Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

HỒI KÝ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (P.IV – PHẦN CUỐI)



Hơn 60 năm qua, Vovinam luôn trung thành với mục tiêu của mình là phục vụ xã hội, đào tạo những con người tốt về cả thể xác lẫn tâm hồn. Khi con người đã có ý thức luôn tự hoàn thiện tất yếu sẽ tránh được những thói hư tật xấu, những sa ngã trong cuộc sống. Xã hội có nhiều con người tốt cũng sẽ tốt, cũng như khi có nhiều điểm sáng thì bóng tối sẽ tự tiêu tan.

 

Bước vào thế kỷ 21, với mong muốn góp phần xây dựng một nền võ đạo chung cho nhân loại, Vovinam sẽ tiến từ Việt Võ Đạo tới Nhân Võ Đạo. Đây là một lý tưởng hoàn toàn mang tinh thần phục vụ, cống hiến cho nhân loại, một nhân tố hòa hợp, gắn bó bằng tâm thức yêu thương, hào hiệp chứ không phải sự chinh phục, áp đặt, đồng hóa. Chân giá trị của võ đạo là tính chất nhân bản : do con người, vì con người,  phát triển và phục vụ con người.. Vovinam như một biển lớn thu nạp được tất cả mọi mạch nguồn từ các nơi đổ về, bất kể phẩm chất và số lượng của mạch nguồn đó ra sao, sau đó chuyển hóa thành nước biển trong sạch.

Từ các nguyên lý này, chúng ta có thể thâu nạp và thâu dụng,  trau chuốt rồi phổ cập được mọi tư tưởng, mọi khác biệt về cá tính, về huyết thống, về võ học… Nói một cách rõ hơn, Vovinam không phân biệt tôn giáo, sắc dân, chế độ chính trị và nhất là không có sự kỳ thị về địa phương, giai cấp hay chính kiến. Vovinam là một nhân tố hòa ái, kết hợp, bao dung để mọi người được sống với nhau bình đẳng, chu toàn trách vụ của mình..

Vovinam không thoát thai từ chế độ nào nên không lệ thuộc vào đâu cả. Với tinh thần hướng thượng, Vovinam chủ trương hòa hợp và cống hiến, nên trong mục tiêu hoạt động và phát triển môn phái không bao giờ đặt vấn đề trở thành quốc võ để mong chiếm lĩnh hay bao trùm tất cả. Vovinam cũng không giành giật, chiếm hữu bất cứ phần vụ nào của xã hội, ngoài chuyên môn võ thuật, võ đạo của mình. Trên đường tiến tới mục đích phục vụ nhân loại, Vovinam chỉ có một tâm nguyện làm vinh danh dân tộc mình bằng điểm xuất phát của một nền võ đạo đã góp công vào việc giúp tiến, hiến ích cho mọi người chung sống hòa bình.

Vovinam là một trong những bộ môn văn hóa, mà văn hóa là của muôn đời,  phát huy căn gốc muôn đời. Do đó sức sống văn hóa tỏa rộng ra cùng khắp, vượt suốt mọi thời đại, khác với sự khắc nghiệt, gò bó, đóng khuôn của chính trị. Vovinam tuyệt đối tôn trọng tôn chỉ và mục đích của mình, giữ đúng bản chất đặc thù võ thuật và võ đạo nên qui lệ của môn phái đã ghi rõ :

«mọi hoạt động của Vovinam đều không có tính cách chính trị và tôn giáo».

Tuy  vậy, môn đồ Vovinam ngoài tư cách võ đạo sinh, còn có tư cách công dân đầy đủ bổn phận và quyền lợi đối với quốc gia, xã hội. Do đó Vovinam cấm môn đồ hoạt động chính trị với danh nghĩa môn phái, lợi dụng môn phái để mưu cầu tư danh, tư lợi nhất thời thiển cận, chớ không bao giờ đụng chạm đến quyền công dân của họ. Ngoài ra Vovinam cũng khuyên các môn đồ thường xuyên học tập, thông suốt mọi khía cạnh của đời sống, liên quan tới chính trị hay bất cứ một nghành nghề nào khác mà mình thích thú theo đuổi, để thăng tiến nghề nghiệp và đó cũng là một trong những phần vụ phải đóng góp cho đời.

Dù muốn dù không, tình hình đất nước cũng tác động tới môn phái, do đó chúng ta phải bình tâm tôn trọng tính khách quan của xã hội, xác định hướng đi đúng đắn, thái độ xứng hợp, để làm tròn trách vụ đối với môn phái trong giai đoạn phát triển toàn cầu. Mỗi người môn đồ của chúng ta phải có một niềm tin sắt đá, một kiến thức quán thông, một tài năng chân chính và nhất là phải có một sự hy sinh cao độ, dẹp bỏ mọi tỵ hiềm riêng tư mà sống với tập thể và cho tập thể, với dân tộc và tôn giáo. Mỗi môn đồ cũng nên tự rèn luyện để trở thành người con hiếu, cha hiền, vợ chồng thuận thảo, bạn bè tín nghĩa, tín đồ giữ đạo và người công dân thượng tôn pháp luật.

Mỗi người chúng ta có rất nhiều tư cách và có những vị trí khác nhau trong cuộc sống. Đừng bao giờ để tư cách này lẫn lộn với tư cách kia và đừng đứng sai vị trí đã chọn. Vị trí của người môn sinh Vovinam là Cách mạng Tâm Thân trong tinh thần phục vụ con người.

Người ta thường nói «con người là tiểu vũ trụ». «con người đứng đầu muôn loài» để nói lên giá trị vô biên và tài năng đa dạng của con người. Dù vậy, mỗi con người đều có sở trường và sở đoản. Tài năng, đức độ dù cao mấy cũng ở khía cạnh nào đó thôi. Một nhà bác học được cả nhân loại tôn vinh cũng chỉ ở một lĩnh vực, và ngay cả mỗi lĩnh vực cũng chỉ vượt trội một vấn đề, mà mỗi vấn đề cũng không chỉ độc nhất có một bác học, một thiên tài độc chiếm.  Do đó, mới có câu «nhân vô thập toàn». Với nhận định trên, người môn sinh Vovinam chúng ta phải sáng suốt để nhận ra chỗ đứng của mình trong môn phái và trong xã hội hầu có thể hoạt động hữu hiệu và thành công.

Chúng ta cũng cần nhận định rõ việc xây dựng bất cứ một công trình nào đều cần đến nhiều bàn tay, nhiều khối óc, mỗi người ở một vị trí khác nhau mới làm nên việc. Vì vậy chúng ta không thể quan niệm bộ phận này nhỏ, bộ phận kia lớn để đánh giá, phân biệt. Điều quan trọng là dù ở vị trí nào chúng ta cũng đem hết tâm lực và khả năng ra gánh vác. Có thế chúng ta mới làm tròn nghĩa vụ đối với môn phái để phục vụ hữu hiệu cho dân tộc và nhân loại.

Một khi môn đồ Vovinam trong tất cả các ngành ở mọi quốc gia trên thế giới, mỗi người mối việc đều giỏi nghề chuyên môn lại được tinh thần Nhân Võ Đạo chỉ hướng thì sự sống sẽ được nâng cao, xã hội sẽ hạnh phúc, thế giới sẽ an lạc hòa nình.

Hành trình của Vovinam đi từ Việt Võ đạo tới Nhân Võ Đạo là như thế.

Trước đây, với cương vị Chưởng môn tôi điều hành toàn bộ các hoạt động của môn phái Vovinam từ nhân sự, kỹ thuật, đường lối, giao tiếp…Hiện nay mặc dù còn có thể trực tiếp điều hành được nhưng tôi phân chia trách nhiệm cho các môn sinh cùng nhau đảm nhiệm, tôi chỉ giữ vai trò cố vấn về chuyên môn.

            Chẳng hạn Ban quản trị Tổ đường gồm có tổ trưởng và hơn mười tổ viên, mỗi người một nhiệm vụ. Tôi chỉ có mặt để chứng kiến, nếu có sơ sót thì nhắc nhở. Do đó về công việc hiện nay tôi rất nhàn hạ thảnh thơi, ngay cả diễn văn tôi đọc cũng có người soạn sẵn. Việc này trước đây tôi tự làm, giờ tôi vẫn làm được nhưng tôi để cho môn sinh làm cho quen việc.

            Ban điều hành môn phái hiện nay (2001) do ông Trương Quang Trung làm Trưởng ban hành chánh. Ông không phải là võ sư mà là người chuyên môn về hành chánh để theo dõi việc chấp hành đúng luật lệ nhà nước.

            Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập trung lo về đào tạo để cung cấp đầy đủ cán bộ dạy võ trong cả nước. Hiện nay Vovinam đang mở lớp tập huấn đào tạo cán bộ ngoài miền Bắc, đặc biệt tại tỉnh Sơn Tây là quê hương của Sáng Tổ.

            Tôi giao cho các môn sinh cốt cán trách nhiệm ổn định lại môn phái và chuẩn bị tiến hành bầu Ban chấp hành Tổng liên đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo thế giới.

            Trước đây hoạt động của Vovinam có nhiều khó khăn khách quan, nay Nhà nước đã chính thức công nhận và khuyến khích nên phải ổn định lại tổ chức và đưa vào nề nếp chứ không phải ai muốn làm gì thì làm như thời kỳ đã qua.

            Gần đây nhận thấy hai võ sư Nguyễn Văn Sen và Nguyễn Văn Chiếu – hai võ sư ưu tú nhất Việt Nam hiện nay – đã đạt tới trình độ cao nên tôi giao cho họ việc chấm thi, tôi chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát. Riêng các kỳ thi từ Chuẩn hồng đai – tức từ Huyền đai Đệ tứ đẳng quốc tế trở lên – tôi trực tiếp tham dự chấm thi và quyết định. Việc thăng đai, thăng đẳng cấp phải có chữ ký của tôi mới có giá trị.

            Về cuộc sống, tôi ung dung thanh thản, ăn uống đạm bạc. mùa nào thức ấy, sống phong lưu nhưng không tốn kém. Bắt đầu từ năm 2001 tôi thường đi chơi xa, thông thường hàng tháng chỉ ở Sài Gò hai tuần lễ, thời gian còn lại tôi lui tới với bạn bè, theo học trò ra miền Bắc hay đi xuống các tỉnh miền Nam. Thỉnh thoảng tôi cũng đến chơi nhà các đệ tử, có khi đi nghỉ mát tại Vũng Tàu, Bình Châu. Tôi đi đây đó cốt để nghỉ ngơi cho sức khỏe được tốt đồng thời chú ý xem tình hình nhân sự ở các địa phương, nhưng chỉ là một cách nhìn thoáng qua chứ không quá chú tâm.

            Sinh hoạt hàng ngày của tôi rất đều đặn. Khoảng bốn năm giờ sáng tôi thức dậy, tập võ một tiếng đồng hồ, tắm rửa, vào xem tivi, có khi ngồi nghe chương trình dạy ngoại ngữ trên đài, một cách để tập luyện trí não.

            Sau khi ăn sáng, tôi đọc báo hay viết lách một tí cho đến giờ cơm trưa. Tôi ăn uống giản dị, chú ý ăn nhiều rau đậu, cá nhiều thịt ít, giảm ăn mặn và ngọt, không dùng mỡ và chỉ ăn dầu. Đặc biệt tôi ăn không nhiều nhưng rất ngon miệng, điều đó chứng tỏ sức khỏe tôi vẫn tốt. Buổi trưa tôi xem tivi một chút rồi ngủ hết sức thoải mái. Bốn giờ chiều tôi tập võ lần thứ hai trong vòng một tiếng đồng hồ, đến khoảng sáu giờ thì ăn tối. Buổi tối tôi chỉ xem tivi chứ không đọc sách, mắt tôi khi đọc không cần kính, nhưng nếu đọc nhiều dễ bị chảy nước mắt. Khoảng mười một giờ rưỡi đêm, sau khi hết chương trình tivi tôi lại vận động nhẹ một tiếng đồng hồ. Thông thường đến một giờ sáng tôi mới đi ngủ.

            Tuy tình trạng sức khỏe vẫn tốt, nhưng trong một lần đi chơi mới đây, tôi có cảm giác tim co bóp không đều nên phải uống thuốc, giờ đã trở lại bình thường. Riêng căn bệnh thấp khớp mắc phải trong thời gian đi học tập cải tạo nay vẫn còn, nhưng tôi chữa trị bằng cách tập luyện là chính.

            Nhìn lại cuộc đời đã qua, có thể nói tôi chưa thất bại bao giờ. Không phải vì giỏi mà do tôi luôn lượng sức mình. Thận trọng làm từng bước cho thích hợp, nếu thấy không thuận lợi thì dừng lại ngay. Theo tôi người  thất bại là bởi không lượng sức, chỉ mang nổi 5o ký lô lại ráng gánh 100 ký lô thì khó mà thành công. Sức tôi mang 50 ký lô thì tôi mang đúng trọng lượng này, sau đó tăng dần 51, 52 rồi 53 ký lô. Do đó bản thân tôi không bị thất bại, có những lúc phải dừng lại chẳng qua là tại thời cuộc. Tôi không bao giờ với lên quá tầm tay mình để phải bị khụy xuống.

Suốt đời tôi chỉ nghỉ đến cái chung, không vun quén cho riêng mình. Trong cái chung có cái riêng, khi tôi gặp khó khăn luôn luôn có học trò đỡ đần. Vì vậy cứ nghĩ đến cái chung thì rồi cái riêng cũng dễ dàng có được.

Tôi luôn giữ cho mình phong thái ung dung thanh thản, cố gắng duy trì hoạt động môn phái luôn phát triển, tuy từng lúc từng nơi có xáo trộn nhưng đời sống cá nhân tôi không bị ảnh hưởng. Tôi tự luyện tập có một tình cảm chừng mực, vui buồn chỉ thoáng qua, không vui lắm cũng không buồn nhiều. Gặp việc gì khó khăn nếu thấy giải quyết được thì cố làm và luôn giữ cho tâm trí tỉnh táo để làm tốt công việc. Do đó tôi chỉ suy nghĩ tính toán chứ không lo buồn, cân nhắc tìm phương cách vượt qua. Còn nếu thấy không giải quyết được thì tôi sẽ không bận tâm đến nữa.

Chuyện đời tư của tôi là do số phận đưa đẩy, dĩ nhiên lúc còn trẻ cũng có những mơ mộng nhưng không sâu xa. Do hoàn cảnh phải di chuyển thường xuyên, nếu cứ an cư một nơi có lẽ tôi cũng đã xây dựng gia đình. Nhưng khi công việc và cuộc sống hội đủ điều kiện để lập gia đình thì do thời cuộc thay đổi, hoặc thoáng gặp một vài người trong đời rồi lại phải chia tay. Một phần do tôi quá say mê nghiệp võ, phần khác là do số phận nên chuyện không thành.

Tuy tôi là con trai duy nhất nhưng gia đình mẹ tôi theo Công giáo nên không đặt vấn đề thừa tự. Phần tôi nếu có điều kiện mà không lập gia đình thì có phần áy náy vì không tròn đạo hiếu, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng nên tôi chấp nhận coi là chuyện bình thường.

Tôi học tập quan niệm phóng khoáng của bố tôi, việc cần làm, khi có đủ điều kiện mà không làm là mình sai. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy không thuận lợi mà cứ cố làm là dở, hóa ra đem sóng gió vào trong đời. Chính vì vậy đời tôi không bao giờ có sóng gió, tôi tin chuyện nhân duyên là phần số, còn khi nó đến rồi thì giữ được hay không là sức người.

Trong cách xử sự cũng như quan điểm về cuộc sống tôi thừa hưởng được tính cách của gia đình. Bố mẹ tôi khác nhau như nước với lửa, cụ ông là một nhà nho trầm tĩnh còn cụ bà là người Công giáo năng nổ đôi khi hơi xốc nổi. Khi có chuyện không hài lòng bà cụ hay la rầy tôi còn ông cụ thì ngược lại chỉ điểm tĩnh dẫn giải những sai sót cho con cái.

Tôi còn nhớ lúc 14 tuổi tôi đi học nghề xa nhà, mỗi tháng về thăm gia đình một lần nhưng nếu thầy không cho phép thì dù nhớ cha mẹ và các em tôi cũng phải đành chịu. Đến khi ra nghề tôi ở tại ngõ Hàng Hành trong khi gia đình tôi ở cửa Bắc, Hà Nội. Có một năm vào 30 tết vì ham vui mà tôi ở lại nhà bạn bè, đến sáng mồng một mới về mừng bố mẹ. Đang trong ngày tết nên mẹ tôi không la rầy nhiều nhưng bày tỏ thái độ không hài lòng, trong khi bố tôi vẫn vui vẻ như thường. Đến ngày mồng ba cúng tiễn ông bà, bố tôi nhẹ nhàng giảng dạy cho tôi :

–  Lần sau con nhớ về trước giao thừa. Con biết tại sao phải thế không ? Vì giao thừa là thời khắc âm dương giao hòa, theo truyền thuyết thì trước nửa đêm là vào giờ âm, các bậc tiền nhân về lại cõi trần, qua 12 giờ đêm đã bước sang giờ dương, các vị có muốn về cũng không được. Do đó ta nên có mặt vào giờ giao thừa để cung kính làm lễ đón những người khuất mặt đúng truyền thống. Sang ngày mồng một Tết con muốn đi đâu chơi cũng được.

Bố tôi bao giờ cũng nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ, còn mẹ tôi có khi chỉ mắng và chẳng giảng giải nên con cái không ý thức được sai lầm của mình. Mẹ tôi có ưu điểm trong xử thế, lúc đầu chị em của bố tôi không ưa mẹ tôi, nhưng dần dà do bà cụ biết cách ăn ở, lo lắng chu đáo cho nhà chồng nên rồi cũng trở nên một nhà thân thiết.

Điểm đặc biệt nhất trong giáo dục con cái của cha mẹ tôi là thấy sai thì dạy bảo, nhưng nếu con cái không sửa thì cũng không nặng nề. Các cụ quan niệm, con cái không nghe lời cha mẹ thì phải tự gánh lấy hậu quả việc làm sai của mình, coi như học kinh nghiệm sống và cũng không trách ai được. Tôi cho rằng cha mẹ tôi đã nhận ra chân thiện mỹ ở đời.

Đó là chuyện trong gia đình, còn nhìn rộng ra xã hội thì cũng vậy. Trong một đoàn thể không ai giống ai, từ nét mặt, đức tính, lời nói, quần áo…cái gì cũng khác nhau. Mọi người đến với nhau và gắn bó nhau là nhờ lý tưởng chung mà phải tìm cách hòa hợp. Muốn có sự hòa hợp phải lấy sự chân thành, trung thực, thủ tín, luôn làm việc lành, việc tốt.

Cách ứng xử của tôi trước sau như một là điều gì tôi thích mà mọi người không chấp nhận thì tôi không làm, điều gì tôi không hài lòng mà mọi người thích tôi vẫn làm : quan trọng hơn cả là mình làm vì mọi người. Việc khó đến mấy mà mọi người đồng tâm hiệp lực cùng làm thì sẽ tốt. Trái lại việc làm tốt mà mọi người không thích, làm một cách miễn cưởng thì rất dễ thất bại. Tính cách này tôi học được ở bố tôi.

Do đó tôi chủ trương đường lối của Vovinam là «Thuận thiên Hòa nhân», nếu mọi người có thể hợp được với nhau để cùng làm việc thì rất tốt đẹp, còn nếu tính tình không hợp được thì phải biết hòa theo thời, tùy thời mà biến đổi, chỗ nào thẳng thì mình thẳng, đến đoạn cong thì mình uốn theo. Nếu cứ khăn khăn bỏ đi đường khác thì không tồn tại được.

 

Vovinam cũng không chỉ là phương pháp rèn luyện thể lực, không phải chỉ là biện pháp tự vệ mà còn là phương tiện để hoàn thiện nhân cách, rèn luyện ý chí nghị lực vượt qua khó khăn, chịu đựng những bất công. Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải học võ chỉ để biết khỏe hay, tự vệ, có những võ sinh suốt đời không dùng đến võ thuật. Hơn thế nữa, người có võ mà không ỷ lại võ công thì mọi người càng nể.

Tôi còn nhớ thời đi dạy võ ở hậu phương miền Bắc, một hôm tôi cùng một người hướng dẫn đi thuyền về dạy cho một đơn vị. Khi thuyền vừa cập bến, một thanh niên cao lớn xô lấn đàn bà trẻ con trên thuyền để tranh bước lên bờ khiến thuyền bị chòng chành. Tôi bất bình ngăn anh ta lại :

– Anh phải nhường cho đàn bà , trẻ con lên trước chứ.

Anh ta quay lại hung hăng gây sự đòi đánh nhau, tôi chỉ cười :

– Anh cao lớn thế ai dám đánh nhau với anh, có điều anh to khỏe như vậy

mà tranh với đàn bà trẻ con, lỡ té xuống khiến mọi người ngã theo thì biết làm thế nào đây.

            Thái độ điềm tĩnh mà không khuất phục của tôi khiến anh ta không dám làm tới. Người hướng dẫn rất kiêng nể sự bình tĩnh của tôi. Thật ra chính người có võ công vững vàng mới dễ giữ được tự tin, không nóng nảy khi bị người khác xúc phạm. Tinh thần đó giúp người học võ thành công trong cuộc sống, làm cho gia đình hạnh phúc, cuộc sống trường thọ, giảm được bệnh tật.

            Điểm lại những điều đã làm trong đời, tôi thấy mình có nhiều thành công nhưng không phải không có những thiếu sót, đó cũng là chuyện thường tình. Điều quan trọng hơn cả là phải nhận ra sai sót, thẳng thắn nhận lỗi rồi quyết tâm không sai phạm nữa. Quan niệm của Vovinam là luôn cố gắng làm hết sức mình, có thể mắc phải những sai lầm và được tha thứ, nhưng không chấp nhận tái phạm.

            Tôi cũng nghĩ rằng : Phàm người không lâm hoạn nạn, không trải gian lao sẽ thiếu kinh nghiệm, sẽ không thấu đáo được tình đời, tình người để có được một định hướng sống trọn vẹn với đời, với người. Lý tưởng thời trai trẻ tuy đẹp nhưng còn mơ hồ, có dày dạn phong trần thì lý tưởng ấy mới rõ ràng sắc nét, vững vàng, kiên định.

Tuy nhiên nếu chỉ thoát nghịch cảnh thì lòng còn e ngại, vương vấn hận thù. Hải vượt qua được moi thử thách mới thấy lòng thanh thoát, bao dung.

            Đó là bài học đắc giá tôi luyện ý chí và nghị lực cho con người thêm vững niềm tin để thẳng bước trên con đường cống hiến và phục vụ cho lý tưởng. Có từng trải và vượt qua được gian khó thì không còn mặc cảm thành bại, hơn thua trong cuộc sống. Không vướng mắc hận thù thì lòng mới thảnh thơi, thông cảm được nỗi khổ đau của kiếp người mà mở rộng lòng yêu thương , gắn bó với người.

            Cuộc sống con người đến hay đi cũng như tiền tài vật chất còn hay mất thật ra cũng chẳng có nghĩa gì, nếu tất cả không được sử dụng vào việc mưu cầu hạnh phúc cho nhân thế, góp phần làm cho xã hội trở nên thanh bình, an lạc. Qua bao nhiêu năm trăn trở mà vượt thoát được, giờ đây chiêm nghiệm về cuộc đời, tôi ghi lại những vần thơ :

Thiên nhiên không hề nói

Bốn mùa cứ vẫn xoay

Vạn vật luôn đổi mới

Trong vòng quay đêm ngày. 

Cảm ứng trước đạo Trời

Sống trọn kiếp làm người

Đến chấp nhận thử thách

Đi không chút bùi ngùi. 

Của thế gian để lại

Phủi nhẹ bàn tay không

Hồn lâng lâng sảng khoái

Vượt muôn trùng mênh mông.

Nhân Mùa tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 41

                                               LÊ SÁNG

* Cảm nhận của Blogger chauminhhay: Đây là một tư liệu vô cùng quý báu mà tôi vinh hạnh có được. Qua đây chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn chân dung một Đệ nhất Công thần của Vovinam – Việt Võ Đạo. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp môn phái, một người kế nghiệp xuất sắc của Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Ông đã vận dụng và phát huy hiệu quả  về tư tưởng Cách mạng Tâm Thân của sáng Tổ. Các thế vật bằng chân, các thế đánh bằng tay được ông tô bồi trở thành một “quyền lực mềm” chinh phục nhiều thành phần trên phạm vi xã hội rộng lớn. Ngoài ra chính ông cũng là người để lại cho muôn đời sau sản phẩm Vovinam được trau chuốt một cách hoàn mỹ thoát thai từ ý tưởng sơ khai của vị Thiên tài Nguyễn Lộc. Muôn đời sau những người môn sinh của Vovinam – Việt Võ Đạo sẽ mãi mãi nhớ đến ông. Không còn bao lâu nữa các môn đồ sẽ kỷ niệm một năm ông ra đi về miền Miên viễn. Một nén tâm hương, một lòng thành kính, cầu cho linh hồn Người siêu sinh tịnh độ và luôn phù hộ độ trì cho Vovinam – Việt Võ Đạo ngày càng thăng tiến làm vinh danh một dân tộc nghìn năm bất khuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét