HỒI KÝ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (PII)
… Năm 1950 tôi cùng với anh Đặng Bảy hợp tác mở tiệm giày Phi Điệp ở số 14-18 phố Hàng Quạt, thu nhận học trò để phát triển cơ ngơi. Hồi ấy thợ học nghề vẫn còn bị đối xử như đầy tớ không công, nhưng riêng tôi coi họ như anh em, lại nuôi cơm chứ không bắt đóng tiền, đến khi tay nghề khá thì tôi trả lương. Trước đây những người thợ giỏi thường dấu nghề, còn tôi thấy ai làm sai luôn tận tình chỉ dẫn.
Tôi không có trình độ học vấn cao mà cũng không được học về quản lý mà chỉ tự mày mò cách làm. Đặc biệt ngay từ lúc đó tôi đã có phương pháp riêng trong việc tổ chức công việc. Về sau tôi mới biết rằng ngẫu nhiên tôi cũng áp dụng theo như phương pháp Taylor đã có từ lâu lắm rồi. Khi tôi làm một mình năng suất cũng chỉ ngang bằng với một người thợ khác chứ không hơn, nhưng nếu cả hai bên đều có thêm một người thợ phụ thì năng suất bên tôi lại tăng hơn hẳn. Đầu tiên tôi hướng dẫn cho học trò chỉ làm một việc cho đến khi thật thạo, mỗi người làm giỏi một việc, người làm khâu này, người làm khâu kia, chứ không chỉ dẫn lung tung. Đến khi có bốn năm người thợ giúp việc thì công việc của tôi làm rất trôi chảy ăn ý với nhau. Tôi tổ chức công việc hợp lý nên năng suất cao và trả lương cho thợ hậu hĩ. Không bao lâu, tiệm giày của tôi trở thành một trong những tiệm lớn và nổi tiếng nhất tại Hà Nội trong thời kỳ từ năm 1950 đến năm 1954.
Riêng Sáng tổ tiếp tục dạy võ vì ông đã có tiếng tăm, mặc dù dạy võ chẳng được nhiều tiền. Thời gian cùng với Sáng Tổ lên mạn ngược tôi là người dạy chính, nhưng giờ đây tôi tập trung làm ăn hầu có điều kiện lo cho gia đình và phụ giúp kinh tế cho Sáng Tổ để ông yên tâm tiếp tục hoạt động nghề võ. Tôi cùng hai anh Đặng Bỉnh và Đặng Bảy tự ý hỗ trợ Sáng Tổ mà không cho ai biết kể cả gia đình.
Năm 1951, cộng tác với một số nhân sĩ, Sáng Tổ thành lập Việt Nam Võ sĩ đoàn, tổ chức nhiều lớp võ đại chúng tại sân trường Hàng Than, Hà Nội.
Tôi tuy không dạy võ, nhưng mỗi khi có cuộc biểu diễn lớn Sáng Tổ đều cho gọi tôi tham dự vì thầy tin tưởng vào khả năng của tôi. Tôi quen việc điều khiển những buổi biểu diễn, không phải do tài giỏi mà nhờ làm mãi rồi quen. Thầy Lộc luôn luôn nhắc nhở về tôi với môn sinh nên tuy chưa gặp mặt mà học trò mới của thầy đều biết tên tôi.
Một lần có anh Voong Bang Fu, một đại lực sĩ người Trung Hoa sang Hà Nội biểu diễn. Những người tổ chức muốn thu hút quần chúng đến xem nên quảng cáo rầm rộ anh này là vô địch ở Trung Hoa sang đây thách đấu với toàn bộ võ sĩ Việt Nam, lại còn tung tin rằng anh này đã đánh chết nhiều võ sĩ Việt nam nữa.
Thầy Lộc nghe như vậy cho là lố bịch nên gọi tôi lại bảo thách đấu với anh này, nếu anh ta không nhận lời đấu trên võ đài thì đấu ngay ngoài đường để bảo vệ danh dự người Việt Nam. Lúc đó tôi còn trẻ nên nghe vậy bèn đánh tiếng đòi thách đấu. Cùng lúc đó cũng có một lực sĩ người Việt gốc Hoa học Vovinam khoảng ba năm là anh Phan Dương Bình cũng đứng chung danh sách thách đấu.
Nghe thế Voong Bang Fu hoảng sợ và đến xin Sở Công an Hà Nội bảo vệ cho mình, do đó mà cả anh Bình và tôi cùng bị bắt.
Khi chúng tôi được dẫn lên gặp ông Phó tổng giám đốc Công an tên Phúc, ông này đập bàn quát tháo ầm ỉ. Tôi bèn nói :
– Xin ông nói năng ôn tồn, còn nếu ông đập bàn ghế tôi không trả lời.
Ông này bèn quay sang dọa dẫm Phan Dương Bình :
– Anh có biết việc này quan hệ đến ngoại giao quốc tế hay không ? Sao anh dám làm chuyện côn đồ đòi đón đường đánh người ta ?
Cậu Bình nói tiếng Việt rất giỏi nhưng e ngại đứng im chưa trả lời thì tôi nói thay :
– Chú này là người Trung Hoa nói tiếng VIệt không được rõ, xin ông cứ hỏi tôi. Việc tôi làm là để bảo vệ danh dự người Việt Nam
– Danh dự gì ?
– Việc tôi làm được rất nhiều người tán đồng, kể cả những người trong Sở Cảnh sát này. Khi tôi mới đến đây, ông Phó tổng giám đốc chưa đến làm việc, mọi người xúm lại hỏi và sau khi nghe tôi nói ai nấy đều tán đồng và thích thú.
– Ai thích thú ?
– Tôi không muốn nói ra. Người ta yêu nước, thấy việc tôi làm nhằm bảo vệ danh dự cho dân tộc thì có ý bênh vực tôi, bây giờ tôi nói ra để ông lại bắt người ta thì vô lý quá.
– Anh có biết tôi đượcquyền giam anh không ?
– Vâng, tôi biết, ông có quyền giam tôi, tôi không phản đối, nhưng nếu muốn hỏi chuyện thì tôi xin ông phải nói cho ôn tồn.
Thế là Phan Dương Bình và tôi bị giam, người cai ngục rất tử tế đem trà bánh ra mời chúng tôi, lại còn yêu cầu tôi biểu diễn cho xem, nhưng tôi từ chối. Đến hôm sau thầy Lộc can thiệp nên chúng tôi được thả ra.
Đến năm 1953, tôi giao tiệm giày lại cho anh Bảy – vừa là đồng nghiệp mà cũng là người mà tôi coi như anh em ruột thịt – rồi cùng với anh Bỉnh mở Nhà xuất bản. Trước đây mở tiệm giày không tốn tiền bao nhiêu, còn nay mở nhà in thì đòi hỏi vốn rất lớn, tôi chỉ có ít tiền vậy mà lại làm được, đây là cả một câu chuyện lý thú.
Số là gần nhà tôi ở có một ông tên Phương, ít tuổi hơn bố tôi nên tôi gọi là chú. Chú Phương bị thọt, sống nhờ vào mẹ vốn là « bà đồng » trông nom hương khói một cái đền. Bà cụ nhiều tuổi nên sắp phải rời khỏi đền, nhường công việc lại cho người khác. Khi mới về Hà Nội, tôi sang chơi nghe chú than thở về việc này và lo lắng không biết những ngày sắp tới mẹ con phải xoay sở ra sao. Chú hỏi tôi có thể giúp chú ít vốn để chú góp phần buôn bán với bạn, hàng tháng lấy lãi nuôi mẹ. Biết được tình cảnh mẹ con chú tôi xúc động nhưng lúc đó chưa có tiền, tôi về nhà gom góp cũng chỉ được 30 đồng bèn đi vay thêm 20 đồng rồi đem qua cho chú. Cầm 50 đồng trên tay chú bàng hoàng cảm động bảo rằng : « anh giúp chú số tiền này, chú rất mừng vì hai lẽ, một là số tiền quá lớn, hai là mừng cho anh, vừa mới về đã giàu quá. Chắc hẳn anh phải có nhiều gấp trăm nghìn lần số tiền này nên mới giúp chú như vậy chứ ».
Tôi đính chính thế nào chú cũng không tin. Tôi không hề nghĩ ngợi gì, chỉ vì xúc động trước hoàn cảnh của chú mà giúp đỡ, lại còn phải vay thêm tiền của bạn. Thế mà sau sự việc này tôi mang tiếng là giàu nhất vùng Yên Viên.
Quan niệm của tôi từ trước đến nay là nếu có thể giúp ai được gì thì làm và không bao giờ nghĩ việc đó sẽ mang lợi lộc gì cho mình hay không : đó cũng là điều mà sau này tôi luôn nhắc nhở các môn sinh. Tôi có nhiều bạn bè và luôn đối xử với họ hết lòng, có thể giúp đỡ được việc gì thì làm ngay không chờ đợi một sự đáp trả nào, nếu đó là người tốt và có ý chí. Tính cách này do tôi thừa hưởng từ sự giáo dục của gia đình. Bố tôi tuy nghèo nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. (Tôi còn nhớ, có lần người bà con nghèo phía bên họ ngoại bị lao phổi, từ Hưng yên ra Hà Nội chữa bệnh, đến tá túc nhà nào người ta cũng sợ, ngay cả chị em ruột cũng không muốn chứa chấp. Thế là bố tôi đón về nhà, ông cụ bảo rằng nhà vốn ít người, ai cũng khỏe mạnh cả, chỉ cần giữ gìn, ăn bát đĩa riêng, mà người bệnh cũng đã tự giữ mình không phải lo).
Tôi ít dạy võ nhưng vì được thầy thương, lại thêm một vài việc làm vô tình khiến tôi nổi tiếng, do đó cũng có nhiều người ganh tị. Tôi có một vài người bạn trong giới làm báo, có lần anh Nguyễn Cống, Tổng thư ký tờ báo Thời Luận phát hiện ra một bài viết ác ý phê bình tôi trên trang thể thao là trang mà bài vở đưa muộn nhất, anh ra lệnh bỏ bài đó nên phải in lại toàn bộ. Từ việc đó mà chúng tôi thân nhau. Tôi cũng viết bài, làm thơ, đăng trên các báo Giang Sơn và Tia Sáng. Một người làm báo khác thân thiết với tôi là anh Nguyễn Thạch Kiên vốn là anh em họ của tôi. Từ mối quan hệ này mà anh Bỉnh và tôi nảy ra ý định mở một nhà xuất bản.
Thời gian này tôi đang kiêm nhiệm chức vụ thủ quỹ trong làng, vì làng tôi có nhiều nhà cho thuê nên trong làng bầu ra Ban quản trị gồm những người trẻ để lo việc quản lý. Chức vụ chủ tich, phó chủ tịch hay thư ký không quan trọng, riêng thủ quỹ phải là người tin cậy và nhất là phải khá giả. Do mọi người đinh ninh rằng tôi rất giàu nên nhất trí bầu tôi làm thủ quỹ giữ một số tiền rất lớn. Người kiểm soát có một chìa khóa riêng và được quyền kiểm soát bất cứ lúc nào, nhưng ông tuyệt đối tin cậy tôi nên không kiểm soát, hoặc nếu cần luôn báo cho tôi biết trước. Do đó tôi có thể sử dụng tiền quỹ để góp vốn mở nhà in.
Anh Bỉnh góp vốn hai phần, tôi góp một phần vốn luân chuyển lập ra Nhà xuất bản Nguồn Sống do tôi đứng tên. Chúng tôi làm cả hai phần việc in và xuất bản sách báo trong nước. Tôi mua ba máy in của Đức, lãnh in sách báo, danh thiếp, xuất bản loạt sách truyện thiếu nhi lấy tên « Vui sống ». Công việc làm ăn phát triển tốt đẹp, nhưng chỉ mới hoạt động được sáu tháng thì ngưng vì năm 1954 tôi theo Sáng Tổ vào miền Nam. Tôi giao Nhà xuất bản lại cho anh Bỉnh nhưng anh không biết nghề nên đề nghị gởi toàn bộ máy móc vào Nam cho tôi. Tôi từ chối vì việc này quá phức tạp. Nhà xuất bản do tôi đứng tên, khi đi tôi không để lại giấy tờ gì, thế nhưng anh Bỉnh vẫn xoay sở bán được và chia tiền cho em kế tôi ở lại miền Băc là cô Xuất. Em tôi rất cảm động trước nghĩa cử này của anh Bỉnh.
Tháng 7 năm 1954 Sáng Tổ đưa gia đình vào miền Nam, lúc đó uy tín của ông đã khá lớn. Nghe tin ông vào đến Sài Gòn, các nhà văn có tiếng lúc bấy giờ trong số đó có Hồ Hữu Tường, Lê Văn Trương là ký giả của báo Đông Phương đón tiếp niềm nở. Ông Hồ Hữu Tường hỗ trợ cho thầy Lộc dạy võ tại tòa soạn báo Đông Phương ở đường Thủ Khoa Huân vào ban đêm.
Tháng 8/1945 theo chân Sáng Tổ tôi đưa mẹ và cô em út vào Nam, thế là một lần nữa gia đình tôi phải làm lại từ đầu.
Vừa bước chân xuống máy bay gia đình tôi đã được nhiều người mời tới ở nhà họ nhưng tôi từ chối. Nguyên do vì tôi đi cùng với gia đình hai người bạn, tuy không thân nhau lắm nhưng đã đi cùng với nhau từ ngoài Bắc vào đây, họ nghèo hơn tôi lại không quen ai nên tôi không muốn tách riêng.
Sau đó không bao lâu, một người quen với tôi mua căn nhà ở số 141 đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự)với giá rẻ là 70 ngàn đồng, anh mời gia đình tôi vê cùng ở chung, không đòi diều kiện gì cả, ngược lại anh nhờ bố mẹ tôi trông nom hộ các con của anh. Còn nếu tôi ngại, muốn chung tiền với anh mua nhà thì trả cho anh một nửa, gia đình tôi sở hữu một nửa căn nhà.
Nếu chỉ có gia đình tôi thì không thành vấn đề, nhưng vì có thêm cả hai gia đình kia nên tôi đề nghị anh bạn cho chúng tôi thuê, lấy tiền sòng phẳng với giá như người chủ cũ trước đây cho thuê là 500 đồng một tháng. Tôi ứng ngay tiền thuê sáu tháng là 3000 đồng, sau đó xin đóng từng tháng. Anh bạn tưởng tôi đùa nhưng tôi nhất định không chịu ở nhờ, sau cùng anh đồng ý nhưng đề nghị khi nào tôi đưa cho anh đủ 35 ngàn đồng thì sẽ chia đôi căn nhà cho gia đình tôi.
Thế là chúng tôi dọn về nhà đường Minh Mạng, tôi mở hiệu sách tại đây lấy tên là Nguồn Sống do mẹ tôi trông nom. Hai gia đình kia sau thời gian làm ăn khấm khá, lại được tôi phụ giúp nên họ mua được nhà trước cả tôi. Gia đình tôi sống ở đây đến năm 1968, khi đó số tiền thuê nhà vượt xa con số mà bạn tôi yêu cầu, nhưng tôi không nhận phân nửa căn nhà như anh đề nghị. Tính tôi trước nay vẫn thế. Mãi đến khi cô em út của tôi tốt nghiệp và đi dạy học, cô dành dụm được ít tiền rồi tôi phụ thêm vào một phần mới mua được đất ở đường Sư Vạn Hạnh cất nhà và chuyển về ở nơi này. Căn nhà số 31 đường Sư vạn Hạnh trước đây chỉ có hai tầng, đến năm 1992 được các võ sư miền Tây đóng góp tiền xây dựng thêm thành bốn tầng lầu và nay được sử dụng làm Tổ đường của môn phái Vovinam.
Ngay từ khi mới vào Sài Gòn, Sáng Tổ đã đứng lớp dạy võ và tôi làm trợ giáo, chủ yếu dạy cho một số thanh niên. Năm 1955 lần đầu tiên Vovinam biểu diễn tại nhà hát Norodom ở đường Thống Nhứt (nay là công ty xổ số kiến thiết đường Lê Duẩn) do tôi điều khiển. Lúc đó chưa có nhiều học trò giỏi, do vậy tôi điều khiển chương trình đến màn cuối xong phải lập tức vào thay võ phục để ra biểu diễn với Phan Dương Bình. Đấy là lần biểu diễn cuối cùng của tôi, sau đó tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo môn phái nên theo qui định không được biểu diễn nữa.
Thời gian ở miền Băc, tôi và hai người bạn chí cốt tuy say mê võ thuật nhưng lúc bấy giờ dạy võ không sống nổi, việc phát triển môn phái rất khó khăn vì không có cơ sở, nên chúng tôi tập trung lo buôn bán làm ăn để hỗ trợ cho Sáng Tổ toàn tâm toàn ý lo cho môn phái. Tuy vậy chúng tôi vẫn ôm mộng chờ dịp thuận tiện đứng ra thành lập võ đường riêng.
Đến khi Sáng Tổ vào Nam chỉ có mình tôi đi theo. Lúc bấy giờ Sáng Tổ tuy có uy tín, bắt đầu có nhiều môn sinh nhưng hoàn cảnh vật chất còn nhiều khó khăn nên chưa có Tổ đình hay võ đường riêng nên đành dạy lưu động hết nơi này đến nơi khác. Đặc biệt Sáng Tổ có tính nghệ sĩ, ít chú ý đến việc tổ chức qui củ lại thích bầu bạn đàm đạo với các nhà văn, nhà báo, nhà thơ thâu đêm suốt sáng. Còn tôi giống như người nội tướng, chuyên lo chuyện nội bộ.
Thời gian đầu mới vào Sài Gòn, thu nhập từ việc dạy võ của tôi chưa được nhiều, có nơi còn dạy giúp không lấy tiền, thành ra đời sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tôi vốn giỏi xoay sở, có khiếu buôn bán, nên đến lúc túng bèn tính cách làm ăn.
Thời đó vùng Xóm Mới Gò Vấp phát triển nghề làm pháo, mỗi dịp tết đến người dân thành phố tiêu thụ pháo rất nhiều. Tôi muốn đi buôn pháo nhưng vì không có vốn nên phải nghĩ ra một cách là phải sử dụng căn nhà mặt tiền đường Minh Mạng làm đại lý buôn sỉ và nhờ những người bạn làm ở các tờ báo đăng quảng cáo dùm. Thông thường gần đến tết, khoảng tháng chạp, thị trường pháo mới băt đầu sôi động. Tôi có cơ ngơi nhà cửa đàng hoàng nên được bạn hàng tin cậy hơn. Mặt khác họ ngại đến mua trực tiếp ở Xóm Mới vì ở đây là xóm lao động, nếu ứng tiền trước mà người sản xuất thình lình dọn đi nơi khác thì không biết tìm họ ở đâu.
Tôi lại tính giá rẻ, lúc bấy giờ một bánh pháo giá mua vào độ 30 đồng cho 100 cây, tôi bán sỉ chỉ có 29 đồng nghĩa là chấp nhận lỗ vốn nhưng cũng nhờ vậy mà tôi yêu cầu bạn hàng đặc cọc trước phân nửa số tiền vào tháng tám, đến cuối năm tôi mới giao hàng. Có được số tiền kha khá rồi tôi đến Xóm Mới tìm người làm pháo giỏi để hợp tác. Tôi đến gặp anh Nguyên là một người sản xuất pháo rất có uy tín, pháo đẹp và tiếng nổ giòn dã. Tôi đề nghị làm đại lý phân phối pháo và ứng trước cho anh một nửa số tiền.
Thời đó nghề làm ăn buôn bán nào cũng phải chờ đến cuối năm khi công việc mua bán nhiều mới có tiền ra tiền vào, chứ còn khoảng giữa năm thì hầu như ai cũng khó khăn. Tôi biết điều này nên lựa đúng vào tháng tám tới đề nghị ứng vốn trước thì được anh Nguyên sốt sắng đồng ý ngay.
Nhưng không ngờ một tuần lễ sau đó khu Xóm Mới bị một trận hỏa hoạn lớn, toàn bộ nhà cửa tại khu vực dân làm pháo bị cháy ra tro. Tôi nghe tin dữ vội đến xem tình hình thì thấy nhà anh Nguyên bị cháy hết không còn gì. Khi đó tôi mới biết không phải anh chỉ nhận tiền của mình tôi mà còn của vài người khác nữa. Chủ nợ đến đòi tiền , anh ta nói liều :
– Bây giờ các ông có bỏ tù tôi thì tôi đành chịu chứ tôi không có tiền trả cho các ông đâu.
Chờ cho mọi người về hết tôi nói với anh :
– Anh đừng ngại, tôi chỉ đến thăm anh thôi. Tôi không đòi lại số tiền đã ứng, coi như giúp đỡ anh trong cơn hoạn nạn.
Anh Nguyên vô cùng mừng rỡ, tôi nói thêm :
– Anh có muốn làm tiếp không thì tôi giúp vốn.
Anh lại càng cảm động hơn. Trước đây anh làm pháo có tiếng tăm, hỏi tiền ai cũng dễ, nhưng nay chẳng ai chịu đưa tiền cho anh vì người ta không tin nữa.
– Ông giúp được thì cháu đội ơn, cháu muốn làm lại nhưng bây giờ ai mà chịu đưa tiền cho cháu.
Tôi hứa tuần sau sẽ mang tiền lên cho anh. Sau vụ cháy, mặt hàng pháo lên giá, tăng đến 40 đồng thay vì 30 như trước đây. Tôi nhờ bạn bè đăng báo quảng cáo lần nữa, giá pháo lên 40 đồng thì tôi chỉ bán 38, 39 đồng. Bạn hàng đổ xô đến đặt cọc được mấy chục ngàn, vậy là tôi có tiền đưa cho anh Nguyên.
Cũng như lần trước tôi giúp cho ông chú hàng xóm một số tiền lớn, lần này tôi cũng nổi tiếng trong giới làm pháo. Lúc bấy giờ cả làng pháo ở Xóm Mới nhiều người không còn vốn để sản xuất, cung ít cầu nhiều nên tôi lợi to, lấy lại cả vốn mà còn được lãi nhiều. Anh Nguyên cảm động về cách cư xử của tôi nên giao cho tôi độc quyền. Đặc biệt lúc này những người bên họ ngoại tôi ngoài Bắc mới vào phần đông còn nghèo, tôi biếu pháo cho vài cụ bán lẻ cũng có tiền tiêu nên càng quý tôi.
Thật ra trong việc này cũng nhờ may mắn một phần, chứ hồi đó mà thêm một đám cháy nữa thì bản thân tôi cũng khốn đốn theo. Sau đợt này tôi mua được chiếc xe Lambretta đầu tiên kể từ khi vào Sài Gòn.
Về phần Sáng Tổ, từ khi vào Nam dạy võ ở tòa soạn báo Phương Đông cho đến khi ông Hồ Hữu Tường bị bắt, tờ báo đóng cửa. Trước đó ông Tường cho mượn chỗ dạy không phải trả tiền, nay nếu tiếp tục dạy phải trả tiền thuê nhà rất cao, đúng lúc đó Sáng Tổ lâm bệnh nên nghỉ dạy. Sáng Tổ có một người em trai rất giàu, sở hữu một đồn điền trà lớn ở Blao, có khách sạn sang trọng ở Long Hải và tòa nhà cao ốc « Everest » ở đường Nguyễn Văn Tráng, nên sẵn lòng cưu mang anh mình.
Riêng tôi trước nay theo Sáng Tổ vì tình nghĩa thầy trò, cố gắng đỡ đần thầy trong khả năng của mình chứ không hề nhận sự giúp đỡ nào về tiền bạc. Vì thế nay tôi cũng muốn tự lực cánh sinh chứ không nhờ vả đến người em của Sáng Tổ dù ông sẵn lòng. Đó là một trong những niềm tự hào của tôi từ trước đến nay.
Sang năm 1957 thầy Lộc mệt nhiều nên ủy nhiệm cho tôi điều khiển môn phái. Nếu tiếp tục buôn pháo có lẽ tôi sẽ làm giàu nhanh chóng. Năm trước đang trắng tay mà tôi còn làm được, nay đã có uy tín thì chắc càng dễ hơn. Nhưng tôi quyết tâm hướng về con đường võ thuật nên bỏ hết chuyện làm ăn. Trước đây chỉ dạy phụ thầy, tôi có thể buôn bán thêm được, bây giờ phải thay ông điều hành môn phái nên tôi không còn thì giờ nữa. Khi thầy còn khỏe, tôi phụ tá nên còn có thể đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ, nay tôi thay thầy thì đành phải dẹp chuyện học hành, đó là điều tôi tiếc nhất.
Những năm trước Sáng Tổ có tiếng tăm nên được nhiều tổ chức mời dạy võ, nhân sĩ miền Nam nghe tiếng đến xin thụ giáo rất đông, dần dần họ giới thiệu dạy cho nhiều nơi. Khi sức khỏe Sáng Tổ bắt đầu sa sút, các lớp dạy võ cho quân đội đều giao cho tôi đảm trách. Tại Sài Gòn tôi dạy võ cho lớp sĩ quan Hiến binh thuộc Bộ tư lệnh Hiến binh ở đường Lý Thái Tổ, còn ở Thủ Đức tôi dạy cho tân binh ở Trung tâm huấn luyện Hiến binh. Tại đây tôi quen với Đại tá Hiến binh Trần Văn Thoàn, ông này cũng là Phó chủ tịch Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam (quyền Anh). Lúc bấy giờ trong miền Nam chỉ có một Tổng cuộc duy nhất. Tổng cuộc này do người Pháp điều khiển. Chủ tịch và Tổng thư ký đều là người Pháp.
Năm 1956, khi Tổng cuộc chuyển sang phía Việt Nam, ông Trần Văn Thoàn được cử làm Chủ tịch. Ông giới thiệu tôi với các võ sư trong Nam và anh em tín nhiệm dồn phiếu bầu tôi làm Tổng thư ký đầu tiên.
Thực ra Tổng cuộc Quyền thuật chỉ phụ trách các môn võ thượng đài như quyền Anh hay võ Cổ truyền (võ tự do), nhưng vì đây là tổ chức võ thuật duy nhứt có tính cách pháp lý, do vậy những môn võ khác muốn mở lớp dạy chính thức và công khai không biết phải xin ai nên đành phải gõ cửa nơi này. Tôi cấp giấy chứng nhận cho các võ sư bằng cách dùng chữ trong văn bản rất khéo : « Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam công nhận võ sư này có thể điều khiển phòng tập võ với những điều kiện dưới đây : phải xin phép chính quyền địa phương, phải bảo đảm điều kiện vệ sinh… »
Có được giấy chứng nhận này các nơi dạy võ thuật mới có thể xin giấy phép để hoạt động. Trước đây điều lệ của Pháp rất khó, muốn mở lớp dạy võ phải hội đủ nhiều điều kiện như phòng ốc phải thoáng mát, quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu, trong nhà phải có mấy phòng vệ sinh, phòng tắm…Phòng tập của người Việt Nam khó đáp ứng được những điều kiện đó nên không bao giờ xin được phép cả.
Lấy tư cách Tổng thư ký, tôi can thiệp với các giới chức thể thao, đến gặp cả ông Tổng giám đốc Thanh niên và Đô trưởng Sài Gòn trình bày rằng bây giờ Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam thường xuyên tổ chức võ đài thì các võ sĩ phải có nơi tập luyện, khi tập xong họ về nhà tắm rửa sau, không cần phải ràng buộc điều kiện vệ sinh gắt gao đối với các phòng tập. Tôi cho rằng nên tạo điều kiện dễ dãi cho họ vì nếu không cho phép mở võ đường thì họ lén lút dạy riêng, khi đó thì nhà chức trách càng không kiểm soát được. Kể từ đó Vovinam cũng như các môn võ khác như Judo, Taekwondo mới bắt đầu phát triển.
Lúc nhận nhiệm vụ Tổng thư ký tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về việc điều hành nên phải tự học hỏi mà làm. Tôi nhận thấy các võ sư nổi tiếng đều nghèo vì thường chỉ chú trọng đến chuyên môn mà không biết khai thác tài nằng của mình để phát triển sự nghiệp, chưa kể nhiều người có cách sống thoải mái, chi tiêu bừa bãi. Do đó việc đầu tiên tôi chú trọng là tìm cách giúp cho một số võ sư sống được bằng chính nghề võ. Chẳng hạn như trường hợp ông Kid Dempsey Nguyễn Văn Phát là người Việt Nam trước đây đi lính bên Pháp từng thượng đài và đoạt giải nhì ở Pháp về quyền Anh ; Ông Ngọc Thôi (người miền Nam), ông Văn Hoán là võ sư từ ngoài Bắc vào. Ba ông này rất giỏi nhưng lại nghèo, tôi giúp đỡ họ bằng cách kêu gọi Mạnh thường Quân bỏ tiền ra tổ chức võ đài quyền Anh. Nhờ vậy mà họ có được thu nhập, đời sống vững vàng để chuyên tâm vào việc đào tạo lớp kế thừa, việc này phải do chính họ đảm đương chứ tôi không trực tiếp làm được. Bên võ thuật cổ truyền có ông Lư Hòa Phát rất giỏi mà lại nghèo cũng được tôi giúp.
Mặc dù thời gian này cuộc sống của bản thân và gia đình tôi rất khó khăn, nhưng trong cương vị mới tôi thấy mình có trách nhiệm phải lo cho đời sống các anh em trước và sẵn sàng chịu thiệt nhiều mặt. Chẳng hạn thời gian này vì mới vào Nam chưa được bao lâu, tôi cần tổ chức những buổi biểu diễn, vừa được tiền, vừa thu hút thêm học trò. Trên cương vị Tổng thư ký thì điều này đối với tôi thật dễ dàng nhưng tôi luôn từ chối để nhường cho các anh em khác. Tôi cũng thèm được tổ chức biểu diễn lắm, nên những khi có ai thật tình qúi mình mà ngỏ lời mời thì tôi nhận lời ngay, như có lần tôi đã nhận lời võ sĩ Huỳnh Tiền là một võ sĩ quyền Anh nhưng sau lại cho con đi học Vovinam). Còn những người mời tôi chỉ vì vị nể tôi là Tổng thư ký thì tôi từ chối thẳng thừng. Anh Huỳnh Tiền thường tự hào khoe với mọi người :
– Không ai mời ông Sáng cho biểu diễn Vovinam được ngoài tôi.
Trong việc điều hành tôi xử sự linh động tùy từng trường hợp nên các võ sư nổi tiếng thời ấy đều rất nể trọng xem tôi là bậc đàn anh. Thật ra tôi chỉ giỏi môn võ Vovinam nhờ đó mà uy tín chứ ngoài ra tôi không rành về các môn võ khác, nhưng tôi biết rõ khả năng từng người và sử dụng đúng chỗ, phát huy được ưu điểm của họ nên họ nghe theo.Do đó mà những chuyên viên chưa hẳn là những người lãnh đạo tốt, nếu chỉ dựa vào cái giỏi của mình thì không chắc sẽ thành công, mà quan trọng là phải biết sử dụng tài năng của người khác.
Năm 1960 tôi lại là Tổng thủ quỹ của Ủy hội thế vận Việt Nam (còn gọi là Ủy hội Olympic). Có một điều rất lạ là tôi tuy nghèo nhưng làm việc ở đâu cũng được chỉ định giữ tiền, có lúc tiền quỹ lên đến gần mời triệu là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Làm Tổng thư ký Tổng cuộc Quyền thuật trong suốt sáu nhiệm kỳ, từ năm 1958 đến năm 1970 thì tôi xin từ nhiệm do bận bịu nhiều việc trong môn phái Vovinam.
Riêng về các lớp võ Vovinam, năm 1957, anh Hóa – một người bạn quen biết từ ngoài bắc – mời tôi dạy võ tại trường của anh vào buổi tối, có trương bảng hiệu « Võ đường Vovinam » đàng hoàng. Sở dĩ anh mời tôi là vì trước đó tôi đã can thiệp giúp anh giải quyết một việc rắc rối. Lúc bấy giờ chưa có luật lệ rõ ràng, ai đến chiếm khu đất nào thì cứ việc cất nhà cửa rồi tìm cách hợp thức hóa giấy tờ là xong. Anh Hóa chiếm một khu đất xây dựng mở trường dạy học ở đường Trần Khánh Dư, Tân Định, khi bắt đầu xây dựng thì bị địa phương làm khó dễ. Thời gian này tôi đang dạy võ cho Bộ tư lệnh Hiến binh nên có quan hệ tốt với các cấp chức trách, tôi đã nhờ ông Đô trưởng sài Gòn can thiệp thành công.
Ngoài ra một thầy Đông y sĩ có nhà ở đường Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang cũng mời tôi mở lớp dạy võ tại đây.
Sang năm 1958, một người bạn của tôi tên là Lý Trung Hòa – người Việt lai Trung Hoa – vốn là ký giả ở Hà Nội, khi vào Sài Gòn cũng tiếp tục làm báo, mời tôi phụ trách lớp võ dạy cho các nhà văn, nhà báo cũng như rất nhiều người Hoa. Anh giúp đỡ tôi bằng cách giới thiệu cổ động trên báo. Anh cũng liên hệ với các ngân hàng của người Hoa để họ mời tôi dạy võ cho toàn bộ nhân viên của ngân hàng. Sau đó anh Hòa còn thuê giúp cho tôi một gian phòng lớn – trước đây là một vũ trường rất đẹp tại tầng lầu hai một ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo – của người bà con để làm võ đường.
Năm 1959 bố tôi qua đời, gia đình tôi chỉ còn ba mẹ con sống đạm bạc theo kiểu con nhà võ. Mẹ tôi rất khéo xoay sở trong gia đình, mùa nào thức ấy, đi chợ luôn chọn mua những thứ đúng mùa, vừa rẻ lại ngon và bổ. Tôi học theo lối sống của bà cụ, ăn theo mùa, cuộc sống thoải mái mà không tốn kém.
Thời kỳ này chính quyền Ngô Đình Diệm cấm mọi hoạt động của võ thuật nhưng tôi vẫn tìm cách xoay sở mở được võ đài nên các võ sĩ rất quý tôi. Tất nhiên tôi không tổ chức ở Sài Gòn vì nơi đây gần các cơ quan Chính phủ mà chuyển xuống các tỉnh, riêng việc này đã chiếm nhiều thì giờ của tôi rồi.
Tôi nhân danh Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho các võ sư có khả năng tổ chức võ đài với điều kiện phải xin phép chính quyền địa phương, phải dóng thuế đầy đủ. Rồi tôi liên hệ với các địa phương, lúc bấy giờ viên tỉnh trưởng thường là người của quân đội, mang cấp bậc đại tá hoặc trung tá, rất có thế lực ở địa phương nên mạnh dạn ký giấy phép cho. Tôi lại dặn dò những bạn bè ký giả thể thao khoan đề cập đến những trận đấu này trên mặt báo, đợi sau khi tổ chức xong rồi muốn nói gì thì nói. Nhờ vậy mà các võ sư còn phương cách sống để có thể tiếp tục duy trì môn phái.
Năm 1960 môn phái Vovinam chịu một cái tang lớn : vào ngày 30 – 4 (nhằm ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tý) Sáng Tổ qua đời, hưởng dương 49 tuổi, để lại vợ và chín người con gồm ba trai và sáu gái.
Chúng tôi an táng Sáng Tổ tại nghia trang Mạc Đỉnh Chi. Ngày tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã thay mặt toàn thể môn sinh đọc lời vĩnh biệt :
Anh Nguyễn Lộc !
Tử sinh ai cũng một lần, nhưng chúng em cũng như toàn thể môn sinh Vovinam thật không ngờ lại sớm có cái giờ phút đau đớn này.
Nhớ thủa xưa, khi nước nhà còn trong vòng nô lệ, nặng mang bầu máu nóng sục sôi, anh đã tách ra khỏi lứa bạn đời mê mải để dấn thân vào hướng đường cao đẹp.
Với trí óc suy tư siêu việt, anh đã dung hòa tinh túy của các nền võ thuật cổ kim Âu-Á để sáng tạo cho nước nhà một môn võ hợp thời riêng biệt.
Rồi qua bao thời gian biến đổi, anh đã quảng bá môn võ thuật do anh sáng tạo, truyền sức sống quật cường mãnh liệt cho bao thế hệ thanh niên để gây thành phong trào khỏe của những lớp người biết hãnh diện với dòng máu anh dũng chảy trong huyết quản mà tin tưởng yêu đời, tau dồi nhân cách.
Tổ quốc bởi anh mà thêm phần rạng rỡ.
Thanh niên vì có anh mà khỏi ngơ ngác, bơ vơ.
Và do đó, danh anh đã từng vang khắp đất nước, suốt từ Bắc vào Nam có hàng triệu môn sinh.
Thời Pháp, thực dân đã phải e dè anh, tìm đủ mọi cách cũng không thể mua chuộc nổi anh ; thời Nhật, phát xít cũng không lung lạc được anh bằng tiền tài hay bằng danh vọng. Và trong suốt thời gian đất nước chuyển mình, anh đã hiến cho dân tộc một khí giới sắc bén nhất để tin tưởng trong công cuộc bảo vệ non sông gấm vóc. Nhưng bao giờ cũng vậy, anh vẫn đứng ngoài vòng kiềm tỏa với đời sống hiên ngang tự lập và mục đích duy nhất : đào tạo từng thế hệ thanh niên khỏe mạnh hoàn toàn về tinh thần và thể xác.
Thế mà trời xanh kia sao nỡ oái oăn, sớm vội cất anh đi cho bao người mến tiếc !
Hỡi ơi ! Anh Nguyễn Lộc !
Điếu anh không khỏi nghẹn lời, này thân quyến anh đây, nghẹn ngào nhỏ lệ, Nọ học trò anh đó, đau lòng tử biệt sinh ly.
Chúng em khóc anh, cảm vì nghĩa thầy trò thắm thiết ;chúng em khóc anh, cảm vì ơn tri ngộ sâu xa, anh đã coi chúng em như những nghĩa đệ, đối xử với chúng em như tình máu mủ ruột rà.
Giờ đây, thực anh không còn ở nơi tần thế, thể xác anh đã mất, song tinh thần anh vẫn còn, và sẽ còn mái mãi trong các em, trong các thế hệ mai sau, trong lòng người và trong lịch sử.
Trước thế nào, sau thế ấy, chúng em nguyện sẽ noi gương anh, không phụ lòng anh ủy thác, tiếp tục xây đắp nền võ đạo cho dân tộc.
Anh Nguyễn Lộc!
Cái sống của anh đã làm vẻ vang cho đất nước thì cái chết của anh cũng chỉ có nghĩa là đã truyền sinh lực hết cho các em, rồi đến lượt các em lại kế tiếp truyền sinh lực cho giống nòi, cho lớp người mai hậu.
Cùng với hồn thiêng sông núi, các em tin rằng anh sẽ còn mãi mãi bên các em để dìu dắt, nhắc nhở các em làm tròn phận sự.
Hởi ơi ! Anh Nguyễn Lộc !
Giờ phút này, quây quần quanh đây, một thiểu số các em xin nghiêng mình trước linh cữu anh để bái biệt và cầu nguyện cho anh, hồn anh được thảnh thơi nơi Non Bồng Nước Nhược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét