Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

ĐOAN NGỌ NGÀY TẾT THUẦN VIỆT

(Nét văn hoá truyền thống của Việt tộc)

Đoan Ngọ là cái tết truyền thống thứ hai trong âm lịch của người Việt chúng ta - đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi hầu hết con người gắn bó với ruộng đồng qua canh tác và chăn nuôi quanh năm vất vả, nhọc nhằn. Đoan ngọ cũng là một dịp để người nông dân nghỉ xả hơi. Về phương diện thời tiết, Tết Đoan Ngọ nhằm vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch, thuộc tiết Đại Thử ( rất nóng), vào tháng này thường sinh ra một số bệnh liên quan đến cái nóng oi bức ở xứ ta.
Tết Đoan ngọ người Việt nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại trùng với ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ, nên trong kho tàng ca dao chúng ta có câu:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang


Tết Đoan ngọ Việt Nam có khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống). Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết. Sách Lễ tết Trung Hoa (Chinese Festivals, N.Y. 1952) của W. Eberhard có viết “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living” ).

Tác giả Trung Hoa tên là Nghê Nông Thủy (2011) cũng khẳng định “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” (Hội Dân tục học Trung Quốc 2011). Vì ngày Đoan ngọ mở đầu quãng thời tiết nắng nóng oi bức, dân chúng nhiều người bị bệnh, cho nên dân chúng đã tổ chức cúng vái để cầu được bình yên, tránh các trắc trở do thời tiết gây ra.

Người Trung Hoa từng xâm lược và thống trị VN 1000 năm, từng đốt hết các sách vở và đưa nền văn hoá Đại Hán vào VN nhằm hán hoá Việt tộc, vì thế những lễ tết truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang nhiều nét tương đồng, nhất là các đặc trưng chung của cả khu vực Á Đông. Phần lớn về nguồn gốc, thì các ngày lể tết đã phát triển trên nền tảng của nền văn minh lúa nước Hoà Bình, do đó bên cạnh những đặc trưng chung còn thể hiện những đặc điểm mang bản sắc của văn hóa bản địa. .
Người Việt Nam và Trung Hoa đều coi tết Đoan ngọ là cái tết quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán ( người Trung Hoa gọi là tết Xuân). Người Việt Nam còn gọi tết Đoan ngọ là tết Nửa năm, tết Đoan dương, tết Trùng ngũ v.v., Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm.
Ca dao Việt Nam có câu:


“Tháng tư đong dậu nấu chè
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”


Nhưng người Trung Hoa gọi bằng nhiều tên gọi hơn người Việt, chẳng hạn Đoan ngũ 端五, Đoan tiết 端节, Ngũ nguyệt ngũ 五月五, Ngọ nguyệt ngọ 午月午, Trùng ngũ 重五, Trùng ngọ 重午, Địa lạp地蜡, Ngũ nguyệt tiết 五月节, Thiên trung tiết 天中介, Long chu tiết 龙舟节, Tung tử tiết 粽子节, Dục lan tiết 浴兰节, Nữ nhi tiết 女儿节, Ngải tiết 艾节v.v., người Trung Hoa không có cái tên gọi là tết Nửa năm như người Việt chúng ta.
Ngày 5 tháng năm gọi là Đoan Ngo. Vì chữ "Đoan" có nghĩa là chính, là thẳng, là mở đầu. Có khi gọi là Đoan Ngũ vì có hai số 5. Người ta còn gọi là Đoan Dương hoặc Trùng Ngũ. Gọi là Đoan Dương vì số 5 thuộc dương. Thời tiết vào dịp mồng 5 tháng năm rất nóng, ở Á châu (đặc biệt Trung Hoa và Việt Nam) đây là thời điểm khí hậu nóng, côn trùng và sâu bọ sinh sản rất nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta con xem Tết Đoan Ngọ là "ngày giết sâu bọ" (Bắc Phần Việt Nam)
Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp tức thì sâu khi họ ngủ dậy.
Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng.
Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ họ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma.
Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan (开) nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ (午) chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm là tháng Ngọ (tháng giêng là tháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật” (五日trong đó “ngũ”(五/wu/) đồng âm với “ngọ” (午/wu/), cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ (端五). Như vậy, ngày Đoan ngọ là thời điểm mở đầu những ngày nóng nhất của tháng nóng nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương). Ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông lịch, do vậy tết Đoan ngọ báo hiệu mùa nóng quay về. Ngày trước người Việt Nam xứ kinh kỳ gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoannhất, mồng 2 là Đoan nhị, cho đến ngày mồng 5 là Đoan ngũ


Tết Đoan ngọ Đông Á (Trung Hoa, Đại hàn, Nhật Bản, Việt Nam đều mang ý nghĩa cho những nhu cầu thực tế như là được nghỉ ngơi, giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe, ăn uống (một nhu cầu thực tế); củng cố đoàn kết dòng tộc, cộng đồng, tạo dựng ý thức dân tộc ( nhu cầu về tâm lý xã hội); và cả gắn kết các thế hệ vượt không gian và thời gian (nhu cầu về tâm linh). Phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam và Trung Hoa đều thể hiện phong phú và sâu sắc ở cả ba nhu cầu ấy, song về địa lý khác nhau nên sự thể hiện ở mỗi nơi mỗi khác.
Việt Nam là xứ nóng, và do vậy văn hóa truyền thống Việt Nam thuộc kiểu văn hóa chống nóng. Là chủ nhân của nền văn hóa lúa nước, người Việt Nam tận dụng nước và môi trường nước để sinh tồn. Người Việt cổ đã biết kết hợp hai thứ ấy đã tạo ra nền văn minh lúa nước thuần túy ở Việt Nam củng là cái nôi văn minh của thế giới.
Văn hóa chống nóng ở Việt Nam thường diễn ra liên tục trong năm. Hơn ai hết, người Việt Nam cảm thụ được cái nóng và hiểu tác động của sức nóng. Qua hàng ngàn năm lịch sử, người Việt Nam đã quen với cái nóng, cũng vì thế họ rất linh hoạt trong cách thức giải trừ tác hại của nhiệt. Để chống nóng thì cần đến nước. Nước hiện diện trong mọi phương diện của đời sống người Việt, từ truyền thuyết-thần thoại (Sơn Tinh-Thủy Tinh, Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân-Âu Cơ..), ngôn ngữ, văn học đến tín ngưỡng (thờ Bà Thủy), kinh tế (lúa nước, chợ nổi, dân thương hồ v.v.). Trong phong tuc tết Đoan ngọ, các hoạt động chống nóng và tận dụng nước thể hiện sống động nhất.

TRUYỀN THUYẾT TẾT ĐOAN NGỌ VIỆT.

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo đến dày đặc ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ chết hết. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ

TRUYỀN THUYẾT KHUẤT NGUYÊN CỦA TRUNG HOA

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được,lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh,lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

ẨM THỰC NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

Ở Việt Nam, ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của phong tục tết Đoan ngọ là "Giết sâu bọ". Theo quan niệm xưa, trong bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ (giun, sán ký sinh), nếu không trừ đi sẽ sinh sản ngày một nhiều hơn và gây tai hại. Thế nhưng nhưng giết sâu bọ không phải là chuyện dễ dàng và không phải vào bất cứ thời gian nào. Chỉ đến ngày mồng 5 tháng năm chúng mới ngoi lên, là cơ hội quan trọng để trừ khử. Người ta dùng thức ăn để giết sâu bọ, nhất là rượu nếp (giết giun sán) và hoa quả (tăng cường vitamin). Mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất, phải súc miệng 3 lần cho sạch, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc, rồi bước chân ra khỏi giường, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, ăn tiếp trái cây cho sâu bọ chết. Các gia đình truyền thống thường phải ăn ít nhất một bát rượu nếp, một bát thạch quả, rồi đến trái cây tươi như mận, muỗm, sấu, đào, roi.. Có nơi uống một ly rượu có pha một ít tam thần đơn để tiêu độc. Trẻ con được bôi một lớp bột thần sa, hùng hoàng hay chu sa vào hai bên thái dương hoặc ở bụng. Một số nơi còn cho trẻ con uống một ít thần sa. Nhiều gia đình pha hùng hoàng với rượu để uống.


Ngày nay, nhiều gia đình Việt Nam ở nông thôn lẫn thành thị vẫn ăn cơm rượu, ăn trái cây và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Trong văn hóa Việt Nam, chính tết Đoan ngọ mới đích thực là tết Hàn thực vì thức ăn (cơm rượu, trái cây) hầu hết là thức ăn nguội, mang tính hàn để chống nóng. Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, những món ăn cũng khác nhau. Ở miền Bắc, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu. Cơm rượu chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái", rải để nguội. Dùng men làm rượu giã nhỏ, cho cả hai thứ vào âu (bình thủy tinh, sứ…) theo nguyên tắc một lớp men, một lớp cơm xen lẫn. Ủ 3 - 4 ngày, hỗn hợp này sẽ ra nước, tức là đến lúc chín, có thể ăn.

Đặc biệt cơm rượu nếp cẩm có tác dụng làm hạ nồng độ cholesterol có hại trong cơ thể, hỗ trợ giảm cân rất tốt.
Cơm rượu nếp cẩm có chứa nhiều sắt, ăn vào giúp tăng cường hồng cầu, tăng lượng máu đến nuôi dưỡng các tế bào da. Ăn món ăn này, da dẻ thường sẽ hồng hào, sáng hơn.
Ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp vừa giúp bồi bổ cơ thể, vừa ngăn ngừa đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ và tăng huyết áp. Ngoài ra, cơm nếp giúp kích thích tiêu hóa, rất thích hợp để bồi bổ cơ thể người mới ốm dậy, người chán ăn hoặc mắc các chứng rối loạn tiêu hóa.
Người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ sau khi sinh ăn cơm rượu nếp đều rất tốt.


PHONG TỤC HÁI THUỐC TRONG NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

Phong tục đi hái thuốc ngày 5 tháng năm, có ở cả Việt Nam và Trung Hoa, được cho là bắt nguồn từ vùng Hoa Nam (Bách Việt cổ). Mỗi loại thảo mộc đều có dược tính riêng, và giờ Ngọ ngày Đoan dương được tin là thời khắc dược tính đạt mức cao nhất. Các loại thảo mộc được hái nhiều nhất trong ngày này là trà, ngãi cứu, đinh lăng, rau ngò, lá mua, ích mẫu, tử tô, kinh giới, lá bưởi, lá cam, tỏi, gừng, trầu không, bồ công anh, sen, vối, lạc tiên v.v., tương tự nhau ở cả Việt Nam và Trung Hoa. Các loại lá được mang phơi khô, mỗi khi người nhà bị bệnh người ta mang đi sắc thuốc mà dùng. Nhiều làng ở ven rừng, cư dân tổ chức đi hái lá rất đông vui, cứ như một ngày hội lớn.
Ngoài ra người Việt còn treo ngãi cứu bảo vệ sức khỏe. Cây ngãi cứu có dược tính khu phong giải độc, người bị nhức đầu có thể lấy lá ngãi cứu đắp hai bên thái dương sẽ khỏi bệnh. Ngày Đoan ngọ, người ta lấy lá ngãi cứu treo trước cửa nhà tránh đau ốm và để trừ tà. Dân gian canh từng năm thuộc địa chi gì thì bó ngãi cứu thành hình dáng của con vật cầm tinh năm ấy, chẳng hạn năm Tý thắt hình con chuột, năm Sửu thắt hình con trâu v.v.. Xét ở khía cạnh khoa học, ngày 5 tháng năm người ta ăn nhiều rượu nếp và trái cây có thể sẽ cảm thấy khó chịu, mùi lá ngãi cứu treo trên cửa nhà sẽ giúp cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời còn giúp làm giảm bớt sức nóng của ngày Đoan dương. Bó ngãi cứu được treo rất lâu sau ngày Đoan ngọ vì công dụng thực tế ấy của nó. Ở Trung Quốc, ngoài ngãi cứu còn có lá chương phổ chương phổ, cành đào.

KẾT LUẬN

Phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam phát xuất từ các vùng sản xuất nông nghiệp qua quá trình sống và đối phó với thiên nhiên. Do vậy, sự ra đời của phong tục tết Đoan ngọ trước hết là đáp ứng nhu cầu chống nóng để bảo vệ sức khỏe. Tết Đoan ngọ là một phong tục “bình dương kiện âm”, “dĩ hàn khứ nhiệt”, “dùng thủy trị hỏa” mang tính chất tự phác gắn liền với văn hóa dân gian. Theo thời gian, phong tục này gắn thêm các ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội và quan niệm tâm linh, biến tết Đoan ngọ thành một phong tục văn hóa thể hiện sâu sắc các đặc trưng văn hóa dân tộc.
Ở văn hóa Việt Nam, xã hội nông nghiệp nông thôn và nếp sống tập thể làng xã đã đúc khuôn quan niệm nhân sinh, lối sống và tư duy, do vậy phong tục tết Đoan ngọ gắn liền với tính nhân văn như trọng tình, trọng nghĩa trong quan hệ giửa người và người trong sinh hoạt dân dã. Tết Đoan ngọ đơn giản là dịp sinh hoạt cộng đồng, là lúc thiết lập hay củng cố các mối quan hệ xã hộilàng xóm theo chiều ngang, hoàn toàn phù hợp với cấu trúc xã hội truyền thống của Việt Nam.
Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn tổng hợp khác nhau, người viết chân thành cám ơn các tài liệu và hình ảnh được sưu tầm có đính theo bài viết này

Võ Thị Linh 9/6/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét