VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG
NHỮNG NGÀY TÙ ĐÀY TRONG CÁC TRẠI CẢI TẠO
Bài được viết trong mùa giổ lần thứ VII của thầy chưởng môn Lê Sáng về những buồn vui đời cải tạo của thầy dựa theo lời kể của ông Vũ Ánh người bạn đồng tù với võ sư chưởng môn Lê sáng ( có đăng trong nhiều báo của người Việt Tự Do ở hải ngoại), lời tự thuật của võ sư chưởng môn Lê Sáng viết trong hồi ký và một số tài liệu về trại tù cải tạo hiện có trên Internet.
Khi đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH, tháo chạy trước đà tiến quân của cộng sản Bắc Việt, họ đã để lại đằng sau 980.000 người lính của quân lực VNCH, và một số công chức cao cấp phục vụ trong chế độ VNVH đang làm công việc bảo vê sự Tự Do cho nhân dân miền nam.
Chỉ vài ngày sau khi chiềm trọn miền Nam, những người cộng sản đã lùa quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia vào tù bằng một thủ đoạn vô cùng hèn hạ. Trong một buổi ra mắt mừng chiến thắng, tướng cộng sản Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh ( Saigon ) với dụng ý hiểm độc đã tuyên bố trước báo chí một câu mà những người bị cải tạo không thể nào quên ‘’ Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hay chiến bại. Chỉ có đế quốc Mỹ là bị đánh bại mà thôi.’’ Vì lời tuyên bố đường mật này mà các quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia đã tự nguyện đi học tập cải tạo với số lương thực tự túc là 10 ngày hay 1 tháng tùy theo cấp bậc, chức vụ.
Thế rồi một tháng trôi qua, không ai được tha. Khi giải thích sự việc này, bọn cai tù cộng sản, dương dương tự đắc nói rằng :’’Đó là nghệ thuật của Cách Mạng bắt các anh vào tù chứ làm gì có chuyện trả tự do, sau 1 tháng giam giữ, cho các con người có nợ máu với nhân dân như các anh. Các anh còn phải cải tạo dài dài.’’. Biết mình bị lừa nhiều người đã tự tử. Môt số người khác tìm cách trốn trại để rồi cũng bị bắt lại và đánh chết thảm thương như những con vật.
Sau tháng 4 năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau này 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện. Tính đến năm 1980 thì chính phủ Việt Nam công nhận còn 26.000 người còn giam trong trại. Tuy nhiên một số quan sát viên ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn bị giam. Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.
Theo Aurora Foundation thì việc bị giam giữ dài hạn thường bị chuyển từ trại này sang trại khác có dụng ý ly gián để tù nhân không liên kết với nhau được và đường dây liên lạc với gia đình thêm khó khăn.
Chia chung số phận tang thương của miền nam khi cs Bắc Việt xé tan hiệp định Paris 1973, dùng võ lực tiến chiến miền nam VN, ngày mà phe thắng cuộc gọi là "giải phóng miền nam". Võ sư Lê Sáng đã bị chế độ mới liệt vào hàng nguy hiểm nên phải đi học tập cải tạo vào tháng 5.1975.
Trong những giờ đầu trong trại cải tạo võ sư LS nuôi hy vọng rằng mình chỉ bị cải tạo trong vòng vài ba tháng vì ông nghĩ rằng mình không có liên quan gì đến chính trị, nhưng ngày này qua ngày nọ cho đến khi ba năm trôi qua mà vẫn chưa thấy được ngày về, nên yên chí là thời gian "cải tạo" phải kéo dài nhiều năm. Quả nhiên thời gian trong tù cải tạo hơn mười ba năm, võ sư Lê Sáng mới được cho trở về với môn phái.
Trong thời kỳ hơn mười năm từ sau, võ sư Lê Sáng bị chế độ đưa vào trại học tập cải tạo , thì bên ngoài môn phái như rắn mất đầu lâm vào tình trạng hỗn loạn.
NHỮNG NGÀY KHẮC NGHIỆT TRONG TÙ CẢI TẠO
Bước đầu tiên của cuộc đời lao tù của võ sư Lê Sáng rất gay go khi bị nhốt trong Chí Hòa vì phải chung đụng với cả những thành phần cao bồi du đãng nhưng võ sư LS vẫn cố gắng sống chan hòa với mọi người cùng cảnh ngộ.
Tới năm thứ hai ban quản giáo trại cải tạo mới cho phép nhận quà của gia đình. Khi có quà bao giờ ông cũng phân chia cho tất cả mọi người, có nhiều biếu nhiều, ít biếu ít, gọi là có qua có lại. Đám cao bồi du đãng tại đây hễ thấy ai có quà đều xin. Võ sư Lế Sáng có nguyên tắc của mình, là khi ông nhận được biếu đều cho mọi người, riêng vài món đặc biệt ông đã chia làm ba phần, một phần biếu cho cả phòng, phần thứ hai chia cho những người có quan hệ thân hơn và phần còn lại giữ lại cho ông dùng.
Trong hoàn cảnh phức tạp tại đây, võ sư Lê Sáng nhận định, nếu như muốn sống yên ổn không phải là chuyện đơn giản. vài người xử sự không khéo, khi mới vào có thái độ cách biệt xem nhẹ đám cao bồi, đến khi chúng dọa nạt thì tỏ ra sợ sệt. Khi có thức ăn ngon như giò chả lại giữ riêng, vài ngày thức ăn bị hỏng rồi mới đem cho, người ta vẫn nhận vì trong cảnh thiếu thốn món gì cũng ngon, nhưng họ hậm hực trong lòng.
Có một lần võ sư LS chia quà thăm nuôi cho mọi người xong, một tay du đãng hỏi xin phần ông chia ra để cất riêng dùng, thì ông nhẹ nhàng : « Các con thấy có bao giờ bố ăn một mình đâu, bố chia đều cho cả anh em. Các con lanh lợi có thể xin thêm được người này người khác, ở đây có những người hơi nhút nhát không dám xin ai bao giờ, bố để dành giúp cho họ ». Võ sư Lê Sáng nói thế nhưng hôm sau bọn này vẫn tới hỏi, ông cũng nhất định từ chối, không để bị lợi dụng.
Trước sự cứng rắn của ông, nên trong thời gian này võ sư Lê Sáng ở phòng nào thì phòng đó tương đối ổn định, vừa có lộn xộn thì được ông hòa nhã can thiệp ngay. Lẽ thường bọn du côn cũng tìm người yếu để dọa dẫm, nếu ai để yên cho nó thì sẽ bị bọn này bắt nạt, trước sau gì chúng cũng sẽ tìm đũ cách khống chế tất cả mọi người đồng tù.
Võ sư Lê Sáng là người rất uyên bác về thơ đường. Có nhiều buổi tối ông ngâm thơ Đường cho các bạn đồng tù nghe, nhưng anh em thích nhất là khi ông ngâm bài “Hồ Trường”. Nhiều anh em đã không tránh được ngậm ngùi mỗi lần nghe ông ngâm bài thơ này. Ông cũng ít kể chuyện, nhưng khi nghe ông kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung hay kể về bộ Tam Quốc Chí, anh em trong buồng giam theo dõi một cách hào hứng, có thể quên đói và quên hẳn cảnh tù đầy.
Sống trong môi trường bị giam hãm như vậy, mỗi hành động của những tù nhân nổi tiếng trong buồng giam 14 khu ED đều bị chú ý. Chẳng hạn như cứ vào mỗi buổi sáng, vị phó đại sứ Nam Hàn sửa lại bộ quần áo tù cho chỉnh tề rồi ông bước lại chiếu nằm của ông Phan Huy Quát bắt tay vị cựu thủ tướng này, cúi gập đầu xuống để chào và sau đó hai người mới thăm hỏi sức khỏe của nhau. Võ sư Lê Sáng nói với người bạn đồng tù : “May ra mà trong cảnh nhiễu nhương hỗn tạp, giậu đổ bìm leo này, trong buồng giam còn có được những hình ảnh đẹp đẽ của nền văn minh”. Có những lúc bọn quản giáo thấy ông có uy tín nên đề nghị với ông làm công viẹc theo dõi các bạn đồng tù để báo cáo, ông đã thẳng thắn từ chối.
VÕ SƯ LÊ SÁNG BỊ CÙM VÌ BỘ RÂU DÀI
Theo lời kể của ông Vũ Ánh người bạn đồng tù của VS Lê sáng: khi bị chuyển lên trại Hàm Tân Z-30C vào những tháng đầu của năm 1977, đám lính giải giao thường dùng dây xích cứ 5 người một rồi khóa vào chân ghế ngồi trên những chiếc xe đò.
“Xâu” đầu tiên được đưa lên xe gồm những người, đó là Võ sư Lê Sáng, ông Phan Bá Cầm, nhà báo Lâm Tường Dũ, Đoàn Bá Phụ (cựu trung úy Nhảy Dù) và ông Vũ Ánh. Lên đến trại Hàm Tân, ông Vũ Ánh và Võ sư Lê Sáng vẫn được phân phốichung vào một trại lao động. Sau khi ở Hàm Tân Z-30C được vài tháng thì võ sư Lê Sáng bị dẫn vào nhà kỷ luật và bị cùm lần thứ nhất trong đời tù chỉ vì ông có bộ râu dài.
Viên cán bộ an ninh trại cho gọi thợ hớt tóc (cũng là mấy anh em tù cải tạo) đến. Võ sư Lê Sáng ôn tồn : “Cán bộ muốn cạo thì xin cứ thi hành, nhưng tôi không vi phạm nội qui của trại, cán bộ nên nhớ như thế nhé”. Ông đứng im lặng như một gốc cây, mắt sáng quắc nhìn thẳng vào mặt Tý. Nhưng khi thợ hớt tóc vừa đến gần ông thì Tý ( cán bộ quản giáo) gọi giật lại : “Thôi. Cứ để cho anh ấy để râu nhưng đem cùm xem có chịu cạo râu không”. Võ sư Lê Sáng bị cùm hai tuần lễ nhưng kể từ sau đó không ai trong trại giam còn để ý gì đến râu tóc của võ sư Lê Sáng nữa.
Khó khăn thứ hai của Chưởng môn Việt võ đạo gặp phải trong tù cải tạo là do chính tiếng tăm của ông. Không hiểu nhóm công an vũ trang chuyên canh gác tù ở các bãi lao động bàn tán với nhau như thế nào mà không một tên nào dám đi gần ông. Tại bãi lao động, một tù cải tạo phải đứng cách xa lính canh 5 thước, khi phải báo cáo xin đi tiểu tiện, nhưng riêng võ sư Lê Sáng phải đứng cách vệ binh 10 thước. Biết được điều đó nên võ sư Lê Sáng rất thận trọng trong đi đứng tại bãi lao động để tránh hiểu lầm.
Võ sư Lê sáng ở Hàm Tân Z-30C đến năm 1979 thì bị chuyển trại theo phương án 4 tức được lọc lựa ra và đưa vào danh sách “chết” tức là danh sách không thể cải tạo được, và không bao giờ được xét tha theo quan điểm của trại giam. Thế là đang đêm VS Lê sáng lại bị gọi tên, bị xiềng đưa lên xe đò và đưa lên A-20 Xuân Phước, tức trại trừng giới, một trại cải tạo khắc nghiệt nổi tiếng của cộng sản. Chưởng môn LS khi bị đưa đến cái trại nổi tiếng khủng khiếp này trong suốt giai đoạn từ 1980 cho đến cuối 1988. Đến A-20 được 3 tháng thì Chưởng môn Vovinam Lê Sáng vào cùm ngay.
Lần vào cùm này không do bất cứ một lỗi lầm về nội qui của võ sư Lê Sáng mà chỉ vì ông được sự kính nể và quí mến của anh em trong trại từ tập trung cải tạo, tù chính trị có án hay tù hình sự, ở cách ông cư xử và chia sẻ đói khổ với anh em, ở tinh thần vững chãi để đối phó với mọi hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn trong tù, ông cũng không hé ra một lời nào có thể xâm hại đến người khác
Trong bối cảnh này, bọn trại giam nhắm vào việc triệt hạ những thần tượng của tù cải tạo. Cũng chỉ vì thế mà Chưởng môn Lê Sáng vào cùm hết một năm. Khi ra khỏi nhà kỷ luật, sức khỏe của Ông có sa sút, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ra khỏi nhà kỷ luật hôm trước thì hôm sau ông đi lao động ngay.
Trong suốt hơn 13 năm học tập cải tạo, võ sư Lê Sáng trải qua nhiều địa điểm khác nhau từ Thuận Hải, Phú Khánh, Hàm Tân Z-30C, Xuân Phước, Xuân Lộc…,
Trong thời gian võ sư Lê sáng bị đi cải tạo, võ sư Trần Huy Phong là người được chưởng môn đời II Lê Sáng chỉ định thay thế ông trong chức vụ chưởng môn đời III, có trách nhiệm điều hành môn phái Vovinam.
Võ sư chưởng môn Lê Sáng ở tù giam 13 năm nhưng chưa có bao giờ được đem ra xét xử công khai trong phiên tòa nào của tà quyền csVN như hàng trăm ngàn người đồng tù khác. 80 trại tù cải tạo là một vết nhơ lịch sử về tội ác của đảng và nhà nước cộng sản. Một thứ gông cùm để trù dập trả thù hành hạ thân xác của những người thuộc phe goi là " thua cuộc" một thứ trại tập trung cải tạo man rợ rập khuôn theo khuôn mẩu của Nga-Tàu, nơi đây csVN đã giết hại khoảng 165.000 người tù cải tạo.
Đọc thêm về những trại tù mà chưởng môn Lê Sáng đã trải qua trong thời gian từ tháng 5/1975 tới cuối năm 1988:
1.Khám Chí Hòa.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A1m_Ch%C3%AD_H%C3%B2a
2. Đại Học máu A20 http://langa20xuanphuoc.blogspot.de/…/ai-hoc-mau-xuan-phuoc…
3.THUNG LŨNG TỬ THẦN A20 XUÂN PHƯỚC
http://viteuu.blogspot.de/…/thung-lung-tu-than-a20-xuan-phu…
4. Z30 - D TRẠI TÙ CẢI TẠO Hàm Tân://www.youtube.com/watch?v=XsU0GhQXi4o
5.QUA NHỮNG TRẠI TÙ CỘNG SẢN ...
http://batkhuat.net/van-quanhung-traitu-cs.htm
Trịnh Khánh Tuấn cựu môn sinh Vovinam võ đường Cao Thắng 1966.
24.9.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét