Vào thời điểm này, nhiều người Việt Nam lại có thể Bấmtrông đợi vào Hoa Kỳ như một sức mạnh có khả năng quân bình tương quan lực lượng ngoài Biển Đông.
Có thể lắm, nếu đó là vì quyền lợi của Hoa Kỳ.
Trong khi chờ đợi, hãy nhìn lại trang sử cũ, khi Hoa Kỳ dùng Việt Nam làm bàn đạp để nói chuyện với Trung Quốc. Rồi cho bàn đạp này tuột xuống biển.
Sách mới của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, cuốn "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" có thể giúp cho một cái nhìn về giai đoạn đó.
Xin nhắc lại rằng ngay từ cuối năm 1967 - trước khi tranh cử Tổng thống năm 1968 - ông Richard Nixon đã viết trên tờ Foreign Affairs (số tháng 10) rằng:
"Về lâu dài [Hoa Kỳ] không thể mãi mãi để Trung Quốc nằm bên ngoài cộng đồng các quốc gia để nghiền ngẫm sự hoang tưởng, ôm ấp hận thù và đe dọa các nước láng giềng".
Sau khi đắc cử, ông thận trọng chuẩn bị việc giải vây và kéo Trung Quốc ra khỏi tình trạng bế quan toả cảng, để sẽ đứng cùng phe với Hoa Kỳ.
Mục đích của Nixon là giải toả tình trạng cô lập của quốc gia đông dân nhất địa cầu - khi đó có hơn 500 triệu dân - hầu lập thế liên minh Mỹ-Hoa trong mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Xô viết.
Ông thành công mỹ mãn, với cái giá là đẩy một đồng minh là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra khỏi Liên hiệp quốc.
Còn đồng minh kia, "tiền đồn thế giới tự do" là Việt Nam Cộng Hoà, thì bị đẩy xuống biển. Câu chuyện ấy khiến người ta cần nhìn lại để còn nhìn tới.
Là Giáo sư danh dự về kinh tế học tại Howard University ở thủ đô Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tiến Hưng từng làm Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hoà.
Khi miền Nam hấp hối, ông được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao cho các mật thư cam kết của Tổng thống Nixon và phái đi vận động viện trợ của Hoa Kỳ mà không thành.
Có lẽ đây là lần đầu mà một cách gián tiếp độc giả có thể nhìn ra tâm tư của ông Thiệu
Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa
Tỵ nạn từ năm 1975, ông vừa dạy học vừa thu thập các chứng liệu về mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng Hoà với Hoa Kỳ, và đã xuất bản ba cuốn sách. Thứ nhất là cuốn "The Palace File", xuất bản năm 1986, được Cung Thúc Tiến dịch sang Việt ngữ thành "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", kể lại sự bội tín của Hoa Kỳ với miền Nam tự do.
Cuốn thứ hai xuất bản năm 2005, "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", nói rõ hơn về những tình tiết của sự bội phản.
Cuốn thứ ba sẽ ra mắt ngày 16 tháng 5 này tại California nói về khung cảnh lịch sử đó và về tâm tư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Mỗi cuốn lại cung cấp thêm những văn kiện đã được Hoa Kỳ giải mật hoặc được tác giả sưu tập và kết hợp thành một chuỗi dài của thảm kịch.
Số phận miền Nam
Cuốn "Tâm Tư Tổng thống Thiệu", dày hơn 700 trang với rất nhiều tài liệu mới, được Thư khố Hoa Kỳ giải mật sau này và đặc biệt là 150 trang tài liệu Anh ngữ để giới trẻ tham khảo.
Riêng tựa đề cuốn sách cũng khiến tác giả đắn đo vì Nguyễn Tiến Hưng vừa muốn trình bày những dữ kiện lịch sử về miền Nam, về Tổng thống Thiệu và về chính sách Hoa Kỳ với Việt Nam, nhưng cũng đề cập tới tâm lý và con người của ông Thiệu, một nhân vật ông có nhiều chia sẻ riêng tư trước khi ông Thiệu tạ thế vào năm 2001.
Bố cục cuốn sách gồm bốn phần và một lời kết về thân phận Việt Nam.
Trong phần một, tác giả trình bày một số diễn tiến dẫn tới việc Tổng thống Thiệu phải từ chức và rời Việt Nam.
Độc giả có dịp tìm hiểu những uẩn khúc trong các quyết định rút quân, nào Đà Nẵng, Huế, Pleiku, hay những hy vọng bừng sáng sau trận Xuân Lộc, rồi những vận động bên trong để cố cầm cự cho tới khi miền Nam thực tế bị bức tử. Rồi bị giao nộp gần như nguyên vẹn cho Cộng sản Bắc Việt.
Phần hai mới truy nguyên lên chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam từ thời Tổng thống Lyndon Johnson đến Richard Nixon. Lồng bên trong là những tính toán của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Con đường đối thoại giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh thực ra mở đầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ đóng cửa Sài Gòn để mở cửa vào Bắc Kinh.
Kết luận là bốn năm hoà đàm để đưa tới Hiệp định Paris năm 1973 chỉ là hư vô - vô ích.
Trong phần ba, tác giả Nguyễn Tiến Hưng tập trung vào con người Nguyễn Văn Thiệu, một nhân vật đa nghi và những nguyên nhân sâu xa của sự đa nghi, đặc biệt với Hoa Kỳ, ông Thiệu đã dự tính rồi lại bỏ ý định viết hồi ký.
Ông không quan tâm đến dư luận Mỹ, cũng chẳng muốn phân bua giải thích với người Mỹ về những lập luận hàm ý đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hòa và bản thân mình.
Nhưng ông chú ý đến dư luận của người Việt Nam, nhất là của các chiến binh trong quân đội, và muốn giãi bày cảm nghĩ của mình với họ. Có lẽ đây là lần đầu mà một cách gián tiếp độc giả có thể nhìn ra tâm tư của ông Thiệu.
Phần thứ tư có thể khiến độc giả tại miền Nam ngậm ngùi vì đề cập tới những thành tựu của BấmViệt Nam Cộng Hoà và những cơ hội bỏ lỡ cho một nước Việt Nam phú cường và tiến bộ.
Có lẽ đây là một niềm an ủi muộn màng: ông Thiệu không toại nguyện, phải sống lưu vong tại Anh rồi tại Mỹ.
Ông lâm bệnh tại Hawaii ngay khi Mỹ bị vụ khủng bố 9-11. Sau khi phi trường Boston được giải tỏa sau vụ khủng bố thì ông mới được trở về nhà. Và sau đó tạ thế....
Tổng kết lại về con người Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng số phận của miền Nam, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đưa ta về hiện tại, về đối sách của Hoa Kỳ tại Iraq hay Afghanistan...
Đây là một tài liệu hấp dẫn và hữu ích cho độc giả hiểu thêm về Hoa Kỳ và có một cách đánh giá về ông Nguyễn Văn Thiệu, một người mà thảm kịch cũng phần nào là số phận bi thảm của miền Nam.
Lê Kim Anh
10/12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét