Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

HỒI KÝ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (PI)


Tôi ra đời vào mùa thu năm 1920 trong một gia đình nề nếp sinh sống cạnh hồ Trúc Bạch. Dạo đó nơi đây còn rất hoang vu, ven hồ toàn là đường đất cây cối um tùm rậm rạp nên người lớn thường thêu dệt những chuyện ma quái để dọa bọn trẻ con chúng tôi. Quê tôi là làng Yên Viên, một trong năm xã ngoại thành Hà Nội. Tương truyền rằng sau khi bình định được đất nước, vua Lê Lợi dời đô từ Lam Kinh (Thanh Hóa) về Thăng Long, những người thân cận nhà vua đã kéo về định cư lập thành năm xã bao bọc ở ngoại thành để bảo vệ nhà vua. Đó là Yên Thành nằm sát cổng phía Bắc, Yên Ninh ở mé Đông, làng tôi là Yên Viên nằm ở giữa, Yên Canh ở phía ngoài trấn giữ cửa Bắc và bên trên nữa là Yên Phụ. Tất cả vùng này về sau được gọi là khu Ngũ Xá là vì vậy.
Gia đình tôi gốc ở Thanh Hóa nhưng tôi chưa bao giờ có dịp về thăm nơi này. Cụ thân sinh của bố tôi tên Lê Vạn Thành có bốn người con, gồm người con gái lớn mà bố tôi gọi là chị Cả, rồi đến bác tôi tên Lê Văn Ninh, sau đó là bố tôi tên là Lê Văn Hiển (vì là con thứ ba nên được gọi là ông Ba) và một cô con gái em út của bố tôi.
Khi tôi vừa lớn lên thì bác Cả và cô út đều qua đời, do đó tôi không còn nhớ được tên của hai người.
Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Mùi quê ở làng Ninh Tập, Hưng Yên. Bên họ ngoại tôi sống tại Ô Đông Mác (khu Thanh Xuân bây giờ) thuộc ngoại ô Hà Nội.
Tôi là người con trai lớn trong gia đình. Năm lên chín mẹ tôi mới sinh thêm một cô con gái đặt tên là Lê Thị Xuất, rồi tám năm sau đó em út tôi là Lê Thị Dư mới ra đời, em nhỏ hơn tôi đến 17 tuổi.
Bố mẹ tôi sinh cùng năm (1887), nhưng không cùng tôn giáo. Gia đình bên nội tôi theo đạo gia tiên còn bên ngoại tôi theo Công giáo. Thời bấy giờ khác tôn giáo mà lấy nhau thì khó lòng tránh các trở ngại, gặp phải nhiều khó khăn, nhưng mẹ tôi vì yêu quý cha tôi nên vượt qua tất cả và chu toàn nhiệm vụ đối với nhà chồng.
Tuy có đạo nhưng mẹ tôi không bao giờ quên việc cúng kiến trong những ngày giỗ Tết và ghi nhớ những ngày giỗ để báo cho bố tôi. Còn bố tôi thì khi còn bé tôi vẫn nghĩ rằng bố tôi không bao giờ nhớ đến những ngày giỗ chạp trong gia đình, nhưng thực ra không phải thế, bằng chứng là bố tôi nhớ kỹ những ngày giỗ cả bên họ ngoại để nhắc nhở mẹ tôi. Mỗi khi có giỗ chạp tôi theo mẹ về bên ngoại từ sáng sớm, khoảng 12 giờ trưa mọi người trong gia tộc tề tựu để đọc kinh và ăn uống thì bố tôi bao giờ cũng có mặt trước đó khoảng một tiếng đồng hồ.
Bố tôi theo Nho học nhưng không chọn con đường khoa bảng. Cụ sống thụ động như phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ, ai cũng bài Pháp nhưng ít người dám chống đối công khai. Bố tôi bày tỏ thái độ bài Pháp tiêu cực bằng cách không chịu đóng thuế thân để có được giấy tờ chứng nhận có giá trị như chứng minh nhân dân hiện nay. Việc làm này có phần nguy hiểm, nếu bị tố cáo thì có thể đi tù như không.
Khi lên sáu, tôi được bố dạy chữ Nho trong hai năm, sau đó cụ cho tôi học chữ quốc ngữ ở lớp học tư vì nhận thấy chữ Nho không còn thông dụng. Mười bốn tuổi tôi học xong bậc tiểu học, muốn lên trung học phải xin vào trường Nhà nước. Bấy giờ ở gần nhà tôi có trường Yên Thành (nay là trường Việt Nam – Cu Ba), nhưng vì bố tôi không có giấy thế thân nên tôi không được vào học ở nơi này. Thế là con đường chữ nghĩa của tôi xem như gián đoạn từ đây.
Trong khi đó bác Lê Văn Ninh của tôi có ba người con gồm một trai và hai người con gái. Anh Quang là con trai duy nhất học hết bậc trung học ở trường Yên Phụ rồi bị ốm thình lình rồi chết. Trong dòng họ Lê chỉ còn mình tôi là con trai nên ai cũng quý. Sau khi anh Quang mất, bác Vinh muốn nhận tôi làm con nuôi và cho đi học vì bác có giấy thuế thân, nhưng bố mẹ tôi lại không đồng ý.
Lúc bé tôi rất to và khỏe, một lần trong khi chơi giỡn với trẻ con hàng xóm, một đứa bé tưởng nhầm tôi đánh anh nó bèn chạy về kêu cả gia đình mang  gậy gộc ra. Có người trông thấy đến báo cho nhà tôi hay, thế là bác Vinh và bố tôi chạy ra. Bác tôi vốn giỏi võ – Có thời đã sang Trung Quốc thượng đài tỉ thí – nên hùng hổ xông vào hét :
– Thằng nào dám đánh cháu tao, chấp cả gia đình nó ra đây.
Trong khi đó bố tôi lại véo tai tôi bắt phải về nhà. Lúc đó tôi giận lắm,trong khi bác tôi hăng hái bênh vực tôi thì bố tôi lại chẳng có thái độ nào đứng về phía con cái. Nhưng dần dần tôi nhận thức đó là một đức tính của bố tôi, luôn hòa nhã với mọi người cũng như với bà con chòm xóm, không bao giờ để xảy ra chuyện xích mích, nhờ vậy mà sau này tôi học hỏi và thừa hưởng được tính cách đó để xử sự trong cuộc sống.
Hàng ngày tôi được bố cho vài xu để ăn xôi hoặc quà bánh nhưng tôi chỉ dùng một trinh (tức 1/20 xu) là đủ no. Hồi ấy một tô phở lớn giá ba xu, tô bé chỉ có hai xu. Tôi tiết kiệm chỉ ăn xôi còn tiền dư thì xâu thành một dây tiền xu buộc vào bụng. Bây giờ mà làm thế thì sẽ coi là lố bịch, nhưng lúc đó tôi cho là oai lắm ! Cạnh nhà tôi có một ông hàng xóm nhỏ tuổi hơn bố tôi nên tôi gọi bằng chú, ông vốn nghiện thuốc phiện, thấy tôi có tiền nên hỏi vay. Tôi biết ông không có khả năng trả nợ nhưng nhờ tính hiếu hòa của bố truyền lại nên tôi vẫn đưa. Tôi không nói cho bố mẹ biết coi như đã tiêu hết tiền thế thôi.
Bố tôi là người có tư tưởng phóng khoáng, không áp đặt con cái điều gì cả. Lúc bé tôi thường theo mẹ đi lễ nên thuộc nhiều kinh đạo đến độ bên ngoại cũng khen ngợi, ngồi nghe các cụ giảng kinh cho con cháu, thỉnh thoảng tôi còn bổ sung một vài điều bị bỏ qua.
Bên ngoại rất cưng chìu tôi vì thủa nhỏ tôi thuộc loại xinh trai mà tính tình lại hiền lành, không bao giờ nghịch ngợm, lại thường xuyên theo mẹ đi lễ nhà thờ. Việc bố tôi không theo đạo thường bị bên ngoại chê bai dè bỉu. Trước thái độ có phần quá khích bố tôi luôn giữ được bình tĩnh, không bao giờ phản ứng khiến tôi rất khâm phục. Chính thái độ đó của bên ngoại khiến tôi không thích theo đạo.
Tất cả mọi người bên họ ngoại đều quý tôi và mong muốn tôi theo Công giáo nhưng tôi tìm cách thoái thác một cách nhẹ nhàng.
– Đạo nào cũng dạy con người ăn ở theo lẽ phải. Cháu có điều gì sơ xuất các chú bác cô gì cứ dạy bảo, còn việc theo đạo xin cho cháu được từ từ…
Các cụ cũng chinh phục tôi rất khéo léo :
– Việc đưa cháu đến với đạo cũng giống như các bác có một thức ăn ngon muốn chia cho các cháu. Tôn giáo là món ăn bổ dưỡng về tinh thần. Cô bác quý anh, nếu có món ngon mà giữ ăn một mình thì anh nghĩ thế nào ?
Tôi thưa :
– Các cô, các chú bác thương cháu, cháu rất biết ơn, nhưng có điều người lớn thì thích những món cay, món đắng, mà trẻ con thì thích ngọt bùi, thích ăn chua, khẩu vị có khác nhau.
Các cụ cười bảo :
– Cái món ngon mà không biết tại sao cháu cứ bảo là cay là đắng, ăn không được.
May mắn là mọi người cũng thông cảm mà không ép, phần tôi thì luôn tuân thủ những lễ nghi của bên ngoại nên không ai có thể trách móc được gì. Tôi có được bài học đầu đời từ tính hiền hòa của bố tôi là như vậy. Đó là kinh nghiệm tôi vẫn áp dụng trong cuộc sống, một mặt phải thuận theo lẽ đời sống phù hợp với hoàn cảnh để tồn tại nhưng một mặt vẫn giữ vững lập trường của mình.
Do tôi không thể tiếp tục học chữ được nữa nên bố tôi cho đi học nghề. Thời bấy giờ phụ nữ bắt đầu chưng diện nên nghề đóng giày rất phát triển, nhất là loại giày « mule » có gót cao, mặt giày thêu hình rồng phượng mỹ thuật. Ngày xưa thợ thủ công còn hiếm nên các cửa hiệu đóng giày tân thời rất cần thợ biết kỹ thuật và trả lương hậu hĩnh.
Ở Hà Nội có ông Tác là thợ giỏi bậc nhất nhưng chỉ truyền nghề cho con cháu trong gia đình. Thật ra chẳng qua công việc này còn mới mẻ lúc bấy giờ chỉ có ông là người thông thạo cách làm chứ chẳng phải tài năng hơn người. Ai nắm được kỹ thuật dần dà cũng sẽ giỏi như ông thôi. Ông Tác có người cháu là anh Lân được truyền nghề này, về sau trở thành bạn rất thân của tôi.
Thấy không có hy vọng gì gửi con cho người này, bố tôi xin ông Khôi -cũng là thợ đóng giày giỏi nổi tiếng ở Hà Nội, chỉ kém ông Tác – nhận tôi vào học nghề trong hai năm. Gia đình đóng tiền cơm cho tôi ăn ở luôn tại nhà thầy, vừa học nghề vừa làm mọi việc trong nhà , từ xách nước đến đun củi và làm việc vặc giống như đầy tớ.
Thế là từ năm 14 tuổi tôi vâng lời bố đi học nghề. Tôi vốn hiền lành, tướng mạo trông cũng dễ coi nên ở đâu cũng được mọi người quý mến. Thợ ngày xưa tham công tiếc việc, mùa đông trời rét, ông chủ đi ngủ sớm còn thợ phụ vẫn miệt mài làm thâu đêm. Ông chủ chỉ làm những công đoạn chính, còn các việc phụ giao hết cho đám thợ học việc, có khi làm đến ba bốn giờ sáng mới đi ngủ mà tám giờ sáng ông chủ thức dậy thì phải dậy theo.
Khi tôi mới đến học nghề, thầy Khôi có một thợ học việc gần hai mươi tuổi theo ông mấy năm sắp ra nghề. Ông thầy rất thương tôi nên dặn dò anh thợ phụ :
– Mày thức khuya làm đêm, cho em đi ngủ sớm vì nó còn bé.
Rồi ông nói riêng với tôi :
– Nếu nó không cho con ngủ sớm thì ngày mai mách bác, bác cho nó một
trận.
Đáng nhẽ phải chỉ dẫn từ từ, đằng này anh lại đùn đẩy mọi việc cho tôi, bắt tôi phải thức khuya làm thêm cho anh đi ngủ sớm. Tôi không phản ứng và cũng không mách lại với thầy mà cứ nhẫn nhục làm mọi chuyện anh sai bảo. Chính nhờ tính chịu đựng và cần mẫn đó mà tôi chóng thạo việc.
Khi anh thợ lớn ra nghề thì tôi cũng đã thạo việc. Hàng đêm thầy Khôi đi ngủ lúc tám giờ tối, tôi tiếp tục làm việc đến một hai giờ sáng. Trong khi đó anh Lân làm việc bên ông Tác, anh vốn chậm chạp nên công việc luôn bị ứ đọng. Vì thế thỉnh thoảng tôi thường ghé qua làm giúp anh vào buổi sáng sớm. Khi ông Tác bắt đầu làm việc tôi vẫn còn phụ cho anh Lân thêm mươi, mười lăm phút nữa. Nếu nhận thấy tôi cố tình tìm cách học nghề thì có lẽ ông ấy đã không đồng ý để tôi có mặt ở bàn làm việc riêng của ông. Nhưng lúc nào cũng thấy tôi cặm cụi làm xong việc rồi ra về nên ông không chú ý, điềm nhiên làm việc trước mặt tôi. Do vậy dù không cố tình tôi vẫn biết được một vài bí quyết kỹ thuật của ông rồi về áp dụng thử. Khi thấy tôi thực hiện được những kỹ thuật mới này, thầy tôi hết sức ngạc nhiên.
Tôi học nghề trong mấy năm được thầy Khôi rất thương. Tôi cũng quý thầy và nhận xét thấy phương pháp của thầy áp dụng là không hợp lý nhưng dù thế tôi vẫn không chê bai thầy. Tôi nghĩ sau này ra nghề tôi sẽ áp dụng cách làm của tôi.
Sau bốn năm học nghề, đến năm 18 tuổi tôi đã trở thành một trong những thợ giỏi nhất . Tôi làm việc cho tiệm giày Quận Chúa, một cửa hiệu nổi tiếng ở phố Hàng Ngang lúc bấy giờ, bình thường lương thợ giày chỉ khoảng hai mươi đồng một tháng nhưng riêng tôi được trả đến gần năm mươi đồng. Gia đình người chủ tiệm đối với tôi rất tốt. Những người thợ khác cùng làm chung có người ngang tuổi với bố tôi nhưng vẫn gọi tôi là bác để bày tỏ lòng tôn trọng vì tôi luôn tận tình chỉ dẫn họ.
Mặc dù kiếm được nhiều tiền nhưng do ngày xưa không chú ý đến chuyện bồi dưỡng tẩm bổ nên công việc mệt nhọc cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu năm 1939, một hôm đang ngồi làm việc tôi bị trúng gió, khi đứng lên đột nhiên bị ngã quỵ xuống. Lúc tỉnh dậy, đầu óc tôi vẫn minh mẫn nhưng lại bị tê liệt cả người, sau đó không thể đi đứng bình thường được nữa, tay chân dần dần co lại.
Gia đình tôi nghèo nhưng cũng cố gắng chạy chữa thuốc men cả Đông y lẫn Tây y, ai bày gì đều nghe theo nấy. Cả họ chỉ có tôi là con trai nên mọi người xúm vào lo lắng, người này mua mấy chục thang thuốc, uống được một thang lại có người mách thuốc khác. Thuốc ta còn dễ mua, còn khi cần hai loại âu dược đặc trị cho bệnh của tôi thì không sao tìm thấy ở thị trường.
Ông chủ tiệm giày Quận Chúa bèn nhờ người thân trong gia đình làm bác sĩ trong bệnh viện Phủ Doãn mua giúp cho tôi. Nhờ uống thuốc này mà bệnh tình tôi thuyên giảm nhiều.
Trong cả năm trời bị bệnh phải nằm một chỗ, tôi tranh thủ đọc rất nhiều sách để học hỏi thêm. Tôi mê nhất những bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, đặc biệt những anh hùng hảo hán trong Thủy Hử lôi cuốn tôi nhất.
Tôi nghiệm ra rằng những nhân vật giang hồ trong truyện này không ai xuất chúng, nhưng nhờ cùng hợp lực với nhau theo đuổi mục đích chung « thế thiên hành đạo » nên đạt được thành công. Kể cả nhân vật Tống Giang tuy là người hào hiệp nhưng cũng không có gì nổi bật, xuất thân làm huyện lại, nhưng sau đó phạm tội rồi trốn đi. Ông cũng không phải là người tài giỏi, chẳng qua vì đảm nhận trách nhiệm của người đứng đầu nên được tôn xưng là Minh Công. Ông thành công trong việc chỉ huy nhờ sự sáng suốt và thu phục được nhân tâm hơn là tài năng thật sự.
Tôi đi đến kết luận rằng một cá nhân chẳng là gì cả, dù giỏi đến đâu cũng chỉ làm được một phần công việc, cái chính là phải biết sử dụng năng lực của những tài năng chung quanh, cho dù trong số đó không có ai phi thường nhưng nếu cùng chung sức chung lòng theo đuổi một mục đích thì sẽ thành công. Bộ sách Thủy Hử đã cho tôi một ý niệm rất tốt để áp dụng trong công việc về sau này.
Tôi cũng thuộc làu bộ Đông Chu Liệt Quốc đến độ về sau có nhà phê bình sách khi trao đổi bàn luận cũng phải ngạc nhien về trí nhớ của tôi. Pho truyện này phản ánh đầy đủ tất cả mọi sự việc cũng như mọi cảnh ngộ trong đời sống. Và tôi cũng rút ra nhiều bài học về việc ứng xử cũng như cách giải quyết nhiều tình huống từ quyển sách này. Tuy nhiên mỗi thời đại tâm lý xã hội có khác nhau do đó việc áp dụng phương pháp giải quyết không phải cứ rập khuôn là được mà phải linh động theo từng thời, những việc trong sách chỉ gợi cho mình một hướng để giải quyết.
Suốt thời gian nằm dưỡng bệnh, đầu tiên tôi đọc sách võ hiệp, trinh thám, tiểu thuyết rồi dần dần đọc các loại sách về tư tưởng.
Những năm này chiến tranh bắt đầu căn thẳng, cuộc sống trở nên khó khăn, mọi người cũng bớt chưng diện, mua sắm. Lúc bấy giờ vật giá đắt đỏ hơn nên nếu trước đó mỗi tháng chỉ cần khoảng hai ba chục đồng là đủ sống thì nay chừng đó tiền không sống nổi với giá cả ngày càng leo thang.
Mấy người thợ cùng làm chung tới hỏi ý kiến tôi về việc xin tăng lương. Tôi đề nghị họ cân nhắc kỹ xem mức tăng tối thiểu là bao nhiêu để có thể sống được thì xin đúng chừng ấy, đừng nên đưa lên cao để chủ hạ xuống rồi cũng phải chấp nhận. Đó là nguyên tắc xử sự của tôi. Thế nhưng các ông ấy không nghe theo, một mực yêu cầu tăng lương 30%, đến khi chủ thương lượng chỉ tăng 20% họ cũng chấp thuận. Khi nghe nói lại tôi rất bất bình. Những người thợ vẫn có thói quen như thế. Chẳng hạn khi túng thiếu cần vay mười đồng họ phải hỏi mượn 30 đồng để chủ bớt lại là vừa. Riêng tôi không bao giờ xử sự như vậy mà luôn cân nhắc thận trọng trong từng việc, cần bao nhiêu nói bấy nhiêu. Nếu tôi hỏi vay 30 đồng mà chủ đưa 10 đồng thì tôi không nhận vì không đủ khoản tôi thực sự cần.
Ông chủ tiệm đã tìm cách chạy vạy mua thuốc men, giúp đỡ tôi tận tình, tôi mang ơn ông đồng thời còn nợ ông tiền thuốc. Nhưng tính tôi luôn muốn rạch ròi mọi chuyện, tiền nợ tôi hứa sẽ trả ngay sau khi tôi đi làm, nhưng ngược lại tôi xin tăng lương đủ 30% thì mới làm việc.
Tôi chưa khỏe hẳn, còn đi tập tễnh nên xin chỉ làm một buổi, ông chủ đồng ý mọi điều kiện của tôi, vì lúc bấy giờ thợ giỏi rất quý và hiếm. Do thời cuộc khiến công việc làm ăn bị khó khăn, chứ hồi đó người chủ nào cũng nể nang và quý trọng thợ kỹ thuật, thậm chí còn có người thợ đòi hỏi ông chủ phải ngồi tiếp cơm họ mới chịu làm.
Nghe theo lời khuyên của gia đình, tôi tìm thầy học võ với mục đích tập luyện để phục hồi sức khỏe và đi đứng bình thường trở lại. Kinh nghiệm cho thấy thuốc men chỉ điều trị khỏi bệnh chứ không làm cho người khỏe hẳn được. Duyên may đưa tới, tôi đến với lớp Vovinam tại trường Sư Phạm (Ecole Normanle) do võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc giảng dạy.
 
Dáng người dong dỏng cao, mắt sáng, trán rộng, cằm nở, nét mặt cương nghị, nụ cười hiền hòa biểu thị cho một tính cách cởi mở và khoan dung : đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Lộc đã gây ấn tượng tốt đẹp trong tôi ngay lần dầu gặp gỡ.
Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24-5-1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây), con trưởng trong một gia đình năm anh chị em (ba trai và hai gái). Thân phụ ông là cụ Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa.
Gia tộc ông sinh sống và làm ăn lâu đời tại làng Hữu Bằng, sau đó vì sinh kế và muốn tiếp xúc với đời sống văn minh thành thị, cụ chuyển gia đình về Hà Nội ngụ tại đường Harmand Rousseau (phía sau chợ Hôm).
Khi con trai đầu lòng đến tuổi đi học, cụ ông về tận làng cũ đón một vị lão võ sư lên Hà Nội khai tâm cho con mình những thế võ và vật dân tộc để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.
Sinh ra và lớn lên dưới thời đất nước bị thực dân Pháp thống trị, ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người thanh niên đối với dân tộc, ông Nguyễn Lộc nung nấu ý tưởng rèn luyện một đội ngũ thanh niên khỏe mạnh, có khả năng dụng võ, với tâm hồn yêu nước và giúp ích cho xã hội.
Nhờ sự khuyến khích của thân phụ lại có năng khiếu về võ thuật cộng thêm tư chất thông minh, ông đã nỗ lự tự rèn luyện. Ông thường xuyên đến tham quan các võ đường, mạn đàm cùng một số võ sư thời danh để tìm hiểu thêm về mọi môn võ thuật. Ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông chịu khó sưu tầm, nghiên cứu và luyện tập hầu hết các môn võ lúc bấy giờ. Nhận thấy mỗi môn võ đều có ưu điểm, đặc điểm riêng, song ông cho rằng chưa có môn nào hoàn toàn phù hợp với thể trạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt. Ý thức rằng trong một cuộc chiến đấu thì tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, do đó ông muốn đưa ra một phương pháp tự vệ của người Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất, để khi chiến đấu phát huy được hùng khí và lòng tự hào dân tộc.
Cuối cùng Sáng Tổ tìm ra con đường riêng, hình thành ý niệm Cách mạng Tâm Thân, tức là con đường đào tạo những con người khỏe mạnh cả về Tâm và Thân, gầy dựng ý thức vươn lên tự hoàn thiện bản thân về cả Tâm – Trí – Thể để có đầy đủ khả năng, đức độ, sẵn sàng phục vụ xã hội.
Về võ thuật thì ông lấy nền tảng võ và vật cổ truyền dân tộc đồng thời rút tỉa những ưu điểm, gạn lọc tinh hoa các môn võ trên thế giới, hệ thống hóa để sáng tạo ra một môn phái riêng đặt tên là Vovinam (Võ Việt Nam rút gọn), một danh xưng Việt Nam được quốc tế hóa.
Tên Vovinam có hai ý nghĩa : (1) Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và (2) Võ Đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo). Trước hết phải trải qua trình độ «Thuật » về chuyên môn, thực dụng, sau đó tiến đến trình độ « Đạo » tổng quát và toàn diện, trong đó có cả chuyên môn, thực dụng ở cấp cao.
Cuộc nghiên cứu hoàn tất vào năm 1938, với kỹ thuật võ rất đơn giản, hữu hiệu và dễ tập, dễ áp dụng, nhưng rất cương mãnh dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến, tốc thắng. Phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công, thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và sức bền.
Người học trò đầu tiên của Sáng Tổ Nguyễn Lộc là Nhà khoa học nổi tiếng Tạ Quang Bửu (sau năm 1954 là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nay đã qua đời). Nhà ông Lộc bán củi nên hàng ngày khi bổ củi, ông chọn một khúc cây thật to rồi cầm rìu bổ một nhát tét làm đôi. Ông Tạ Quang Bửu đi ngang qua thấy một cậu trẻ tuổi có sức khỏe lạ thường thì rất thích. Đến khi trò chuyện lại biết thêm cậu này chẳng những am tường võ thuật lại nghiên cứu cả về cơ thể học. Sáng Tổ tuy nghiên cứu và luyện tập thấu đáo võ thuật nhưng chưa hề dạy ai, ông Bửu bèn xung phong làm môn sinh đầu tiên :
– Thôi bây giờ cậu dạy cho tôi đi.
Ông Bửu chỉ theo học một thời gian ngắn nhưng luôn khuyến khích Sáng Tổ phổ biến môn võ này cho thanh niên. Nhờ đó mà Sáng Tổ có được tự tin nên bắt đầu dạy cho bạn bè đồng môn ở trường Bưởi và một số thân hữu trong gia đình.
Hơn một năm sau, vào mùa thu năm 1939, lớp võ sinh đầu tiên chính thức ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Sáng Tổ được bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Chủ tịch Hội Thân hữu Thể dục Thể thao mời cộng tác, tổ chức những lớp võ dầu tiên công khai cho thanh niên Hà Nội.
Đầu năm 1940, ba lớp dạy võ thuật cùng được tổ chức gồm lớp võ Vovinam của thầy Nguyễn Lộc, gậy (baton) và ghế của võ sư Cung Quang Nhâm dạy còn lớp dạy quyền Anh do võ sư Nguyễn Đình Quỳnh, vô địch môn này chủ trì.
Tôi cùng hai người bạn thân là Đặng Bỉnh và Đặng Bảy cùng đến ghi tên, dự định mỗi người học một môn : tôi học Vovinam, hai anh bạn một người học quyền Anh, một người học gậy và ghế. Nhưng rồi hai lớp kia không có học trò, chỉ có lớp Vovinam qui tụ nhiều môn sinh nên cuối cùng ba chúng tôi đều học môn võ này.
Khi bắt đầu học võ tôi chỉ cân nặng 35 ký, vậy mà sau sáu tháng tôi tăng lên được 50 ký, sức khỏe phục hồi rất nhanh.
Trong tập luyện, tôi là người rất gan lì và riêng thế té ngã thì tôi rất giỏi. Chỉ sau sáu tháng tôi đã được thầy cho biểu diễn lần đầu tiên. Đến với môn võ Vovinam tôi rất hào hứng lại vinh dự được thầy chỉ định biểu diễn, đó là điều bất ngờ với tôi, vì khi học võ tôi chỉ nhắm đến việc chữa bệnh.
Trong thời gian học võ tôi tìm ra bí quyết luyện tập và sau này đem áp dụng vào bất kỳ công việc nào khác trên đời. Khi tập môn tấn tay, dùng sức tấn tập tay cho cứng cáp, tôi luyện đấu với một anh lớn tuổi và khỏe mạnh hơn mình nhiều nên luôn luôn bị thua, dù cố mấy cũng không thắng được anh. Tôi rất tự ái vì mang tiếng có ông bác giỏi võ mà cứ thua hoài nên ráng thắng được một lần danh dự. Hôm đó tôi quyết tâm cố gắng hết sức mình để chiến thắng. Chúng tôi tấn tay cho đến lúc tôi đau quá sắp phải chịu thua nhưng rồi tôi tập trung sức lực cố chịu đựng thêm chút nữa, quả nhiên lần ấy tôi thắng.
Từ đó tôi tìm ra bí quyết, biết rằng sức lực anh này tuy có hơn tôi nhưng không nhiều, chỉ cần tôi nỗ lực
vượt chính mình một chút là được. Cũng giống như trước đây trong khi học nghề, tôi đã khám phá ra chính phương pháp làm việc là quan trọng và mang tính quyết định, nay việc tập võ cũng quan trọng ở phương pháp, dù tập nhiều mà không có phương pháp thì cũng không đi đến đâu cả.
Từ sau lần đó tôi luôn luôn thắng trong những cuộc thi đấu, dù đau đến mấy cũng cố sức thêm, hễ khi sắp thua thì tôi tập trung sức lực cố gắng thêm một chút là thắng được.
Thêm một điểm nữa là tôi biết cách ngã rất khéo, người ta quật một cái là tôi tung người theo ngay. Nói về chuyên môn trong nghề võ, nhìn người ta đi thế võ đẹp quá nhưng khi họ vừa tóm lấy tay mình mà mình đã tung người lên ngay thì có khi ngã đè chết người ta. Đánh là đánh giả, đòn cũng là đòn giả, cho nên cái ngã đẹp là biết canh đúng lúc đúng thế chứ không phải chỉ biết dùng sức mạnh. Người té giỏi là người biết té đúng cách. Tôi canh đúng lúc người ta kéo lên thì mới tung người, kéo mạnh tôi tung mạnh, kéo nhẹ tôi tung nhẹ, chưa kéo tôi không tung. Đó không chỉ là phương pháp tập võ mà còn là cả một quan điểm xử thế của tôi trong suốt cuộc đời.
Lớp học võ tổ chức ở sân trường Sư Phạm, trước khi váo học huấn luyện viên và học viên chạy xung quanh sân bãi vài vòng làm nóng rồi tập 10 thế thể dục. Đầu tiên thầy Sáng Tổ dứng làm mẫu, sau đó chọn vài học viên dáng vẻ cao lớn và tiếng hô tốt đứng ra trước để thầy sửa cho mọi người xem.
Lúc bấy giờ lớp võ chưa có huấn luyện viên nên phải chọn những người ở lớp thể dục thẩm mỹ, tuy họ mới học võ chỉ có vài tháng nhưng nhờ có dáng vẻ dễ coi nên được học viên tin tưởng. Thế là lớp võ Vovinam có mấy võ sinh tướng mạo rất đẹp và tiếng hô oai dũng, nhất là một anh tên Khải (sau này đổi tên là Phạm Cương, chỉ huy phó Công binh tuyến đường Trường Sơn, nay là Đại tá hồi hưu) Tiếng hô của anh Khải lanh lảnh vang dội cả hội trường.
Những buổi trình diễn của Vovinam thường tổ chức ngoài sân, quan khách lẫn khán giả đều làm lễ trước khi bắt đầu. Một hôm có ông Ducoroy, một quan chức người Pháp đến chủ tọa buổi biểu diến. Ông này là người chịu trách nhiệm điều khiển các hoạt động thể thao, cho đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến những cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương do ông tổ chức thời đó.
Hôm ấy trời mưa lại có quan chức người Pháp đến dự nên Sáng Tổ không cho môn sinh « nghiêm lễ » ngoài sân như thường lệ mà cho đặt bàn thờ Tổ quốc bên trong hậu trường, sau khi lễ xong mới ra ngoài biểu diễn. Ngày nay việc làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc là chuyện bình thường nên khó hình dung được cảm giác của chúng tôi lúc đó, việc này tác động rất mạnh vào tinh thần dân tộc của thanh niên thời bấy giờ.
Giưa cuộc biểu diễn, vị Hội trưởng Hội Thân hữu  Thể dục Thể thao mời Sáng Tổ lên khán đài để nhận huy chương của chính quyền thuộc địa. Sáng Tổ không thể từ chối được đành để cho Ducoroy đeo huy chương vào ngực, nhưng khi vừa bước xuống khán đài thì thầy gỡ huy chương bỏ vào túi rồi điềm nhiên tiếp tục điều khiển buổi biểu diễn. Hành động của Sáng Tổ hôm ấy đã gây xúc động tâm lý sâu xa về ý thức dân tộc và quốc gia trong môn sinh.
Thời bấy giờ thanh niên chúng tôi đi ra đường gặp người Pháp là e dè rồi chứ không có được sự bình đẳng như hiện nay. Cho nên ai dám tỏ thái độ coi thường người Pháp đều được mọi người khâm phục, vì vậy bản thân tôi cũng rất nể trọng thầy qua sự vệc này.
Mục đích đầu tiên của tôi khi đến với võ thuật là để chữa bệnh. Sau một thời gian sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tôi càng say mê học võ, rồi dần dà ngày càng thấy mình gắn bó với môn võ này hơn. Kể từ đó mỗi năm tôi chỉ làm sáu tháng, thấy đã đủ tiền chi tiêu cho cả năm thì không làm nữa, thời gian còn lại tôi dành để trau dồi võ thuật và đọc thêm sách vở.
Để học võ cho giỏi, tôi cho rằng chẳng cần bí quyết gì mà chỉ cần cố gắng vượt hơn bản thân thì sẽ chẳng thua ai cả. Không chỉ chuyên học võ, trong đời tôi dù làm việc gì cũng đầu tư hết khả năng tâm trí vào, lúc đầu chưa thành công thì vận dụng suy nghĩ, nếu có trở ngại thì cứ tạm dừng rồi lại tiếp tục làm vào lúc xét thấy thuận tiện. Tôi chỉ là người bình thường, thậm  chí còn thua kém nhiều người về mọi mặt từ sức khỏe đến tri thức, chỉ nhờ ý chí và quyết tâm cao mà luôn đạt được kết quả tốt trong công việc.
Tôi bắt đầu học võ vào năm 1940 khi được 20 tuổi. Thời ấy thanh niên ở vào độ tuổi này đều đã lập gia đình, riêng tôi quá say mê võ thuật nên không nghĩ ngợi gì đến chuyện ấy.
Vào năm 1942, phong trào chống Pháp công khai phát triển bắt đầu từ vụ đụng độ giữa thanh niên Pháp với thanh niên Việt Nam tại trường Đại học Hà Nội cũng như với công chức tại sở Canh Nông. Trong các cuộc đụng độ này thì sinh viên và viên chức cùng với môn sinh Vovinam là lực lượng chủ xướng. Vì thế thực dân Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ thuật tại trường Sư Phạm và cấm ông Nguyễn Lộc hoạt động. Lúc này người Pháp ra đường bắt đầu e sợ người Việt vì lơ mơ có thể bị ăn đòn.
Tuy vậy Sáng Tổ vẫn bí mật dạy một số môn đệ tâm huyết ở nhà riêng và phát động phong trào công khai chống Pháp trong quảng đại quần chúng.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại ủy nhiệm cho Trần Trọng Kim thành lập chính phủ, cử Tổng Đốc Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc bộ, Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ và bác sĩ Trần Văn Lai làm Đốc lý Hà Nội.
Thời kỳ này lực lượng viên chức Nhà nước chịu trách nhiệm giữ trật tự an ninh cho thành phố Hà Nội nhưng trên thực tế còn có cả sinh viên, hướng đạo sinh, môn sinh Vovinam cũng như các tầng lớp thanh niên và quần chúng. Nhưng trong việc điều khiển trật tự thì nhóm Vovinam luôn nổi trội hơn cả, chuyên đứng ra điều động mọi người.
Tháng 8 năm 1945, các môn sinh Vovinam cùng với các lực lượng quần chúng tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ tuần hành qua các đường phố lớn để bày tỏ ý chí bảo vệ độc lập đất nước. Sau đó cuộc biểu tình biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Cứu quốc Việt Minh. Bài « Tiếng gọi sinh viên » của Lưu hữu Phước được thường xuyên sử dụng để hát mở đầu trong những dịp này. Sau đó chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là « Tiếng gọi thanh niên » và dùng làm quốc ca chế độ cũ.
Khi tình hình bớt căng thẳng thầy Nguyễn Lộc tiếp tục mở lớp dạy võ cho thanh niên để gây dựng lại phong trào Vovinam. Tinh thần anh em lúc bấy giờ rất cao, thầy yêu cầu làm gì chúng tôi cũng đều hăng hái xung phong. Sau Sáng Tổ thì các bậc đàn anh như anh Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Khải và Nguyễn Bích – những người theo học võ Vovinam trước tôi vài tháng – hướng dẫn điều gì chúng tôi cũng đều nghe theo răm rắp không hề thắc mắc.
Võ sinh Vovinam chuyên phụ trách đi dẹp những nhóm cờ bạc và trộm cướp trong thành phố Hà Nội. Sau dó ít lâu nạn đói hoành hành, hàng triệu người dân miền Bắc lâm vào cảnh thiếu ăn, chúng tôi lại tham gia cứu đói.  Chính quyền yêu cầu các rạp chiếu bóng mở ra cho đồng bào đến xem không mất tiền, giữa buổi chiếu phim, thanh niên chúng tôi gồm Vovinam, hướng đạo sinh, thanh niên, sinh viên, mang những chiếc thùng nhỏ đến từng khán giả để quyên tiền và thu được kết quả rất tốt.
Rồi cũng danh nghĩa viên chức, chúng tôi tổ chức Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Đó là lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng trong thời kỳ Pháp thuộc, trước đó chỉ những ngày lễ của mẫu quốc Pháp, như ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 hàng năm chẳng hạn, mới được coi trọng và tổ chức rình rang. Chúng tôi lại tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3, kêu gọi đồng bào nấu bánh dầy, bánh chưng để khơi gợi lại truyền thống ông cha ngày xưa. Những buổi lễ này được diễn ra tại vùng đất rộng của Đông Dương học xá (sau gọi là Việt Nam học xá), đại học xá duy nhất của cả Đông Dương, dành cho sinh viên của cả ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
Cũng trong tháng 8 năm 1945 một số thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại học xá Hà Nội và biểu quyết gửi điện văn yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Tôi được dự buổi nói chuyện quan trọng này, dù chỉ được ngồi nghe nhưng cũng cảm thấy rất tự hào.
Vovinam cũng tổ chức những lớp võ tự vệ đại chúng thu hút hàng nghìn người luyện tập những thế kiếm, gậy (côn) và mã tấu cơ bản trên bãi cỏ của Đông Dương học xá.
Một trong những nhân vật đặc biệt tham gia lớp võ là thi sĩ Xuân Diệu, ông là người nổi tiếng và nhất là có mái tóc đẹp nên được mọi người chú ý. Lớp võ tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần, cứ bốn giờ sáng hàng đoàn người từ các nơi lũ lượt kéo đén bãi tập. Một người đứng trên bục cao làm mẫu, bên dưới mấy chục huấn luyện viên trải đều ra hướng dẫn cho cả ngàn người tập theo.
Lúc bấy giờ lực lượng viên chức thành lập lớp võ sĩ trẻ cảm tử và lớp « Anh hùng ngày mai ». Vovinam cùng với Hướng đạo và các đoàn thể sinh viên chịu trách nhiệm tuyển mộ và huấn luyện. Đặng Hùng Nhân – vô địch Đông Dương môn bơi lội – đứng ra điều khiển nhóm Anh hùng ngày mai.
Chúng tôi lại nhận nhiệm vụ bảo vệ anh ninh trật tự trong buổi lễ bàn giao chính quyền cho đại diên Mặt Trận Việt Minh. Tôi tham gia phong trào toàn dân theo cách mạng với nhiệm vụ là dạy võ, chúng tôi huấn luyện sử dụng gậy gộc, trên tinh thần dùng gậy gộc đánh Pháp.
Ngày 23/8 Chính phủ lâm thời được thành lập tại Hà Nội do Bác Hồ làm Chủ tịch. Nhóm Vovinam chúng tôi hợp tác với chính quyền dạy võ cho lực lượng Công an Xung phong cũng như cho phong trào thanh niên. Chúng tôi phải chia nhau dạy, tôi phụ trách lớp của Công an Xung phong ở sân Bắc Qua, rồi dạy tự vệ chiến đấu cho đơn vị Tự vệ Thành tại Nhà đấu xảo (nay là Cung văn hóa Việt Xô). Tôi cũng dạy võ ở sân quần ngựa, sân Hàng Đẫy cho thanh niên, có lần Bác Hồ đã đến đây xem biểu diễn và rất khen ngợi.
Lúc bấy giờ ông Dương Đức Hiền làm Bộ trưởng Bộ Thanh Niên, do có theo học Vovinam nên ông thường tổ chức những lớp dạy võ, mời thầy Lộc và tôi phụ trách..
Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài 3 tháng với những đòn cận chiến đơn giản. Chương trình huấn luyện cấp tốc thời đó có hai phần : Võ lực gồm 10 thế thể dục, luyện tấn, bay người, trườn mình bằng khuỷu tay và đầu gối cùng các lối nhào lộn, tập ngã không đau. Võ thuật thì dạy các đòn phản thế cơ bản, các thế khóa gỡ, bài song luyện (đòn thế được ghép theo nhu cầu biểu diễn), đòn chân cũng dã dạy, song ít người được tập đầy đủ và chỉ ghép vào các bài song luyện chứ không biểu diễn riêng lẻ, đa dạng như hiện nay. Khi tập cũng như biểu diển đều ở trần, mặc quần đùi.
Năm 1945 Mặt Trận Việt Minh hoạt động mạnh, tinh thần chống Pháp của người dân sôi sục, hào khí lên cao. Đặc biệt thời gian này tôi ở khu Hàng Hành cạnh nhà thủy tạ hồ Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều dân anh chị. Người dân ở đây bầu tôi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Phó Chủ tịch là người của Mặt trận Việt Minh. Chúng tôi tham gia phá những tượng đồng của Pháp ở Hà Nội như tượng Paulbert, tượng Đầm xòe ở cửa Nam, Đài kỷ niệm lính Khố xanh Khố đỏ…, phải huy động mấy tay ở lò rèn cùng với dân có võ mới phá nổi.
Thời kỳ này mọi người không còn nghĩ đến chuyện chưng diện nên nghề đóng giày không còn thịnh hành, tôi phải chuyển sang làm những công việc lặt vặt khác để kiếm sống. Việc dạy võ hễ có nơi nào mời thì dạy chứ chưa phải là công việc chính.
Trong năm 1945 thầy Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh là con của cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ.
Cuối năm đó thầy được mời dạy võ ở Hải Phòng, tôi cũng đi theo thầy. Tôi được giới thiệu với anh Hải, Chủ tịch lực lượng thanh niên đồng thời là chủ tiệm ăn Hải Sinh ở đường Bonard (bây giờ là đường Nguyễn Thái Học) ở Hải Phòng.
Anh Hải có người em tên Sinh cùng với một người bạn mở tiệm giày lớn nên muốn mời tôi về hợp tác. Anh đề nghị tôi sẽ là một trong 3 người chủ cửa hiệu, phụ trách điều khiển thợ may vì tay nghề tôi cao hơn cả.
Cuộc sống của tôi lúc bấy giờ rất khó khăn, nay bỗng nhiên được mời làm chủ là một cơ may không dễ có được. Ngoài ra anh Hải cũng thuyết phục tôi ở lại vì anh cần người phụ trách mảng võ thuật tại Hải Phòng, lo tổ chức việc rèn luyện cho thanh niên, điều kiện tiền bạc do chính tôi đề xuất.
Giá như thầy Lộc còn dạy võ ở Hải Phòng thì tôi đã ở lại, nhưng vì thầy có việc phải trở về Hà Nội, thế là tôi từ chối rồi khăn gói theo thầy. Hai ngày sau khi tôi rời Hải Phòng thì nơi này xảy ra đánh nhau rất lớn giữa quân Tàu và quân Pháp, rồi sau đó là giữa quân Pháp và lực lượng tự vệ Việt Minh.
Vào giữa năm 1946 Pháp lật lọng sau khi ký hiệp ước Fontainebleau thừa nhận nền độc lập Việt Nam. Tại Hà Nội, vào tháng 10 năm 1946, Quốc hội ủy nhiệm cho Bác Hồ đứng ra thành lập Chính phủ mới, cuối năm đó các đoàn thể kêu gọi ủng hộ Chính phủ Việt Minh, chuẩn bị kháng chiến, tản cư khỏi thành phố.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đặc biệt ở khu Hàng Bún nơi gia đình tôi ở xảy ra những trận đánh nhau ác liệt giữa quân tự vệ ta và lính Pháp trước đó hai ngày, khi mọi người đang đào giao thông hào thì bị lính Pháp tấn công. Lúc đó tôi mới vừa rời khỏi giao thông hào đang đi vào một ngôi chùa, bọn Pháp ở phía bên kia đường tấn công dồn người dân lại. Tôi vội vã băng qua con đường tắt phía sau chùa rời khỏi nơi này, nhờ đó mà thoát chết.
Thời kỳ này hàng ngày đều có tin người Pháp bị đánh ở khu phố này, bị giết ở khu phố khác, dân chúng Hà Nội bắt đầu tản cư về các vùng ngoại ô. Gia đình tôi cũng theo dòng người tản cư ra đi với hai bàn tay trắng, bao nhiêu tài sản bỏ cả lại Hà Nội, đến Thường Tín tá túc tại nhà người chị ruột của mẹ tôi.
Huyện Thường Tín nghe tôi có nghề võ nên ngỏ ý mời dạy cho tổ chức thanh niên tại đây, sẵn sàng chấp nhận đài thọ ăn ở cho cả gia đình tôi. Ngoài ra nếu ai muốn học riêng, tôi có thể lãnh dạy để có thêm ít tiền bạc, nhưng tôi từ chối vì phải chờ bắt được liên lạc với Sáng Tổ. Dù rất say mê nghề võ nhưng tôi chỉ dạy khi có sự điều động của chính thầy Nguyễn Lộc. Lúc bấy giờ chúng tôi tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh cũng như sự chỉ định của Sáng Tổ, muốn dạy ở nơi nào phải được phép của thầy.
Khi nghe tin thầy Lộc đưa cả gia đình gồm ông bà thân sinh, vợ và các em (ông chưa có con) tản cư về làng Cự Đà, Quang Minh (tỉnh Hà Đông) thì tôi từ biệt gia đình đi theo thầy. Một số bạn bè đồng môn cũng tụ tập về đây.
Ngay từ đầu tôi theo tập võ cốt luyện tập cho khỏe chứ không có ý định theo nghề này. Cơ duyên đưa đẩy tôi trở thành võ sư, thời gian đầu việc dạy võ tuy phải cố gắng rất nhiều nhưng vẫn có mặt hạn chế, không bằng một số bạn bè khác. Nhất là phần giảng về lý thuyết, đầu lưỡi tôi to nên giọng nói hơi bị ngọng. Do vậy trong những buổi khai giảng lớp dạy võ, đến phần thuyết trình cho môn sinh về nguồn gốc, mục đích và tôn chỉ của môn phái tôi luôn phải nhờ người khác nói giùm.
Chúng tôi đang dạy võ ở làng Hữu Bằng gần Hà Nội thì ông Dương Đức Hiền, lúc bấy giờ là chỉ huy trưởng dân quân du kích là chỗ thân tình với Sáng Tổ, nhân đi ngang qua báo cho biết :
– Mặt trận sắp mở ra rồi, anh nên đi lên mạn ngược chứ đừng ở lại đây nữa.
Do đó sáng Tổ phải đưa gia đình chuyển lên Phú Thọ, mở lớp dạy võ chừng ba tháng cho dân quân du kích, rồi trôi giạt lê Ấn Thượng, Đan Hà, Thanh Hương dạy cho thanh niên ưu tú ở Hà Nội lúc ấy tập trung về nơi đây, sau trở về Vĩnh Yên, Me Đồi…
Các môn sinh chia nhau đi khắp nơi để qungr bá môn võ, một số về vùng xuôi Nam Định, Thanh Hóa, một số đi theo các lực lượng kháng chiến, một số vào tận miến Trung, vào trong Nam.
Những bạn đồng môn xuất sắc hơn đã phân tán các nơi, tôi bỗng nhiên trở thành người giỏi nhất trong số các môn sinh còn ở bên cạnh thầy lúc đó.
Nhận thức rõ mặt hạn chế của mình nên tôi phải có phương pháp luyện tập riêng, nói năng thận trọng, chuẩn bị bài nói chuyện chu đáo nên dần dần thành công. Các bạn tôi trước đây giỏi hơn vì vậy mà có phần chủ quan, khi phát biểu cứ tùy hứng chứ không có bài bản như tôi. Như anh Quý chẳng hạn. Anh là người luôn nói giúp tôi mỗi khi khai giảng lớp mới, sau đó anh đi dạy ở mạn xuôi. Khi tôi dạy võ ở tại Thanh Hương cho thanh niên ưu tú từ các nơi quy tụ về đây, vào ngày khai giảng lớp mới, như thông lệ anh bảo tôi:
– Sáng nói được không, hay để tôi lên nói giúp cho ?
– Nhờ anh Quý nói giúp hộ.
Thế là anh thuyết trình trong buổi đầu tiên và tôi nhận ra rằng anh nói tùy hứng không có bài bản nên thiếu mạch lạc và không chính xác. Trại này có ba lớp khác nhau, mỗi ngày khai giảng một lớp. Sáng ngày thứ hai tôi nói với anh :
– Anh cứ để Sáng tập nói cho quen.
Sau khi ngồi nghe, thấy tôi nói năng chững chạc, anh tự động bảo :
– Thôi từ nay Quý phải nhường Sáng rồi.
Thời gian này võ thuật được truyền dạy cho tất cả thanh niên và được Chính phủ kháng chiến thừa nhận là môn rèn luyện thân thể. Tôi sử dụng giấy chứng nhận của ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền ký, lại thêm chữ ký của Sáng Tổ chỉ đinh công tác nên rất có giá trị, có thể đi lại khắp nơi một cách dễ dàng, không bị dân quân du kích gây khó khăn.
Do hoàn cảnh không được học lên cao, nhưng tôi thuộc loại người tháo vát nên làm được nhiều việc mà những người khác có trình độ hơn phải thúc thủ. Vì vậy đôi khi tôi cũng bị mĩa mai là « thằng dốt làm liều ». Điều này khiến tôi tự ái nên cố gắng trau giồi kiến thức, đọc nhiều sách báo, học ngoại ngữ…nhờ vậy mà trình độ ngày càng khá hơn.
Tôi may mắn được theo Sáng Tổ đi suốt vùng Việt Bắc, ngang dọc khắp nơi để dạy võ cho thanh niên. Chính trong thời gian vô cùng thú vị này ý chí của tôi được rèn luyện thêm già dặn, tinh thần tôi được gạn lọc và vững vàng.
Ngoài nghĩa thầy trò, tôi còn được Sáng Tổ đối xử như anh em, đồng lao cộng khổ. Tuy là nhà võ, nhưng ông có cốt cách, dáng vẻ của một văn nhân, giọng nói ấm áp chân tình, nụ cười hiền hòa cởi mở. Thường ngày luyện tập khắc khổ nhưng ông vẫn là người có tâm hồn nghệ sĩ. Ông thường mãi mê ngồi đàm luận văn thơ, hội họa, nhiếp ảnh suốt buổi hoặc qua đêm với môn sinh, bạn bè. Ông thân mật, hòa đồng, cư xử giản dị với tất cả mọi người. Những môn sinh sống cận kề ông đều được hưởng sự chăm lo chu đáo tận tình. Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc hoặc khi luyện tập, ông lại rất nghiêm túc, cẩn trọng, đặt yêu cầu cao đói với bản thân cũng như đối với các cộng sự. Giao lưu rộng rải, tính tình hào hiệp, ông đã gây được một ảnh hưởng lớn lao và được mọi người tin yêu, quí trọng.
Tôi gắn bó với Sáng Tổ nên được ông tin cậy tâm sự cả những chuyện riêng tư mà không bao giờ thổ lộ với ai. Có thể nói tình thân của Sáng Tổ và tôi chẳng khác anh em ruột thịt, ông bà thân sinh của thầy cũng xem tôi như con cái trong nhà.
Thời kỳ này tôi được Sáng Tổ giao trách nhiệm dạy chính, thầy chỉ ngồi quan sát và hướng dẫn thêm khi cần. Về sau tôi cũng áp dụng phương pháp của Sáng Tổ, giao cho những môn sinh giỏi dạy học trò mới nhập môn chứ tôi không đích thân truyền võ nữa.
Điểm đặc biệt cần ghi nhận là môn phái Vovinam dưới sự lãnh đạo của Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã cương quyết không tham gia chính trị, mặc dù đã góp công đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy kháng chiến qua các lớp huấn luyện cấp đại đội trưởng, trung đội trưởng dân quân du kích tại Chế Lưu, Ấn Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú ; các lớp huấn luyện cho bộ đội Nhà Chung, Phát Diệm vào năm 1948 do ông Trần Thiện làm Tổng chỉ huy. Chúng tôi chỉ thuần dạy võ, nơi nào mời thì đến dạy.
Tình hình mặt trận lúc bấy giờ căng thẳng, quân Pháp tiến đánh khắp nơi, trên mạn ngược không còn ổn định nữa nên Sáng Tổ có ý định đưa gia đình về xuôi.
Tuy say mê nghề võ và quyết một lòng theo Sáng Tổ nhưng phải rời bỏ gia đình tôi cũng rất buồn nhớ. Sáng Tổ nặng gánh phải lo cho gia đình, còn tôi, may nhờ mẹ tôi tháo vát xoay sở mua bán lặt vặt để nuôi cả nhà nên tôi mới có thể yên lòng toàn tâm toàn ý theo Sáng Tổ.
Năm 1947 Sáng Tổ đưa cả gia đình về Me Đồi, hễ nơi nào mời thì chúng toi dạy võ, bù lại được trợ cấp gạo và thực phẩm. Nhân dịp này tôi về Thường Tín thăm gia đình. Sau hơn một năm xa cách, gặp lại tôi ai cũng mừng rỡ, tôi yên lòng khi thấy mẹ tôi đảm đang lo được cho cả nhà tương đối ổn định. Sau đó tôi trở lại Vĩnh Phú với Sáng Tổ và được tin gia đình tôi bị quân Pháp lùa về Hà Nội.
Vào cuối năm 1948, thấy tình hình Hà Nội yên tĩnh nên Sáng Tổ quyết định trở về đây, tất nhiên tôi cũng đi theo. Lúc này đời sống vật chất vô cùng khó khăn, gia đình Sáng Tổ đông người mà lại không quen mua bán làm ăn, hơn nữa chúng tôi mới về cũng chưa ai biết để mời dạy võ.
Thời gian đầu gia đình các anh Bỉnh và anh Bảy giúp đỡ tôi chút ít, sau đó tôi quyết định trở lại nghề làm giày cũ. Lương bấy giờ cao hơn trước đây nhiều, chỉ một năm sau tôi đủ vốn để tách ra tự làm chủ….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét