nền võ đạo chung cho nhân loại, Vovinam sẽ tiến từ Việt Võ Đạo tới Nhân Võ Đạo. Đây là một lý tưởng hoàn toàn mang tinh thần phục vụ, cống hiến cho nhân loại, một nhân tố hòa hợp, gắn bó bằng tâm thức yêu thương, hào hiệp chứ không phải sự chinh phục, áp đặt, đồng hóa. Chân giá trị của võ đạo là tính chất nhân bản : do con người, vì con người,  phát triển và phục vụ con người.. Vovinam như một biển lớn thu nạp được tất cả mọi mạch nguồn từ các nơi đổ về, bất kể phẩm chất và số lượng của mạch nguồn đó ra sao, sau đó chuyển hóa thành nước biển trong sạch.

Từ các nguyên lý này, chúng ta có thể thâu nạp và thâu dụng,  trau chuốt rồi phổ cập được mọi tư tưởng, mọi khác biệt về cá tính, về huyết thống, về võ học… Nói một cách rõ hơn, Vovinam không phân biệt tôn giáo, sắc dân, chế độ chính trị và nhất là không có sự kỳ thị về địa phương, giai cấp hay chính kiến. Vovinam là một nhân tố hòa ái, kết hợp, bao dung để mọi người được sống với nhau bình đẳng, chu toàn trách vụ của mình..

Vovinam không thoát thai từ chế độ nào nên không lệ thuộc vào đâu cả. Với tinh thần hướng thượng, Vovinam chủ trương hòa hợp và cống hiến, nên trong mục tiêu hoạt động và phát triển môn phái không bao giờ đặt vấn đề trở thành quốc võ để mong chiếm lĩnh hay bao trùm tất cả. Vovinam cũng không giành giật, chiếm hữu bất cứ phần vụ nào của xã hội, ngoài chuyên môn võ thuật, võ đạo của mình. Trên đường tiến tới mục đích phục vụ nhân loại, Vovinam chỉ có một tâm nguyện làm vinh danh dân tộc mình bằng điểm xuất phát của một nền võ đạo đã góp công vào việc giúp tiến, hiến ích cho mọi người chung sống hòa bình.

Vovinam là một trong những bộ môn văn hóa, mà văn hóa là của muôn đời,  phát huy căn gốc muôn đời. Do đó sức sống văn hóa tỏa rộng ra cùng khắp, vượt suốt mọi thời đại, khác với sự khắc nghiệt, gò bó, đóng khuôn của chính trị. Vovinam tuyệt đối tôn trọng tôn chỉ và mục đích của mình, giữ đúng bản chất đặc thù võ thuật và võ đạo nên qui lệ của môn phái đã ghi rõ :

«mọi hoạt động của Vovinam đều không có tính cách chính trị và tôn giáo».

Tuy  vậy, môn đồ Vovinam ngoài tư cách võ đạo sinh, còn có tư cách công dân đầy đủ bổn phận và quyền lợi đối với quốc gia, xã hội. Do đó Vovinam cấm môn đồ hoạt động chính trị với danh nghĩa môn phái, lợi dụng môn phái để mưu cầu tư danh, tư lợi nhất thời thiển cận, chớ không bao giờ đụng chạm đến quyền công dân của họ. Ngoài ra Vovinam cũng khuyên các môn đồ thường xuyên học tập, thông suốt mọi khía cạnh của đời sống, liên quan tới chính trị hay bất cứ một nghành nghề nào khác mà mình thích thú theo đuổi, để thăng tiến nghề nghiệp và đó cũng là một trong những phần vụ phải đóng góp cho đời.

Dù muốn dù không, tình hình đất nước cũng tác động tới môn phái, do đó chúng ta phải bình tâm tôn trọng tính khách quan của xã hội, xác định hướng đi đúng đắn, thái độ xứng hợp, để làm tròn trách vụ đối với môn phái trong giai đoạn phát triển toàn cầu. Mỗi người môn đồ của chúng ta phải có một niềm tin sắt đá, một kiến thức quán thông, một tài năng chân chính và nhất là phải có một sự hy sinh cao độ, dẹp bỏ mọi tỵ hiềm riêng tư mà sống với tập thể và cho tập thể, với dân tộc và tôn giáo. Mỗi môn đồ cũng nên tự rèn luyện để trở thành người con hiếu, cha hiền, vợ chồng thuận thảo, bạn bè tín nghĩa, tín đồ giữ đạo và người công dân thượng tôn pháp luật.

Mỗi người chúng ta có rất nhiều tư cách và có những vị trí khác nhau trong cuộc sống. Đừng bao giờ để tư cách này lẫn lộn với tư cách kia và đừng đứng sai vị trí đã chọn. Vị trí của người môn sinh Vovinam là Cách mạng Tâm Thân trong tinh thần phục vụ con người.

Người ta thường nói «con người là tiểu vũ trụ». «con người đứng đầu muôn loài» để nói lên giá trị vô biên và tài năng đa dạng của con người. Dù vậy, mỗi con người đều có sở trường và sở đoản. Tài năng, đức độ dù cao mấy cũng ở khía cạnh nào đó thôi. Một nhà bác học được cả nhân loại tôn vinh cũng chỉ ở một lĩnh vực, và ngay cả mỗi lĩnh vực cũng chỉ vượt trội một vấn đề, mà mỗi vấn đề cũng không chỉ độc nhất có một bác học, một thiên tài độc chiếm.  Do đó, mới có câu «nhân vô thập toàn». Với nhận định trên, người môn sinh Vovinam chúng ta phải sáng suốt để nhận ra chỗ đứng của mình trong môn phái và trong xã hội hầu có thể hoạt động hữu hiệu và thành công.

Chúng ta cũng cần nhận định rõ việc xây dựng bất cứ một công trình nào đều cần đến nhiều bàn tay, nhiều khối óc, mỗi người ở một vị trí khác nhau mới làm nên việc. Vì vậy chúng ta không thể quan niệm bộ phận này nhỏ, bộ phận kia lớn để đánh giá, phân biệt. Điều quan trọng là dù ở vị trí nào chúng ta cũng đem hết tâm lực và khả năng ra gánh vác. Có thế chúng ta mới làm tròn nghĩa vụ đối với môn phái để phục vụ hữu hiệu cho dân tộc và nhân loại.

Một khi môn đồ Vovinam trong tất cả các ngành ở mọi quốc gia trên thế giới, mỗi người mối việc đều giỏi nghề chuyên môn lại được tinh thần Nhân Võ Đạo chỉ hướng thì sự sống sẽ được nâng cao, xã hội sẽ hạnh phúc, thế giới sẽ an lạc hòa nình.

Hành trình của Vovinam đi từ Việt Võ đạo tới Nhân Võ Đạo là như thế.

Trước đây, với cương vị Chưởng môn tôi điều hành toàn bộ các hoạt động của môn phái Vovinam từ nhân sự, kỹ thuật, đường lối, giao tiếp…Hiện nay mặc dù còn có thể trực tiếp điều hành được nhưng tôi phân chia trách nhiệm cho các môn sinh cùng nhau đảm nhiệm, tôi chỉ giữ vai trò cố vấn về chuyên môn.

            Chẳng hạn Ban quản trị Tổ đường gồm có tổ trưởng và hơn mười tổ viên, mỗi người một nhiệm vụ. Tôi chỉ có mặt để chứng kiến, nếu có sơ sót thì nhắc nhở. Do đó về công việc hiện nay tôi rất nhàn hạ thảnh thơi, ngay cả diễn văn tôi đọc cũng có người soạn sẵn. Việc này trước đây tôi tự làm, giờ tôi vẫn làm được nhưng tôi để cho môn sinh làm cho quen việc.

            Ban điều hành môn phái hiện nay (2001) do ông Trương Quang Trung làm Trưởng ban hành chánh. Ông không phải là võ sư mà là người chuyên môn về hành chánh để theo dõi việc chấp hành đúng luật lệ nhà nước.

            Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập trung lo về đào tạo để cung cấp đầy đủ cán bộ dạy võ trong cả nước. Hiện nay Vovinam đang mở lớp tập huấn đào tạo cán bộ ngoài miền Bắc, đặc biệt tại tỉnh Sơn Tây là quê hương của Sáng Tổ.

            Tôi giao cho các môn sinh cốt cán trách nhiệm ổn định lại môn phái và chuẩn bị tiến hành bầu Ban chấp hành Tổng liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo thế giới.

            Trước đây hoạt động của Vovinam có nhiều khó khăn khách quan, nay Nhà nước đã chính thức công nhận và khuyến khích nên phải ổn định lại tổ chức và đưa vào nề nếp chứ không phải ai muốn làm gì thì làm như thời kỳ đã qua.

            Gần đây nhận thấy hai võ sư Nguyễn Văn Sen và Nguyễn Văn Chiếu – hai võ sư ưu tú nhất Việt Nam hiện nay – đã đạt tới trình độ cao nên tôi giao cho họ việc chấm thi, tôi chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát. Riêng các kỳ thi từ Chuẩn hồng đai – tức từ Huyền đai Đệ tứ đẳng quốc tế trở lên – tôi trực tiếp tham dự chấm thi và quyết định. Việc thăng đai, thăng đẳng cấp phải có chữ ký của tôi mới có giá trị.

            Về cuộc sống, tôi ung dung thanh thản, ăn uống đạm bạc. mùa nào thức ấy, sống phong lưu nhưng không tốn kém. Bắt đầu từ năm 2001 tôi thường đi chơi xa, thông thường hàng tháng chỉ ở Sài Gò hai tuần lễ, thời gian còn lại tôi lui tới với bạn bè, theo học trò ra miền Bắc hay đi xuống các tỉnh miền Nam. Thỉnh thoảng tôi cũng đến chơi nhà các đệ tử, có khi đi nghỉ mát tại Vũng Tàu, Bình Châu. Tôi đi đây đó cốt để nghỉ ngơi cho sức khỏe được tốt đồng thời chú ý xem tình hình nhân sự ở các địa phương, nhưng chỉ là một cách nhìn thoáng qua chứ không quá chú tâm.

            Sinh hoạt hàng ngày của tôi rất đều đặn. Khoảng bốn năm giờ sáng tôi thức dậy, tập võ một tiếng đồng hồ, tắm rửa, vào xem tivi, có khi ngồi nghe chương trình dạy ngoại ngữ trên đài, một cách để tập luyện trí não.

            Sau khi ăn sáng, tôi đọc báo hay viết lách một tí cho đến giờ cơm trưa. Tôi ăn uống giản dị, chú ý ăn nhiều rau đậu, cá nhiều thịt ít, giảm ăn mặn và ngọt, không dùng mỡ và chỉ ăn dầu. Đặc biệt tôi ăn không nhiều nhưng rất ngon miệng, điều đó chứng tỏ sức khỏe tôi vẫn tốt. Buổi trưa tôi xem tivi một chút rồi ngủ hết sức thoải mái. Bốn giờ chiều tôi tập võ lần thứ hai trong vòng một tiếng đồng hồ, đến khoảng sáu giờ thì ăn tối. Buổi tối tôi chỉ xem tivi chứ không đọc sách, mắt tôi khi đọc không cần kính, nhưng nếu đọc nhiều dễ bị chảy nước mắt. Khoảng mười một giờ rưỡi đêm, sau khi hết chương trình tivi tôi lại vận động nhẹ một tiếng đồng hồ. Thông thường đến một giờ sáng tôi mới đi ngủ.

            Tuy tình trạng sức khỏe vẫn tốt, nhưng trong một lần đi chơi mới đây, tôi có cảm giác tim co bóp không đều nên phải uống thuốc, giờ đã trở lại bình thường. Riêng căn bệnh thấp khớp mắc phải trong thời gian đi học tập cải tạo nay vẫn còn, nhưng tôi chữa trị bằng cách tập luyện là chính.

            Nhìn lại cuộc đời đã qua, có thể nói tôi chưa thất bại bao giờ. Không phải vì giỏi mà do tôi luôn lượng sức mình. Thận trọng làm từng bước cho thích hợp, nếu thấy không thuận lợi thì dừng lại ngay. Theo tôi người  thất bại là bởi không lượng sức, chỉ mang nổi 5o ký lô lại ráng gánh 100 ký lô thì khó mà thành công. Sức tôi mang 50 ký lô thì tôi mang đúng trọng lượng này, sau đó tăng dần 51, 52 rồi 53 ký lô. Do đó bản thân tôi không bị thất bại, có những lúc phải dừng lại chẳng qua là tại thời cuộc. Tôi không bao giờ với lên quá tầm tay mình để phải bị khụy xuống.

Suốt đời tôi chỉ nghỉ đến cái chung, không vun quén cho riêng mình. Trong cái chung có cái riêng, khi tôi gặp khó khăn luôn luôn có học trò đỡ đần. Vì vậy cứ nghĩ đến cái chung thì rồi cái riêng cũng dễ dàng có được.

Tôi luôn giữ cho mình phong thái ung dung thanh thản, cố gắng duy trì hoạt động môn phái luôn phát triển, tuy từng lúc từng nơi có xáo trộn nhưng đời sống cá nhân tôi không bị ảnh hưởng. Tôi tự luyện tập có một tình cảm chừng mực, vui buồn chỉ thoáng qua, không vui lắm cũng không buồn nhiều. Gặp việc gì khó khăn nếu thấy giải quyết được thì cố làm và luôn giữ cho tâm trí tỉnh táo để làm tốt công việc. Do đó tôi chỉ suy nghĩ tính toán chứ không lo buồn, cân nhắc tìm phương cách vượt qua. Còn nếu thấy không giải quyết được thì tôi sẽ không bận tâm đến nữa.

Chuyện đời tư của tôi là do số phận đưa đẩy, dĩ nhiên lúc còn trẻ cũng có những mơ mộng nhưng không sâu xa. Do hoàn cảnh phải di chuyển thường xuyên, nếu cứ an cư một nơi có lẽ tôi cũng đã xây dựng gia đình. Nhưng khi công việc và cuộc sống hội đủ điều kiện để lập gia đình thì do thời cuộc thay đổi, hoặc thoáng gặp một vài người trong đời rồi lại phải chia tay. Một phần do tôi quá say mê nghiệp võ, phần khác là do số phận nên chuyện không thành.

Tuy tôi là con trai duy nhất nhưng gia đình mẹ tôi theo Công giáo nên không đặt vấn đề thừa tự. Phần tôi nếu có điều kiện mà không lập gia đình thì có phần áy náy vì không tròn đạo hiếu, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng nên tôi chấp nhận coi là chuyện bình thường.

Tôi học tập quan niệm phóng khoáng của bố tôi, việc cần làm, khi có đủ điều kiện mà không làm là mình sai. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy không thuận lợi mà cứ cố làm là dở, hóa ra đem sóng gió vào trong đời. Chính vì vậy đời tôi không bao giờ có sóng gió, tôi tin chuyện nhân duyên là phần số, còn khi nó đến rồi thì giữ được hay không là sức người.

Trong cách xử sự cũng như quan điểm về cuộc sống tôi thừa hưởng được tính cách của gia đình. Bố mẹ tôi khác nhau như nước với lửa, cụ ông là một nhà nho trầm tĩnh còn cụ bà là người Công giáo năng nổ đôi khi hơi xốc nổi. Khi có chuyện không hài lòng bà cụ hay la rầy tôi còn ông cụ thì ngược lại chỉ điểm tĩnh dẫn giải những sai sót cho con cái.

Tôi còn nhớ lúc 14 tuổi tôi đi học nghề xa nhà, mỗi tháng về thăm gia đình một lần nhưng nếu thầy không cho phép thì dù nhớ cha mẹ và các em tôi cũng phải đành chịu. Đến khi ra nghề tôi ở tại ngõ Hàng Hành trong khi gia đình tôi ở cửa Bắc, Hà Nội. Có một năm vào 30 tết vì ham vui mà tôi ở lại nhà bạn bè, đến sáng mồng một mới về mừng bố mẹ. Đang trong ngày tết nên mẹ tôi không la rầy nhiều nhưng bày tỏ thái độ không hài lòng, trong khi bố tôi vẫn vui vẻ như thường. Đến ngày mồng ba cúng tiễn ông bà, bố tôi nhẹ nhàng giảng dạy cho tôi :

–  Lần sau con nhớ về trước giao thừa. Con biết tại sao phải thế không ? Vì giao thừa là thời khắc âm dương giao hòa, theo truyền thuyết thì trước nửa đêm là vào giờ âm, các bậc tiền nhân về lại cõi trần, qua 12 giờ đêm đã bước sang giờ dương, các vị có muốn về cũng không được. Do đó ta nên có mặt vào giờ giao thừa để cung kính làm lễ đón những người khuất mặt đúng truyền thống. Sang ngày mồng một Tết con muốn đi đâu chơi cũng được.

Bố tôi bao giờ cũng nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ, còn mẹ tôi có khi chỉ mắng và chẳng giảng giải nên con cái không ý thức được sai lầm của mình. Mẹ tôi có ưu điểm trong xử thế, lúc đầu chị em của bố tôi không ưa mẹ tôi, nhưng dần dà do bà cụ biết cách ăn ở, lo lắng chu đáo cho nhà chồng nên rồi cũng trở nên một nhà thân thiết.

Điểm đặc biệt nhất trong giáo dục con cái của cha mẹ tôi là thấy sai thì dạy bảo, nhưng nếu con cái không sửa thì cũng không nặng nề. Các cụ quan niệm, con cái không nghe lời cha mẹ thì phải tự gánh lấy hậu quả việc làm sai của mình, coi như học kinh nghiệm sống và cũng không trách ai được. Tôi cho rằng cha mẹ tôi đã nhận ra chân thiện mỹ ở đời.

Đó là chuyện trong gia đình, còn nhìn rộng ra xã hội thì cũng vậy. Trong một đoàn thể không ai giống ai, từ nét mặt, đức tính, lời nói, quần áo…cái gì cũng khác nhau. Mọi người đến với nhau và gắn bó nhau là nhờ lý tưởng chung mà phải tìm cách hòa hợp. Muốn có sự hòa hợp phải lấy sự chân thành, trung thực, thủ tín, luôn làm việc lành, việc tốt.

Cách ứng xử của tôi trước sau như một là điều gì tôi thích mà mọi người không chấp nhận thì tôi không làm, điều gì tôi không hài lòng mà mọi người thích tôi vẫn làm : quan trọng hơn cả là mình làm vì mọi người. Việc khó đến mấy mà mọi người đồng tâm hiệp lực cùng làm thì sẽ tốt. Trái lại việc làm tốt mà mọi người không thích, làm một cách miễn cưởng thì rất dễ thất bại. Tính cách này tôi học được ở bố tôi.

Do đó tôi chủ trương đường lối của Vovinam là «Thuận thiên Hòa nhân», nếu mọi người có thể hợp được với nhau để cùng làm việc thì rất tốt đẹp, còn nếu tính tình không hợp được thì phải biết hòa theo thời, tùy thời mà biến đổi, chỗ nào thẳng thì mình thẳng, đến đoạn cong thì mình uốn theo. Nếu cứ khăn khăn bỏ đi đường khác thì không tồn tại được.

 

Vovinam cũng không chỉ là phương pháp rèn luyện thể lực, không phải chỉ là biện pháp tự vệ mà còn là phương tiện để hoàn thiện nhân cách, rèn luyện ý chí nghị lực vượt qua khó khăn, chịu đựng những bất công. Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải học võ chỉ để biết khỏe hay, tự vệ, có những võ sinh suốt đời không dùng đến võ thuật. Hơn thế nữa, người có võ mà không ỷ lại võ công thì mọi người càng nể.

Tôi còn nhớ thời đi dạy võ ở hậu phương miền Bắc, một hôm tôi cùng một người hướng dẫn đi thuyền về dạy cho một đơn vị. Khi thuyền vừa cập bến, một thanh niên cao lớn xô lấn đàn bà trẻ con trên thuyền để tranh bước lên bờ khiến thuyền bị chòng chành. Tôi bất bình ngăn anh ta lại :

– Anh phải nhường cho đàn bà , trẻ con lên trước chứ.

Anh ta quay lại hung hăng gây sự đòi đánh nhau, tôi chỉ cười :

– Anh cao lớn thế ai dám đánh nhau với anh, có điều anh to khỏe như vậy

mà tranh với đàn bà trẻ con, lỡ té xuống khiến mọi người ngã theo thì biết làm thế nào đây.

            Thái độ điềm tĩnh mà không khuất phục của tôi khiến anh ta không dám làm tới. Người hướng dẫn rất kiêng nể sự bình tĩnh của tôi. Thật ra chính người có võ công vững vàng mới dễ giữ được tự tin, không nóng nảy khi bị người khác xúc phạm. Tinh thần đó giúp người học võ thành công trong cuộc sống, làm cho gia đình hạnh phúc, cuộc sống trường thọ, giảm được bệnh tật.

            Điểm lại những điều đã làm trong đời, tôi thấy mình có nhiều thành công nhưng không phải không có những thiếu sót, đó cũng là chuyện thường tình. Điều quan trọng hơn cả là phải nhận ra sai sót, thẳng thắn nhận lỗi rồi quyết tâm không sai phạm nữa. Quan niệm của Vovinam là luôn cố gắng làm hết sức mình, có thể mắc phải những sai lầm và được tha thứ, nhưng không chấp nhận tái phạm.

            Tôi cũng nghĩ rằng : Phàm người không lâm hoạn nạn, không trải gian lao sẽ thiếu kinh nghiệm, sẽ không thấu đáo được tình đời, tình người để có được một định hướng sống trọn vẹn với đời, với người. Lý tưởng thời trai trẻ tuy đẹp nhưng còn mơ hồ, có dày dạn phong trần thì lý tưởng ấy mới rõ ràng sắc nét, vững vàng, kiên định.

Tuy nhiên nếu chỉ thoát nghịch cảnh thì lòng còn e ngại, vương vấn hận thù. Hải vượt qua được moi thử thách mới thấy lòng thanh thoát, bao dung.

            Đó là bài học đắc giá tôi luyện ý chí và nghị lực cho con người thêm vững niềm tin để thẳng bước trên con đường cống hiến và phục vụ cho lý tưởng. Có từng trải và vượt qua được gian khó thì không còn mặc cảm thành bại, hơn thua trong cuộc sống. Không vướng mắc hận thù thì lòng mới thảnh thơi, thông cảm được nỗi khổ đau của kiếp người mà mở rộng lòng yêu thương , gắn bó với người.

            Cuộc sống con người đến hay đi cũng như tiền tài vật chất còn hay mất thật ra cũng chẳng có nghĩa gì, nếu tất cả không được sử dụng vào việc mưu cầu hạnh phúc cho nhân thế, góp phần làm cho xã hội trở nên thanh bình, an lạc. Qua bao nhiêu năm trăn trở mà vượt thoát được, giờ đây chiêm nghiệm về cuộc đời, tôi ghi lại những vần thơ :

Thiên nhiên không hề nói

Bốn mùa cứ vẫn xoay

Vạn vật luôn đổi mới

Trong vòng quay đêm ngày. 

Cảm ứng trước đạo Trời

Sống trọn kiếp làm người

Đến chấp nhận thử thách

Đi không chút bùi ngùi. 

Của thế gian để lại

Phủi nhẹ bàn tay không

Hồn lâng lâng sảng khoái

Vượt muôn trùng mênh mông.

Nhân Mùa tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 41

                                               LÊ SÁNG

* Cảm nhận của Blogger chauminhhay: Đây là một tư liệu vô cùng quý báu mà tôi vinh hạnh có được. Qua đây chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn chân dung một Đệ nhất Công thần của Vovinam – Việt Võ Đạo. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp môn phái, một người kế nghiệp xuất sắc của Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Ông đã vận dụng và phát huy hiệu quả  về tư tưởng Cách mạng Tâm Thân của sáng Tổ. Các thế vật bằng chân, các thế đánh bằng tay được ông tô bồi trở thành một “quyền lực mềm” chinh phục nhiều thành phần trên phạm vi xã hội rộng lớn. Ngoài ra chính ông cũng là người để lại cho muôn đời sau sản phẩm Vovinam được trau chuốt một cách hoàn mỹ thoát thai từ ý tưởng sơ khai của vị Thiên tài Nguyễn Lộc. Muôn đời sau những người môn sinh của Vovinam – Việt Võ Đạo sẽ mãi mãi nhớ đến ông. Không còn bao lâu nữa các môn đồ sẽ kỷ niệm một năm ông ra đi về miền Miên viễn. Một nén tâm hương, một lòng thành kính, cầu cho linh hồn Người siêu sinh tịnh độ và luôn phù hộ độ trì cho Vovinam – Việt Võ Đạo ngày càng thăng tiến làm vinh danh một dân tộc nghìn năm bất khuất.