Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

CÚ HẠ CÁNH LỊCH SỬ TRÊN 

HÀNG KHÔNG MẪU HẠM MIDWAY


Một câu chuyện cảm động đầy nước mắt vì tấm lòng hào hiệp và nhân đạo của người hạm trưởng Hàng Không Mẫu Hạm Midway trong ngày 30.4.1975. Ông Shambell", người chỉ huy chiếc Midway vào ngày 30.4.1975 đang ngoài khơi VN, đã quyết định hy sinh 10 chiếc trực thăng trị giá gần 10 triệu đôla (vào thời điểm đó) để cứu 7 nhân mạng trong đó có 5 trẻ em. Được biết chiếc phi cơ L.19, một loại phi cơ quan sát của không lực VNCH, một loại phi cơ không có tiêu chuẩn để có thể đáp xuống xuống HKMH của Mỹ trong thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên nhờ khả năng của Thiếu tá phi công Lý Bửng, ông đã làm một kỷ lục trong việc hạ cánh chiếc L.19 của ông lái an toàn xuống HKMH, trước sự reo hò của tất cả mọi người trên HKMH. Cảnh tượng trên đã được ghi lại bằng hình để ngày nay đi vào lịch sử của tháng tư đen 1975.

Thiếu tá Lý Bửng, một phi công chưa từng đáp máy bay xuống hàng không mẫu hạm bao giờ, lại chở quá tải trên chiếc máy bay không đủ điều kiện để đáp trên HKMH, không có radio liên lạc với đài không lưu của tàu, nhưng đã đáp thành công trên tàu sân bay vào ngày 30-4-1975.

Đó chính là Thiếu tá phi công Lý Bửng, đã lái chiếc máy bay Cessna OE-1 “Bird Dog” (L-19), còn gọi là máy bay bà già hay là máy bay thám thính. Máy bay này chỉ có 2 chỗ ngồi, một cho phi công và một dành cho người quan sát, nhưng ông Lý Bửng đã chở tới 7 người, gồm vợ chồng ông và 5 người con.

Ngày 29-4, ông Lý Bửng đã cùng vợ con bay từ phi trường Tân Sơn Nhất ra Côn Sơn để sang ngày 30-4-1975 sẽ bay từ Côn Sơn ra hàng không mẫu hạm của Mỹ đậu ngoài khơi. Ông Bửng biết có chiếc HKMH đậu ngoài biển, nhưng không biết chính xác vị trí nào. Rồi ông thấy tất cả các máy bay khác đều bay về một hướng, nên ông bay theo họ và tìm thấy HKMH USS Midway đang đậu ngoài biển khơi.

Gặp tàu, nhưng trên máy bay không có radio để liên lạc xin đáp. Ông Bửng bay vòng quanh tàu và chớp đèn ra hiệu đáp, nhưng ông không nhận được tín hiệu đèn xanh để đáp xuống.

Đài kiểm soát không lưu trên tàu Midway thì tưởng rằng chỉ có một mình ông trên máy bay, nên đã cố gắng liên lạc với ông, bảo ông không đáp trên tàu, mà phải đáp xuống biển, tàu Midway sẽ cho người ra cứu. Thế nhưng, mọi liên lạc đều không thành, do trên máy bay của ông Bửng không có radio.

Máy bay của ông lại sắp hết nhiên liệu, không đủ xăng để bay vào đất liền. Nếu thuyền trưởng tàu Midway không cho ông đáp xuống, 7 mạng người trên tàu không thể sống sót.

Ông kể, ông đã viết vào mảnh giấy xin lệnh đáp, cột vào cái dao và quăng xuống tàu. Ông làm như vậy 3 lần, nhưng nó đều rơi ra biển. Lần thứ 4 ông cột miếng giấy vào khẩu súng, bay thật thấp rồi quăng. May quá, lần này nó rơi xuống tàu sân bay. Mảnh giấy ghi: “Các ông làm ơn dời chiếc trực thăng sang bên kia cho tôi đáp xuống đường băng. Tôi có thể bay thêm một tiếng nữa, chúng ta có đủ thời gian để dời. Làm ơn cứu tôi. Thiếu tá Bửng, vợ và 5 đứa con”.

Larry Chambers, thuyền trưởng của tàu Midway đã cho ông hạ cánh. Biết không đủ chỗ đáp, nên ông Chambers ra lệnh cho các thủy thủ đẩy mấy chiếc trực thăng VNAF UH-1 Huey xuống biển. Trị giá của số máy bay bị đẩy xuống biển lúc đó khoảng 10 triệu Mỹ kim, để có chỗ trống cho ông Bửng đáp xuống.

Trên tàu sân bay lúc đó chỉ có lưới và móc để giữ các loại máy bay phản lực khác khi đáp, không đủ dụng cụ để chiếc L-19 của ông Bửng hạ cánh. Thế nhưng ông Bửng đã đáp thành công, trước những cặp mắt kinh ngạc của tất cả những người Mỹ có mặt trên tàu.

 Và đó là cú đáp lịch sử, trong ngày lịch sử 44 năm trước.










Thieu ta Ly Bung ngay 30-4-1975 (03)

Tài liêu và hình ảnh sưu tầm trên Internet.

Hậu Duệ VNCH Nguyễn thị Hồng 25.4.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét