Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Ngành Khu Trục trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa - Nguyễn Hữu Thiện


Lời nói đầu:
Ngành khu trục được xem là hỏa lực chủ yếu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa vì chúng ta không có các đơn vị oanh tạc chuyên biệt. Khởi đầu với Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát (tiền thân của Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”) được chính thức thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1956, tính tới tháng 7 năm 1974 - tức giai đoạn chót của thời kỳ bành trướng - ngành khu trục của KLVNCH đã phát triển tới mức tối đa với 19 phi đoàn, gồm 3 phi đoàn khu trục cánh quạt A-1, 6 phi đoàn phản lực siêu thanh F-5, và 10 phi đoàn phản lực A-37.

Chính vì tầm quan trọng của ngành khu trục, trước đây đã có nhiều bài viết rất công phu, chi tiết về ngành này của các vị niên trưởng, các cấp chỉ huy cũ, trong đó đáng kể nhất là các bài Phi đoàn 1 Khu Trục của cố NT Nguyễn Quang Tri, hai bài Phi đoàn 1 Khu Trục và Phi Đoàn 518 Phi Long của NT Phượng Hoàng Kim Cương, bài Phi đoàn 2 Khu Trục của NT Trần Bá Hợi; trong số này chỉ riêng bài Phi đoàn 1 Khu Trục của NT Phượng Hoàng Kim Cương + hình ảnh đã trải dài 103 trang trên Internet.

Công việc của chúng tôi chỉ là dựa vào các bài viết nói trên, phối hợp với những nguồn tài liệu tham khảo, đúc kết thành một bài tương đối ngắn gọn, nhưng có nhắc tới tất cả 19 phi đoàn trong ngành khu trục - gồm cả cánh quạt lẫn phản lực - để vinh danh một tập thể phi hành của KLVNCH đã góp phần công lao lớn nhất, hy sinh xương máu nhiều nhất trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền nam Việt Nam.

Vì thế, bài viết của chúng tôi, hình thức cũng như nội dung, chỉ mang tính cách tổng quát, sơ lược, nhất là phần viết về nhân sự và hoạt động của các phi đoàn phản lực. Ước mong sẽ được các vị niên trưởng, các chiến hữu trong ngành góp phần bổ khuyết.

Sau cùng, chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những sai sót, xin được cáo lỗi trước và mong sẽ được quý niên trưởng, quý chiến hữu góp phần điều chỉnh.

[Phiên bản thứ nhất của bài viết này đã được phổ biến trên Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, số Xuân Đinh Dậu 2017 vào đầu tháng 1/2017. Đây là phiên bản thứ hai với một số sửa đổi, bổ khuyết sau khi chúng tôi liên lạc và sự giúp đỡ quý báu của các vị niên trưởng trong quân chủng, các cấp chỉ huy trong ngành khu trục, và Khối Đặc Trách Khu Trục BTL/KQ, như Trần Bá Hợi, Dan Hoài Bửu, Nguyễn Quí Chấn, Lê Như Hoàn, Hoàng Văn Hùng...]


Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”

PHẦN I – NGÀNH KHU TRỤC CÁNH QUẠT

1- BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ & THỜI CUỘC:


Trong Đệ Nhị Thế Chiến, tại Âu châu, sau khi Pháp bị Đức Quốc Xã đánh bại, Thống chế Pétain đứng ra thành lập chính phủ thân phe Trục (Axis: gồm Đức, Ý, Nhật Bản). Tại Đông Dương, viên Toàn quyền Pháp là Decoux bắt buộc phải lệ thuộc vào Chính phủ Pétain ở mẫu quốc, vì thế vào tháng 9 năm 1940, khi Nhật Bản tiến chiếm vùng Đông Nam Á, Decoux đã miễn cưỡng để Quân Đội Thiên Hoàng tự do đổ quân vào Việt Nam. Rồi với nhiều bất đồng về chính trị và quân sự, vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đã làm một cuộc đảo chính chớp nhoáng lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương. Sau đó, Nhật Bản tuyên bố Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Khối Thịnh Vương Chung Đại Đông Á do họ lãnh đạo.

Nhưng tới ngày 15 tháng 8 năm 1945, sau khi Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki (Trường Kỳ), Nhật Hoàng phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự thất trận của Nhật Bản đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Việt Nam. Hồ Chí Minh cùng Mặt Trận Việt Minh lợi dụng cơ hội này để cướp chính quyền từ tay người Nhật vào ngày 18 tháng 9 năm 1945 – thực chất là cuộc “Tổng Khởi Nghĩa” của nhiều thành phần, lực lượng yêu nước mà về sau cộng sản nhận là cuộc “Cách Mạng Tháng Tám” của riêng họ.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tự phong làm “Chủ tịch”. Mấy tháng sau, vào ngày 6 tháng 3 năm 1946, họ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp để Pháp được đổ quân trở lại Việt Nam.

Mục đích của Hồ Chí Minh trong việc ký Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 chỉ là tạm thời hòa hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng phái, các thành phần yêu nước chân chính trong Mặt Trận Việt Minh; để rồi sau đó quay sang chống Pháp, kêu gọi “toàn dân kháng chiến” vào tháng 12/1946.

Sau khi Việt Minh để lộ bộ mặt thật cộng sản, cuộc tranh chấp giữa hai phe quốc - cộng bắt đầu. Đại đa số người Việt quốc gia yêu nước nhận định không còn con đường nào khác hơn là dựa vào người Pháp để chống lại cộng sản.

Tháng 9/1947, một phái đoàn người Việt quốc gia gồm 24 đại diện của đủ mọi thành phần đã bay sang Hương Cảng, trình thỉnh nguyện thư lên cựu hoàng Bảo Đại xin ông trở về điều đình với người Pháp để cứu nước.

Ngày 5/6/1948, trên soái hạm Duguay Trouin đậu ngoài khơi Bắc Việt, Cao ủy Pháp tại Đông Dương Bollaert và cựu hoàng Bảo Đại đã ký kết Hiệp định Hạ Long, theo đó Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, nằm trong Liên Hiệp Pháp.

Ngày 28/4/1949, cựu hoàng Bảo Đại về nước. Ngày 20/7, tuyên bố thành lập “Việt Nam Quốc Gia” do cựu hoàng làm Quốc trưởng, lấy Sài Gòn làm thủ đô.

Ngày 11/5/1950, Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức tuyên bố thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Ngày 25/6/1951, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 9 thành lập ngành Không Quân.

Theo sử gia Phạm Văn Sơn, tác giả cuốn “QLVNCH trong giai đoạn hình thành” do Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, khi trở lại Đông Dương, người Pháp không hề có ý định thành lập một quân đội riêng cho Việt Nam, mà chỉ thành lập những đơn vị bản xứ do sĩ quan Pháp chỉ huy, cũng chẳng khác nào “lính khố xanh” thời trước.

Chỉ tới sau khi quân cộng sản Trung Hoa đánh bại quân Trung Hoa Dân Quốc vào cuối năm 1949, rồi tới đầu năm 1950 chính thức công nhận chính phủ Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo, người Pháp mới chấp nhận việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, với hai mục đích chính sau đây:

(1) Nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, lúc đó đã nhận ra hiểm họa cộng sản tại vùng Đông Nam Á.

(2) Thu hút các tôn giáo, đảng phái, các phần tử yêu nước chân chính trước kia chủ trương không hợp tác với thực dân Pháp.

Việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ từ cuối năm 1950, sau khi Đại tướng De Lattre de Tassigny, một người chống cộng quyết liệt, được cử sang làm Cao ủy Đông Dương kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Viễn Đông. Ông thường tới các trường trung học Việt Nam diễn thuyết để khơi động lòng yêu nước của thanh niên bản xứ.

(Jean de Lattre de Tassigny, sinh năm 1889, là một danh tướng của Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi tới Đông Dương, vào tháng 1/1951, ông đã đập tan cuộc tấn công biển người đầu tiên của Võ Nguyên Giáp tại Vĩnh Yên với trên 10.000 bộ đội bị thương vong. Vì thế, nhiều người tin rằng nếu vào năm 1954, De Lattre de Tassigny còn ở Đông Dương, đã không có cái gọi là “chiến thắng Điện Biên Phủ” của Việt Minh)

Riêng việc thành lập ngành Không Quân trong Quân Đội Quốc Gia VN còn được nhiều ưu tiên nhờ sự quan tâm, vận động của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, vốn là một người xuất thân từ Không Quân Pháp. (Chú thích 1)

Tuy nhiên, những “ưu tiên” ấy cũng chỉ là việc cấp tốc xây dựng một trung tâm huấn luyện tại Nha Trang để đào tạo các hoa tiêu quan sát, quan sát viên, chuyên viên kỹ thuật, và tuyển mộ khóa sinh gửi đi thụ huấn tại các trường Không Quân Pháp ở Bắc Phi, hoặc nội địa Pháp, đặc biệt là Trường Võ Bị Không Quân (Salon-de-Provence), nơi xuất thân của ông Nguyễn Văn Hinh, còn trước mắt chưa có một dự kiến nào về một “không lực” của Quân Đội Quốc Gia VN.

Mãi tới năm 1953, người Pháp mới chuyển giao hai phi đoàn quan sát của Không Quân Pháp tại Viễn Đông để thành lập hai đơn vị phi hành đầu tiên cho Không Quân Việt Nam, là Phi Đoàn 1 Quan Sát (chỉ huy trưởng: Trung úy Nguyễn Ngọc Oánh) và Phi Đoàn 2 Quan Sát (chỉ huy trưởng: Trung úy Võ Dinh).

Về phần Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm, có nhiệm vụ chuyên chở các yếu nhân, được thành lập ngày 1/8/1951 (tới năm 1954 trở thành Phi Đội Liên Lạc - ELAVN), thì do sĩ quan Pháp chỉ huy, mãi tới tháng 6/1955 mới được bàn giao cho Đại úy Huỳnh Hữu Hiền.

Tính tới ngày 1/7/1955, ngày người Pháp chính thức bàn giao quyền chỉ huy ngành Không Quân cho phía Việt Nam (ngày này về sau được gọi là “Ngày Không Lực 1 tháng 7”), đã có thêm hai đơn vị phi hành khác được thành lập cho KQVN là Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc vào tháng 1/1954, và Phi Đoàn 1 Vận Tải vào ngày 1/6/1955.

Trong số các đơn vị phi hành kể trên, Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc - gọi một cách đầy đủ là “Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc” (do danh xưng tiếng Pháp “1er Groupe de Combat et de Liaison”, viết tắt là 1er GC&L) - là đơn vị đầu tiên và duy nhất có khả năng “tác chiến”, dù rất giới hạn.


MD-315 Flamant

Lực lượng của Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc gồm 16 phi cơ hai động cơ MD-315 Flamant do hãng Pháp Marcel Dassault chế tạo sau Đệ Nhị Thế Chiến, có 2 rack bom dưới cánh, mỗi bên mang được 4 trái bom miểng loại 250 cân Anh, và 2 đại liên 50 (12 ly 7) ở hai bên mũi phi cơ. Trong nhiệm vụ liên lạc, MD-315 có thể đáp xuống phi trường loại C (1.000m) ở các tỉnh nhỏ để chuyên chở các yếu nhân; ngoài ra, MD-315 còn được sử dụng trong việc thả dù tiếp tế cho các tiền đồn.

Giữa năm 1956, Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc bị giải thể vì theo các điều khoản của Hiệp Định Genève 1954, mọi chiến cụ do người Pháp quản trị, trong đó có phi cơ, phải đem ra khỏi Việt Nam trước ngày 30/6/1956.

Vì thế, 16 chiếc MD-315 đã được người Pháp lấy lại, 10 chiếc giao cho Không Quân Hoàng Gia Căm-bốt, 6 chiếc bay về Pháp.

Nhưng cho dù Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc không bị giải thể, những chiếc MD-315 ấy, với hỏa lực rất hạn chế và khả năng thao tác của một “vận tải cơ hạng nhẹ”, cũng không thể gọi là phi cơ tác chiến đúng nghĩa. Cho nên sau khi Hoa Kỳ nhập cuộc, một trong những đòi hỏi ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi lên nắm chính quyền là thành lập các phi đoàn khu trục.

Có thể viết, sự phát triển của Không Lực VNCH nói chung, ngành khu trục nói riêng, gắn liền và tiến hành song song với sự tham dự của Hoa Kỳ vào tình hình Đông Dương trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại vùng Đông Nam Á.

Sau khi chính thức công nhận ba quốc gia Đông Dương - Vương quốc Lào, Vương quốc Căm-bốt và Việt Nam Quốc Gia - vào ngày 3 tháng 2 năm 1950, chính phủ Hoa Kỳ (thời Tổng thống Truman) đã quyết định viện trợ quân sự cho lực lượng Pháp tại Đông Dương thông qua Chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP: Mutual Defense Assistance Program), bắt đầu vào ngày 8/5/1950.

Tới tháng 8/1950, Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ (MAAG: Militarty Assistance Advisory Group) được thành lập, đặt trụ sở tại Sài Gòn, với mục đích giúp đỡ Việt Nam, Căm-bốt và Lào chống lại cộng sản. Đây là những nhân viên quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ tới Việt Nam, gồm các cố vấn về tổ chức quân đội, tác chiến, bảo trì, tiếp liệu, v.v...

Riêng Không Quân Hoa Kỳ, song song với việc tham gia Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự, còn có một số quân nhân được luân phiên gửi tới Đông Dương để thi hành những công tác đặc biệt (được gọi tắt là các toán TDY: temporary duty); chẳng hạn các toán kỹ thuật từ Phi-luật-tân tới Nha Trang để giúp Pháp bảo trì các vận tải cơ C-47 “mượn” của Hoa Kỳ. Việc gửi các toán TDY diễn ra từ đầu thập niên 1950 cho tới khi trận Điện Biên Phủ kết thúc (1954).

Ngày 23/12/1950, Hoa Kỳ ký hiệp ước “ngũ phương” với Pháp, Việt Nam, Căm-bốt và Lào, theo đó Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân sự gián tiếp cho ba quốc gia Đông Dương thông qua Pháp.

Tới năm 1954, với viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, Pháp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Nhưng riêng ngành Không Quân thì hầu như chưa có gì.

Sau khi thất trận tại Điện Biên Phủ và phải ký kết Hiệp Định Genève 1954, Pháp đã bị mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Đông Dương. Theo thỏa thuận ký kết vào cuối tháng 9/1954 giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, kể từ ngày 1/1/1955, viện trợ của Hoa Kỳ trong chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP) sẽ được trao trực tiếp cho các quốc gia Đông Dương, và trách nhiệm huấn luyện quân đội Việt Nam sẽ được Pháp trao lại cho Hoa Kỳ.

Tháng 1/1955, người Mỹ chính thức nhận lãnh trách nhiệm huấn luyện cho toàn quân đội VN, tuy nhiên bên cạnh sự hiện diện của người Mỹ, người Pháp vẫn tiếp tục công việc huấn luyện và cố vấn tại các đơn vị Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cho tới khi mãn hợp đồng. Vì thế vào ngày 20/1/1955, để tránh tình trạng dẵm chân nhau, người Mỹ đã tạm thời ngưng các hoạt động của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự (MAAG) để cùng với Pháp thành lập Phái Bộ Liên Lạc Huấn Luyện Mỹ-Pháp (Training Relations Instruction Mission, viết tắt là TRIM), với nhiệm vụ phối hợp trong việc cố vấn, huấn luyện và bàn giao quyền chỉ huy các đơn vị cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Phái bộ này gồm 200 sĩ quan Pháp và 217 sĩ quan Mỹ, do Paul Ély, Cao ủy Đông Dương kiêm Tư lệnh Quân Đội Pháp tại Viễn Đông và tướng John O’Daniel, Trưởng phái bộ MAAG của Mỹ cầm đầu. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả mọi chương trình đều thực hiện theo quan điểm của Hoa Kỳ (sau khi quân Pháp rút hết khỏi Việt Nam, phái bộ TRIM lại đổi thành phái bộ MAAG như cũ).

Vào khoảng thời gian này (đầu năm 1955), vì không muốn mang tiếng vi phạm các điều khoản của Hiệp Định Genève 1954 dù không đặt bút ký, Hoa Kỳ chỉ có ý định giúp miền Nam thành lập một không lực với khả năng giới hạn, khả dĩ đủ để đáp ứng các nhu cầu quan sát, liên lạc và vận chuyển của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (sau ngày 26/10/1955, đổi danh xưng thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa).

Việc huấn luyện và viện trợ trực tiếp đầu tiên của Hoa Kỳ cho Không Quân Việt Nam bắt đầu vào tháng 8/1955 với việc thay thế các phi cơ MS.500 Criquet của hai phi đoàn quan sát bằng phi cơ Cessna L-19 Bird Dog (L-19 sau này cải danh thành O-1). Tổng cộng 60 phi cơ L-19 đã được lần lượt giao cho KQVN.

Cùng khoảng thời gian nói trên, khoảng 20 phi cơ huấn luyện North American T-6G Texan đã được đưa tới TTHLKQ Nha Trang để sử dụng trong việc huấn luyện nâng cấp (advanced training) cho các phi công Việt Nam. Và tới năm 1957 thì các máy bay “bà già” (MS.500) quen thuộc đã hoàn toàn vắng bóng trên bầu trời Việt Nam sau hơn 10 năm hiện diện.


North American T-6G Texan

Sau khi miền Nam tuyên bố thành lập chính thể cộng hòa và Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành vị Tổng thống tiên khởi vào ngày 26/10/1955, đã có những cuộc tiếp xúc giữa các đại diện hai miền Nam Bắc về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956 theo điều khoản của Hiệp định Genève 1954. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 1956, đã xảy ra hàng loạt vụ khủng bố, ám sát, bắt cóc tại miền Nam mà thủ phạm, theo lời tố cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chính là các cán bộ cộng sản nằm vùng do Việt Minh gài lại. Các cuộc tiếp xúc chấm dứt, Tổng thống Ngô Đình Diệm đơn phương bác bỏ giải pháp tổng tuyển cử, viện lý do nhân dân miền Bắc sống dưới chế độ cộng sản độc tài đảng trị sẽ không được tự do sử dụng lá phiếu của mình.

Khi quyết định như thế, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tiên liệu việc cộng sản Bắc Việt, với sự yểm trợ của cộng sản quốc tế, sớm muộn cũng sẽ tiến hành xâm lược miền Nam, nên ông đã yêu cầu Hoa Kỳ khẩn cấp tăng cường viện trợ quân sự cho QLVNCH nói chung, KQVN nói riêng.

Mặc dù yêu cầu nói trên đã không được Hoa Kỳ đáp ứng một cách tích cực, ít nhất KQVN cũng có thêm được hai phi đoàn.

Ngày 1/6/1956, Phi Đoàn 2 Vận Tải được thành lập tại Tân Sơn Nhất, sử dụng phi cơ Douglas C-47 Dakota. Phi đoàn này hợp cùng Phi Đoàn 1 Vận Tải thành Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải.

Cùng ngày, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát - đơn vị khu trục đầu tiên của KQVN - làm lễ xuất quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, nơi sau này được mệnh danh là “cái nôi của ngành khu trục”.

2- THÀNH LẬP CÁC PHI ĐOÀN

- Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát

Danh xưng “Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát” được dịch từ danh xưng tiếng Pháp “Premier Groupe de Chasse et de Reconnaissance”, viết tắt là “1er GCR”, còn được nhiều người gọi miệng là “Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục”.

Sở dĩ có chữ “trinh sát” trong danh xưng là vì một số phi cơ F8F (kiểu F8F-1P) của phi đoàn được trang bị máy chụp hình dưới bụng để chụp không ảnh.

Về sau, vào năm 1960 (có tác giả ghi là năm 1957) Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát đổi danh xưng thành “Phi Đoàn 1 Khu Trục”. Sau cùng, khi KQVN hệ thống hóa phiên hiệu các đơn vị vào năm 1963, Phi Đoàn 1 Khu Trục trở thành “Phi Đoàn 514”, danh hiệu “Phượng Hoàng”, và giữ danh xưng này cho tới ngày tàn cuộc chiến.

Việc thành lập Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát đã diễn ra 1 năm sớm hơn dự trù, do yêu cầu cấp bách của Tổng thống Ngô Đình Diệm để bổ sung vào chỗ trống sau khi Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc bị giải thể vì phải hoàn trả các phi cơ MD-315 Flamant cho Pháp.


B-26 Invader Farm Gate

Lúc ban đầu, ông Diệm yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp ngay các oanh tạc cơ hạng nhẹ B-26 Invader, lúc đó đang được người Pháp sử dụng tại Đông Dương, nhưng Phái bộ Liên lạc Huấn luyện Mỹ-Pháp (TRIM) cho biết theo kế hoạch của Hoa Kỳ, đơn vị tác chiến đầu tiên của KQVN sẽ được thành lập vào đầu năm sau (1957), và chỉ được trang bị các phi cơ cánh quạt F8F Bearcat mà thôi. Ông Diệm không còn lựa chọn nào khác, tuy nhiên ông cũng yêu cầu rút ngắn thời gian huấn luyện của các phi công để thành lập đơn vị này sớm hơn. Kết quả, phái bộ TRIM đã chỉ thị cho hai phi đoàn khu trục của Pháp còn đồn trú ở Việt Nam là GC 1/21 Artois và GC 1/22 Saintogne tiến hành bàn giao cho KQVN càng sớm càng tốt. (GC là viết tắt của “Groupe de Chasse”)

Ngày 17/9/1955, 30 chuyên viên kỹ thuật, một số đã tốt nghiệp từ TTHLKQ Nha Trang, một số khác từng phục vụ trong các đơn vị Không Quân Pháp tại Viễn Đông, được thuyên chuyển tới căn cứ không quân Biên Hòa để học bảo trì phi cơ F8F Bearcat tại phi đoàn GC 1/21. Sau đó có thêm 100 chuyên viên bảo trì khác mới tốt nghiệp ở Nha Trang được đưa tới.


B-26 Invader Farm Gate

Ngày 5/1/1956, 13 hoa tiêu khóa khu trục đầu tiên của KQVN tới Biên Hòa; những người này thuộc “nhóm Phạm Phú Quốc”, đi Pháp 50 người chỉ có 13 tốt nghiệp.

Gọi là “khóa khu trục đầu tiên” bởi vì 50 dân chính này được Không Quân Pháp tuyển mộ vào năm 1952 để “đi học bay khu trục”, khác với những người trước đây sau khi sang Pháp thụ huấn mới lựa chọn, hoặc được chỉ định ngành bay. Từ trường bay căn bản École de Début Aulnat tới trường khu trục tại Bordeaux, nhóm 50 người này bị đánh rớt dần, cuối cùng chỉ còn lại 13 người tốt nghiệp hạ sĩ quan hoa tiêu khu trục, sau khi về VN được đặc cách thăng cấp Chuẩn úy, gồm:

1- Phạm Phú Quốc (Thủ khoa)
2- Nguyễn Thế Long
3- Võ Văn Sĩ
4- Nguyễn Tấn Sĩ
5- Mạc Kỉnh Dung
6- Vũ Khắc Huề
7- Trương Đăng Lượng
8- Lê Ngọc Duệ
9- Nguyễn Đình Nam
10- Nguyễn Hữu Bách
11- Thái Văn Dương
12- Võ Văn Xuân
13- Huỳnh Hữu Bạc

- F8F Bearcat: “Quan Tài Bay”

Sau lần đầu tiên “thả bay” các tân hoa tiêu (bay solo) trên F8F Bearcat, một loại phi cơ cực mạnh và nổi tiếng “ngựa bất kham”, vào cuối tháng 1/1956, nhận thấy phi trường Biên Hòa có quá nhiều phi cơ của các đơn vị Pháp đang chờ giải thể nên việc huấn luyện rất khó khăn, đơn vị xuyên huấn được dời ra Vũng Tàu (Cap St. Jacques) vào tháng 2/1956.

Đơn vị xuyên huấn có tổng cộng 22 chiếc Bearcat, trong đó 7 chiếc F8F-1D được lấy từ Công Xưởng Biên Hòa là tương đối còn tốt nhất. Ngày 23/2/1956, hai phi đoàn khu trục 1/21 Artois và 1/22 Saintogne của Pháp giải thể, các phi cơ được chuyển giao cho KQVN, gồm 25 chiếc F8F và 6 chiếc L-19. Số F8F này phần lớn đã rất cũ, được tàu chở sang Hongkong Engineering Company để tổng kiểm.

* * *

F8F Bearcat là kiểu chiến đấu cơ do hãng Grumman của Mỹ chế tạo riêng cho các đơn vị phi hành của Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy không kịp tham chiến, sau đó các F8F cũng trở thành lực lượng chiến đấu cơ nòng cốt, trang bị cho 24 phi đoàn của Hải Quân và một số phi đoàn của TQLC.


Phi Đoàn Khu Trục F8F Bearcat "Phượng Hoàng"

Là chiến đấu cơ sử dụng động cơ nổ (piston-engined) cuối cùng của hãng Grumman, F8F không chỉ phá tất cả mọi kỷ lục của các chiến đấu cơ cánh quạt mà còn được đánh giá có khả năng thao tác hơn hẳn nhiều chiến đấu cơ phản lực thuộc thế hệ thứ nhất.

Với khả năng thao tác đó, F8F Bearcat đã được phi đội biểu diễn Blues Angels của Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng để thay thế F6F Hellcat.

Trở lại với thời gian đầu thập niên 1950, sau khi quyết định tham dự vào công cuộc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á, trong hai tháng 2 và 3 năm 1951, đáp lại lời yêu cầu của Pháp trong Chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP), Hoa Kỳ đã thay thế toàn bộ chiến đấu cơ cũ – gồm hai loại P-63C Kingcobra và F6F Hellcat - của 7 phi đoàn khu trục của Pháp tại Đông Dương bằng F8F Bearcat.

Những chiếc Bearcat này nguyên là của Hải Quân Hoa Kỳ, được giao cho Thập Tam Không Lực (13th Air Focre) đóng tại Phi-luật-tân cải biến hệ thống nhiêu liệu cho phù hợp với hoạt động trên đất liền trước khi chuyển giao cho người Pháp.

* * *

Tại Vũng Tàu, chương trình xuyên huấn được xúc tiến mạnh mẽ. Một chiếc F8F-1P có khả năng chụp không ảnh cũng được trao cho đơn vị xuyên huấn. Nói chung, các huấn luyện viên Pháp rất hài lòng trước khả năng của các khóa sinh Việt Nam trên loại phi cơ nổi tiếng “khó trị” này.

Ngày 24/4/1956, một nhóm gồm 6 hoa tiêu khu trục Việt Nam được đưa tới đơn vị xuyên huấn. Họ đều là những phi công đã tốt nghiệp khu trục tại Pháp, hoặc phi công vận tải kinh nghiệm với giờ bay trung bình từ 500 tới 1.000 giờ và đã tình nguyện chuyển sang ngành khu trục. Trước khi đến Vũng Tàu, 6 người này đã được gửi tới Marrakech (Maroc) để bay lại trên phi cơ huấn luyện T-6 Texan, và tiếp theo, sang trường bay khu trục của Hải Quân Pháp ở Khouribga (cũng ở Maroc) để bay 30 giờ trên khu trục cơ F6F Hellcat.

Trong số này có Đại úy Huỳnh Hữu Hiền, Đại úy Nguyễn Kim Khánh, Trung úy Dương Thiệu Hùng, Trung úy Huỳnh Bá Tính, và Trung úy Hà Xuân Vịnh.

Ngày 1/6/1956, các phi công khu trục VN lái những chiếc F8F đồng loạt từ Vũng Tàu về rầm rộ đáp xuống phi trường Biên Hòa, khi ấy không còn bóng dáng một phi cơ nào của Pháp, đánh dấu ngày thành lập Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát.

Ban chỉ huy đầu tiên của Phi Đoàn gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đại úy Huỳnh Hữu Hiền
- Chỉ huy phó: Đại úy Huỳnh Bá Tính
- Trưởng Phòng Hành quân: Đại úy Nguyễn Kim Khánh
- Phi đội trưởng Phi đội 1: Trung úy Dương Thiệu Hùng
- Phi đội trưởng Phi đội 2: Trung úy Hà Xuân Vịnh

(Về sau, khi F8F Bearcat được thay thế bằng A-1 Skyraider, Phi đoàn có tới 4 Phi đội)

Cùng với 7 hoa tiêu (cũng đã từng bay trên khu trục cơ F6F Hellcat
ở Khouribga):

1- Trung úy Nguyễn Hữu Chẩn
2- Trung úy Nguyễn Quan Huy
3- Chuẩn úy Nguyễn Ngọc Biện
4- Chuẩn úy Trần Công Chấn
5- Chuẩn úy Võ Văn Hội
6- Chuẩn úy Hồ Xuân Đệ
7- Chuẩn úy Nguyễn Thông

Và 13 Chuẩn úy thuộc “nhóm Phạm Phú Quốc” đã nhắc tới ở trên, tổng cộng 25 hoa tiêu.

Cùng ngày, KQVN đã tiếp nhận Công Xưởng Không Quân (Biên Hòa) trong đó có 21 phi cơ F8F bất khiển dụng. Vì phí tổn phục hồi hoạt động quá cao, các phi cơ này chỉ được giữ lại để tháo gỡ lấy cơ phận rời.

Tổng cộng trước sau, 69 phi cơ F8F đã được bàn giao cho KQVN nhưng trên thực tế, vào thời điểm cuối tháng 6/1956, chỉ có 18 chiếc tại Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát có thể hành quân được. Với số lượng phi cơ này, Phi Đoàn chỉ hy vọng sẽ duy trì được hoạt động huấn luyện trong lúc chờ 25 chiếc gửi đi tổng kiểm ở Hương Cảng được đưa về nước.

Ngày 6/6/1956, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát chính thức ra mắt công chúng bằng một buổi biểu diễn ngoạn mục của 6 chiếc F8F nhào lộn ở cao độ thấp trên không phận thủ đô Sài Gòn.

Theo các báo cáo của phái đoàn xuyên huấn Pháp, các phi công Việt Nam có đủ khả năng để chế ngự “những con ngựa chứng” Bearcat, tuy nhiên mức hoạt động càng gia tăng, sự già yếu của chúng càng lộ rõ!

Ngày 11/7/1956, Chuẩn úy Nguyễn Tấn Sĩ phải hạ cánh ép buộc vì chân đáp của F8F không nhả ra hết. Ngày 21/9 cùng năm, Chuẩn úy Huỳnh Hữu Bạc tử nạn khi bay chạm phải một F8F khác, và trở thành phi công khu trục đầu tiên của KQVN bị tử nạn. Cũng trong tháng 9, thêm một chiếc F8F bị phế thải vì lý do kỹ thuật.

Mặc dù các chuyên viên bảo trì Việt Nam đã được các huấn luyện viên Pháp đánh giá là “có khả năng cao ngoài dự liệu”, và đã trổ tài biến ứng bằng cách tháo gỡ bộ phận rời từ những động cơ phế thải để ráp vào động cơ của những chiếc còn bay được, tới cuối năm 1956 số lượng F8F khả dụng cũng chỉ còn được 15 chiếc.

Trong khi đó, nhu cầu huấn luyện cứ gia tăng. Các hoa tiêu mới tốt nghiệp ở Pháp - nơi họ được huấn luyện trên các loại phản lực T-33, Vampire và Ouragan, và trước khi về nước được xuyên huấn trên khu trục cơ cánh quạt F6F Hellcat ở Khouribga - cần thao dợt về nghênh cản (không chiến). Rất tiếc vì thiếu phi cơ, số giờ bay huấn luyện đã bị hạn chế. Trung bình một tháng, các phi tuần trưởng chỉ được bay 15 tiếng đồng hồ, còn các phi tuần viên chỉ có 7 tiếng.

Ngày 25/9/1956, một biệt đội 4 chiếc Bearcat được đưa ra Nha Trang. Đây là lần đầu tiên các khu trục cơ được biệt phái hoạt động ngoài căn cứ không quân Biên Hòa. Về sau, các biệt đội còn được đưa ra Ban Mê Thuột hoặc Pleiku.

Qua năm 1957, 25 chiếc Bearcat gửi đi tổng kiểm ở Hương Cảng từ 12 tháng trước đã được đưa về nước, giúp gia tăng mức khả dụng hành quân và tiếp tục công tác huấn luyện. Mỗi hoa tiêu đều được bay 15 giờ mỗi tháng và số phi xuất hành quân từ 172 vào tháng 9/1956 đã tăng lên 325 vào tháng 3/1957. Trong thời gian này, Phi Đoàn đã tham dự một chiến dịch lớn tại vùng Đà Nẵng với sự phối hợp của cả hải lục không quân.

Các phi cơ Bearcat (kiểu F8F-1P) cũng thực hiện những phi vụ chụp không ảnh. Những không ảnh đầu tiên do Bearcat chụp là các phi trường Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Nha Trang, Đà Nẵng và Sóc Trăng. Những tấm ảnh này đã được một toán giải đoán không ảnh khai thác và rút tỉa kinh nghiệm cho nghề nghiệp của họ về sau.

Tới giữa tháng 7/1957, Phi Đoàn được các huấn luyện viên Pháp xác định hoàn toàn đủ khả năng hành quân. Một phái đoàn hỗn hợp Pháp - Mỹ đến lượng giá đơn vị đã tỏ ra rất ngạc nhiên, nhất là với kết quả tác xạ vô cùng chính xác. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hơn 1 năm đó, Phi Đoàn cũng đã mất đi 5 phi cơ và 3 hoa tiêu tử nạn là Huỳnh Hữu Bạc, Võ Văn Xuân và Nguyễn Thông.

Về nhân sự, tính tới khi Phái bộ Quân sự Pháp rời VN vào giữa năm 1957, tức là khoảng một năm sau ngày thành lập, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát đã có 8 hoa tiêu được cấp bằng bằng Huấn luyện viên khu trục, là:

- Thiếu tá Huỳnh Hữu Hiền
- Đại úy Nguyễn Kim Khánh
- Đại úy Dương Thiệu Hùng
- Trung úy Hà Xuân Vịnh
- Thiếu úy Lưu Văn Đức
- Thiếu úy Nguyễn Quang Tri
- Chuẩn úy Phạm Phú Quốc
- Chuẩn úy Nguyễn Thế Long

Cũng trong năm 1957, một số sĩ quan hoa tiêu xuất thân trường Võ Bị Không Quân Pháp Salon-de-Provence và tốt nghiệp Trường Khu trục ở Mecknès, Maroc, trên các loại phản lực cơ T-33 Shooting Star và MD-450 Ouragan, về phục vụ tại phi đoàn, gồm:

1. Trung úy Nguyễn Thanh Tòng
2. Trung úy Phạm Long Sửu
3. Trung úy Vũ Thượng Văn
4. Thiếu úy Trần Duy Kỷ
5. Chuẩn úy Nguyễn Đức Khánh

Tới cuối năm 1959, có thêm 6 hoa tiêu của Khóa 58A Trần Duy Kỷ ở TTHLKQ Nha Trang về Phi đoàn, gồm:

1. Chuẩn úy Chế Văn Nghĩa, thủ khoa
2. Chuẩn úy Lê Xuân Lan, xuất sắc về phi huấn
3. Chuẩn úy Đặng Thành Danh, xuất sắc về địa huấn
4. Chuẩn úy Lê Bá Định
5. Chuẩn úy Đinh Văn Chương
6. Chuẩn úy Hà Ngọc Hạnh

(Thiếu úy Trần Duy Kỷ tử nạn trên F8F tại Tuy Hòa đầu năm 1958, được đặt tên cho Khóa 58A)

Trên lý thuyết, Bearcat có tầm hoạt động đủ để yểm trợ bất cứ chiến trường nào ở miền Nam, tuy nhiên trên thực tế, vì những phi cơ này đã quá cũ, mức tiêu thụ dầu máy quá cao, lại chỉ có thể sử dụng một số phi trường, nên các phi vụ thường phát xuất từ Biên Hòa và chỉ có thể kéo dài tối đa 1 giờ 15 phút, vừa đủ để yểm trợ xuống tới vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng dù sao chăng nữa, với tốc độ nhanh và khả năng thao tác ngoạn mục, các phi cơ Bearcat cũ kỹ này cũng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của Không Lực VNCH thời bấy giờ, và hình ảnh của chúng đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin của người dân miền Nam trong công cuộc đánh dẹp quân du kích cộng sản.

Bên cạnh đó, sức mạnh của phi cơ Bearcat và những kỹ năng cần có để chế ngự, biến nó thành một vũ khí lợi hại đã tạo cơ hội để các phi công VN chứng tỏ họ là những phi công khu trục thượng thặng. Họ không chỉ cần có đầu óc sáng tạo để tận dụng khả năng của phi cơ mà còn phải biết biến ứng tùy theo từng loại mục tiêu dưới đất - những thứ mà không có bất cứ trường huấn luyện nào dạy cho họ cả.

Cũng như đối với các phi công Pháp trước kia, khu trục cơ F8F Bearcat rất được các phi công VN ưa chuộng vì khả năng và hỏa lực. Tuy nhiên sau 3 năm bị tận dụng vào nhu cầu hành quân, những phi cơ vốn đã quá cũ từ lúc người Pháp bàn giao, nay đa số trở nên bất khiển dụng, hoặc mất an toàn tới mức trầm trọng (trước đó, người Pháp đã tặng cho F8F hỗn danh “cercueil volant”: quan tài bay!)


Câu lạc bộ sĩ quan Lưu Văn Đức Biên Hoà

Phi công cuối cùng, và cũng là người nổi tiếng nhất, tử nạn trên phi cơ Bearcat là Đại úy Lưu Văn Đức vào cuối năm 1960. Vào thời gian này, kể từ tháng 8/1960, Hoa Kỳ đã bắt đầu xuyên huấn một số phi công Bearcat kinh nghiệm để bay trên AD-6 Skyraider và đã chuyển giao 8 chiếc AD-6 cho KQVN, nhưng vì những phi cơ này được dành ưu tiên cho công việc xuyên huấn, các phi cơ Bearcat vẫn tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu hành quân ngày càng gia tăng. Hơn nữa, một số không ít phi công khu trục Việt Nam kinh nghiệm trong đó Đại úy Lưu Văn Đức, vị Chỉ huy trưởng đời thứ ba của Phi Đoàn - vẫn thích bay trên Bearcat hơn.

Hôm đó là ngày 22/11/1960, sau khi phi cơ L-19 phát giác một đoàn ghe thuyền của Việt Cộng tập trung trong vùng Đồng Tháp, Đại úy Lưu Văn Đức đã đích thân chỉ huy một phi tuần hai chiếc Bearcat đến tấn công. Ngay khi chiếc Bearcat của Đại úy Đức xuống thấp sát ngọn cây để thả bom napalm, trúng mục tiêu chính xác 100% theo trái khói đánh dấu của L-19, thì cánh bên phải bị gẫy lìa. Phi cơ lật úp trước khi đâm xuống mục tiêu. Vị Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 1 Khu Trục tử nạn khi tuổi đời mới 26. (Chú thích 2)

Sau cái chết của Đại úy Lưu Văn Đức, một vị Chỉ huy trưởng Phi Đoàn tài ba được mọi người yêu mến, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh ngưng bay toàn bộ phi cơ Bearcat; nhưng rồi vì số lượng AD-6 Skyraider lúc đó còn quá ít, không đáp ứng nổi nhu cầu chiến trường đòi hỏi, dù biết rằng khung phòng của những chiếc Bearcat đã “rệu”, các phi công dày dạn kinh nghiệm vẫn tiếp tục bay trên những “quan tài bay” cho tới năm 1961, khi Phi Đoàn có đủ AD-6 theo cấp số.


F8F Bearcat TTHLKQ/Nha Trang

Từ đó, F8F Bearcat chỉ còn trong huyền thoại, ngoài bốn chiếc được giữ lại để trưng bày: một ở sân cỏ phía sau Bộ Tư Lệnh KQ ở Tân Sơn Nhất, một ở căn cứ không quân Biên Hòa, một ở căn cứ không quân Nha Trang, và một ở trước Câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc, Tân Sơn Nhất.

(Trong số bốn chiếc F8F nói trên, cho tới năm 2015 có ít nhất một chiếc vẫn chưa “về với cát bụi”. Trang mạng wwii equipment used after the war, phần viết về những chiếc F8F được chuyển giao cho KLVNCH (cập nhật hóa năm 2015) có đoạn kết như sau:

VNAF F8F-1 (Số đuôi 95255) trưng bày trước Câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc


Ex-VNAF F8F-1 Câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc

...Sau khi F8F “về hưu”, một chiếc được trưng bày trước Câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc ở CCKQ Tân Sơn Nhất, nơi nó hiện diện cho tới cuối cuộc chiến. Khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam vào năm 1975, chiếc F8F này đã được sơn cờ hiệu của Không Quân miền Bắc lên một cách nham nhở, và bị để mặc cho xuống cấp trong suốt thập niên 1980. Khi Hoa Kỳ và CSVN tái lập quan hệ ngoại giao vào thập niên 1990, CSVN đã bán lại chiếc F8F này cho một nhà sưu tầm người Mỹ, và được chủ nhân mới phục hồi, bảo quản)



- A-1 Skyraider: “Thiên Thần Diệt Cộng”

Nhu cầu thay thế các phi cơ F-8F Bearcat đã được đặt ra hơn 1 năm trước ngày Đại úy Lưu Văn Đức tử nạn. Sau khi có nhiều tai nạn xảy ra, vào tháng 8 năm 1959, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh hạn chế tối đa các phi vụ hành quân của Phi Đoàn 1 Khu Trục và yêu cầu Hoa Kỳ khẩn cấp thay thế Bearcat bằng các phi cơ phản lực, như họ đã trang bị cho các quốc gia khác ở Đông Nam Á: Đài-loan, Thái-lan, Phi-luật-tân...

Thoạt đầu, các giới chức Không Quân Hoa Kỳ dự định cung cấp loại phản lực Lockheed F-80 “Shooting Star”, tuy nhiên việc này lại trái với điều khoản của Hiệp định Genève 1954, theo đó cả hai miền Nam Bắc không được phép trang bị chiến đấu cơ phản lực. Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa không đặt bút ký vào bản hiệp định này nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn kịch liệt phản đối việc trang bị chiến đấu cơ phản lực cho miền Nam. Hơn nữa, sau đó chính các giới chức Không Quân Hoa Kỳ cũng nhận ra rằng qua kinh nghiệm chiến tranh Triều-tiên, nơi loại phản lực F-80 được sử dụng lần đầu tiên, trong công tác yểm trợ diện địa, các phi cơ cánh quạt vẫn tỏ ra hữu hiệu hơn.

Tuy nhiên, để làm hài lòng Tổng thống Ngô Đình Diệm, phía Hoa Kỳ cũng ra lệnh tiến hành việc chuyển giao 6 chiếc F-80 Shooting Star, gồm 2 chiếc T-33 (là phiên bản huấn luyện của F-80) và 4 chiếc RT-33 (phi cơ thám thính), nhưng thực ra chỉ có trên giấy tờ, bởi sau đó việc chuyển giao đã không hề được tiến hành.

Cùng thời gian, các giới chức Không Quân Hoa Kỳ đã gấp rút nghiên cứu để tìm một loại phi cơ cánh quạt thích hợp cho chiến trường Việt Nam.

Đầu tiên, họ nghĩ tới loại oanh tac cơ hạng nhẹ B-26 Invader, loại phi cơ mà trước đây Không Quân Pháp đã sử dụng rất hữu hiệu trong chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, mặc dù sau đó một số B-26 đã được Không Quân Hoa Kỳ đem sang Việt Nam trong chương trình “Farm Gate” vào năm 1961, tất cả đã được đem về nước sau một thời gian sử dụng, chứ không chuyển giao cho KQVN. Nguyên nhân: B-26 cũng sắp tới tuổi “về hưu”!

Cùng thời gian, một nguồn tin có thẩm quyền từ phía Hoa Kỳ cho biết họ sẽ chuyển giao cho KQVN các phi cơ North American T-28 “Trojan”. (Chú thích 3)

Đây là một loại phi cơ huấn luyện 2 chỗ ngồi tương đối hiện đại, được cải biến, trang bị bom đạn để sử dụng trong việc yểm trợ các lực lượng diện địa, nhưng khả năng mang bom của nó không bằng F8F Bearcat.


North American T-28 “Trojan”

Một cách chi tiết, T-28 và F8F đều có 4 rack bom dưới cánh, nhưng trong khi T-28 chỉ có thể mang 4 trái bom 500 cân Anh thì F8F có khả năng mang 4 trái 1000 cân Anh. Về súng, T-28 được trang bị 2 khẩu đại liên 50 (12 ly 7), trong khi F8F tùy loại được trang bị 4 khẩu đại bác 20 ly hoặc 4 khẩu đại liên 50.

Tin này đã khiến các hoa tiêu của Phi Đoàn 1 Khu Trục thất vọng. Bởi trước đó, họ tin rằng F-8F Bearcat sẽ được thay thế bằng phi cơ phản lực; thậm chí trong các cuộc trao đổi với cố vấn Hoa Kỳ, họ còn cho biết “ưu tiên lựa chọn” của họ là chiếc A-4E “Skyhawk” của Hải Quân Hoa Kỳ, một loại phản lực nhỏ nhưng được trang bị hùng hậu, sử dụng phi đạo ngắn, mà họ cho là phi cơ lý tưởng để thay thế Bearcat trên chiến trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó vì thiếu chuyên viên kỹ thuật, việc chuyển giao T-28 đã không thể thực hiện được ngay, và thay vào đó là một loại phi cơ cánh quạt khác: chiếc Skyraider của Hải Quân Hoa Kỳ.

Skyraider do hãng Douglas chế tạo vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến cho Hải Quân và TQLC Hoa Kỳ, từng được sử dụng trong chiến tranh Triều-tiên (1950-1953).

Skyraider gồm nhiều đời, nhiều kiểu khác nhau, được mang phiên hiệu từ AD-1 tới AD-7.

(Tới năm 1962, khi Hoa Kỳ thống nhất cách đặt phiên hiệu cho tất cả các loại phi cơ của Hải, Lục, Không Quân và TQLC (với các mẫu tự A: attack, B: bomber, C: cargo, F: fighter, T: trainer... đi đầu), tất cả các kiểu Skyraider còn đang sử dụng đều được cải danh thành A-1: AD-5 (2 ghế ngồi) thành A-1E, AD-6 (1 ghế ngồi) thành A-1H, AD-7 thành A-1J hoặc A-1G (2 ghế ngồi). Đa số Skyraider của KQVN sử dụng là A-1H là kiểu được sản xuất nhiều nhất, một số nhỏ là A-1E, và vài chiếc A-1J, A-1G)

Lúc đầu, Hoa Kỳ dự định mua lại một số AD-4 cũ đã bán cho Pháp trước đây để trang bị cho KQVN, nhưng lúc đó Pháp (dưới thời Tổng thống De Gaulle) và Hoa Kỳ đang có sự bất hòa nên Pháp không chịu bán lại. Hơn nữa, vì Hải Quân Hoa Kỳ đã ngưng sử dụng kiểu AD-4, không thể bảo đảm việc cung cấp phụ tùng, cho nên cuối cùng kiểu AD-6, hiện đang sử dụng trong các hạm đội, được chọn để thay thế.

Cũng cần viết thêm, khi quyết định đem Skyraider sang Việt Nam, thoạt tiên người Mỹ dự tính sẽ áp dụng mô thức AVG (Allied Volunteer Group), nghĩa là lấy các hoa tiêu tình nguyện của Hải Quân Hoa Kỳ cho “nghỉ phép” (on leave) để lái các phi cơ này.

Người đầu tiên sử dụng mô thức AVG là Tướng Claire Chennault, Tư lệnh Thập Tứ Không Lực (14th Air Force) của Hoa Kỳ đóng ở Côn Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến; ông đã thành lập các phi đội Phi Hổ (Flying Tigers) đầu tiên cho Trung Hoa Dân Quốc để đánh quân Nhật nhưng do hoa tiêu Mỹ (đang được “nghỉ phép”) lái.

Thế nhưng dự tính nói trên (mô thức AVG) đã bị các hoa tiêu Việt Nam phản đối kịch liệt. Bởi vì họ, cũng như tuyệt đại đa số người dân miền Nam, muốn tự đảm trách công việc chiến đấu và chiến thắng cộng sản; họ chỉ cần sự hậu thuẫn về chính trị và viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ mà thôi.

Kết quả, để tiến hành việc thay thế Bearcat bằng Skyraider, vào giữa năm 1960, sáu hoa tiêu của Phi Đoàn 1 Khu Trục đã được chọn để sang Hoa Kỳ xuyên huấn, gồm có: Trung úy Nguyễn Quang Tri, Trung úy Nguyễn Quan Huy, Trung úy Tô Minh Chánh, Thiếu úy Phạm Phú Quốc, Chuẩn úy Nguyễn Ngọc Biện, và Chuẩn úy Nguyễn Văn Long (một số sách và tài liệu ngoại quốc viết là Thiếu úy Nguyễn Hữu Chẩn thay vì Trung úy Tô Minh Chánh là không chính xác).

Thời gian xuyên huấn kéo dài 3 tháng, gồm 40 giờ với đơn vị huấn luyện phi hành ATU-301 tại Căn cứ Hải Quân Corpus Christi, Texas, và 40 giờ tại Căn cứ Hải Quân LeMoore, San Diego, với Phi Đoàn Tác Chiến VA-122 của Hải Quân Hoa Kỳ.

Trong số sáu hoa tiêu nói trên, có những người đã là huấn luyện viên khu trục (Trung úy Tri) hay Phi tuần phó (Thiếu úy Quốc), lại có những người chưa được xác định hành quân trên khu trục, nhưng tất cả đều làm quen với chiếc Skyraider một cách dễ dàng; và khi bước sang phần thực tập chiến thuật (tác xạ, oanh kích), họ đã chứng tỏ là những hoa tiêu xuất sắc.

Về mặt tinh thần, sau khi thấy tận mắt hình dáng “khổng lồ” của chiếc Skyraider (so với F8F và T-28) và khai triển hỏa lực hùng hậu của nó, các hoa tiêu khu trục Việt Nam cũng vơi bớt phần nào nỗi thất vọng vì đã không được bay trên phản lực.

Tổng cộng trước sau đã có 5, hoặc 6 đợt xuyên huấn tương tự dành cho các hoa tiêu khu trục Việt Nam. Sau ba tháng xuyên huấn, sáu hoa tiêu đầu tiên trở về Biên Hòa để chờ đợi những chiếc Skyraider đang được tổng kiểm và tân trang (zero-timed) tại công xưởng của Hải Quân Hoa Kỳ ở Rhode Island.

Đầu tháng 9/1960, sáu chiếc Skyraider đầu tiên được tàu chở tới cảng Sài Gòn, và được kéo về căn cứ Tân Sơn Nhất; sau khi kiểm soát, đã được Hải Quân Đại úy Kenneth E. Moranville bay thử trước khi chuyển giao cho KQVN. Đại úy Moranville là người trước đây đã đảm trách việc xuyên huấn cho sáu hoa tiêu Việt Nam đầu tiên tại Corpus Christi, nay được phái sang Việt Nam cầm đầu toán cố vấn của Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách công việc chuyển giao và xuyên huấn Skyraider tại chỗ cho các hoa tiêu khác.

Buổi bay thử và biểu diễn hỏa lực của chiếc Skyraider đầu tiên - do Đại úy Moranville lái - được tổ chức tại căn cứ Tân Sơn Nhất dưới sự chủ tọa của Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh KQVN, đã gây ấn tượng mạnh nơi quan khách vì hỏa lực hùng hậu và mức độ chính xác của loại phi cơ này. Thực tế sau đó đã chứng minh trong giai đoạn địch quân chưa được trang bị các loại vũ khí phòng không hiện đại thì Skyraider là loại phi cơ hữu hiệu nhất trong chiến tranh chống du kích tại miền nam Việt Nam, được mệnh danh “Thiên Thần Diệt Cộng”.

Tổng cộng trước sau đã có 308 chiếc Skyraider được chuyển giao cho KQVN để lần lượt trang bị cho 7 phi đoàn khu trục, gồm có: Phi Đoàn 1 Khu Trục (PĐ-514 Phượng Hoàng), Phi Đoàn 2 Khu Trục (PĐ-516 Phi Hổ), và các Phi Đoàn 518 Phi Long, 520 Thần Báo, 522 (?), 524 Thiên Lôi và 530 Thái Dương.

Trong số này, PĐ-530 được thành lập tại Pleiku vào năm 1970 - thời gian KQVN đã bước sang giai đoạn phản lực - để đáp ứng tình hình chiến sự tại Tây Nguyên, đã chứng tỏ khả năng yểm trợ tiếp cận chính xác mà không một loại phản lực nào có thể so sánh.

- Phi Đoàn 2 Khu Trục

Việc thành lập Phi Đoàn 2 Khu Trục (sau cải danh thành Phi Đoàn 516 Phi Hổ) nằm trong chương trình “Farm Gate”.

“Farm Gate” là hoạt động tham chiến trực tiếp đầu tiên, mặc dù rất giới hạn, của Không Lực Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam.

Khởi đầu vào năm 1960, Quân Đội Hoa Kỳ đã cho thành lập những đơn vị đặc biệt để đối phó với chiến tranh du kích của cộng sản ngày càng lan rộng trên thế giới. Riêng trong Không Quân, đơn vị đầu tiên với danh xưng chính thức là Phi Đoàn Huấn Luyện Phi Hành Đoàn Tác Chiến 4400 (4400th Combat Crew Training Squadron, viết tắt là 4400th CCTS) đã được thành lập vào tháng 4/1961 tại căn cứ không quân Eglin, Florida. Trên thực tế, các thành viên của 4400th CCTS thường được biết tới qua danh hiệu “Air Commando” (Không Quân Cảm Tử), hoặc nickname “Jungle Jim”.

(“Jungle Jim” nguyên là một loạt truyện phiêu lưu rừng xanh rất phổ biến của Mỹ, từ năm 1948 tới năm 1955 đã được thực hiện thành 16 cuốn phim)

Do những nhu cầu đặc biệt của chiến tranh du kích, Air Commando chỉ sử dụng các loại phi cơ cánh quạt, có khả năng bay chậm, như T-28, B-26, C-47...

Tháng 10/1961, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy chấp thuận việc gửi một toán “Jungle Jim” sang Việt Nam với hai mục đích: (1) xác định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ miền Nam VN trong công cuộc chiến đấu chống lại cộng sản, và (2) huấn luyện các hoa tiêu Việt Nam trong việc sử dụng T-28 và B-26 trên chiến trường. Hoạt động này được mang tên “Chương Trình Farm Gate” (Farm Gate Programme).

Ngày 4/11/1961, Biệt Đội 2A (Detachment 2A - danh xưng chính thức của toán “Jungle Jim” nói trên) gồm 151 quân nhân, 8 phi cơ T-28, 4 phi cơ SC-47 và 4 phi cơ RB-26 được sơn cờ VNCH và huy hiệu Không Quân Việt Nam, đã tới Biên Hòa để “phục vụ dưới quyền chỉ huy của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự với nhiệm vụ huấn luyện tác chiến, và không tham chiến trong thời gian hiện tại...”

Nhưng trước khi sang Việt Nam, các chàng “Không Quân Cảm Tử” (Air Commando) Mỹ đã đinh ninh nhiệm vụ “huấn luyện tác chiến” (combat training) có nghĩa là huấn luyện nhân viên phi hành VN bằng những phi vụ tác chiến. Vì thế trong thời gian đầu ở VN, họ đã tỏ ra thiếu phấn khởi khi chỉ được thực hiện các phi vụ tuần thám dọc theo bờ biển để phát giác sự xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt bằng đường biển, hoặc lái phi cơ bay theo để quan sát các Skyraider của Phi Đoàn 1 Khu Trục của KQVN có nhiệm vụ tấn công mục tiêu địch.

Sau đó, để giải quyết tình trạng mơ hồ về nhiệm vụ của các phi cơ võ trang (T-28 và B-26) thuộc Farm Gate, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ra chỉ thị một cách rõ ràng hơn, theo đó các phi cơ này được phép thi hành các phi vụ tác chiến “với điều kiện phải có ít nhất một nhân viên phi hành người Việt trên phi cơ”. Mục đích để trong trường hợp phi cơ bị bắn hạ, sự hiện diện của nhân viên phi hành Việt Nam này cùng với cờ hiệu VNCH trên phi cơ, sẽ chứng minh nhân viên Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò cố vấn, nghĩa là Hoa Kỳ không vi phạm Hiệp định Genève 1954.

Thời gian đó, phi trường Biên Hòa vẫn chưa được trang bị hệ thống đèn phi đạo, các phi cơ Skyraider của Phi Đoàn 1 Khu Trục không thể thi hành các phi vụ đêm, trong khi các cuộc tấn công của Việt Cộng lại thường xảy ra trong đêm tối, cho nên các phi cơ T-28 và B-26 của Farm Gate đã được sử dụng để thi hành các phi vụ yểm trợ ban đêm dưới ánh hỏa châu của các vận tải cơ SC-47 “Gooney Bird”, cũng thuộc lực lượng Farm Gate.

Tháng 12/1961, Hoa Kỳ quyết định đưa thêm T-28 sang Việt Nam, và với 25 hoa tiêu đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam, Phi Đoàn 2 Khu Trục của KQVN được thành lập tại căn cứ không quân Nha Trang, do Đại úy Phạm Long Sửu làm chỉ huy trưởng.

Đại úy Phạm Long Sửu, nguyên là thủ khoa Khóa 1 Hoa tiêu Quan sát (1952) tại TTHLKQ Nha Trang, sau đó theo học tại trường Võ Bị Không Quân Pháp (Salon-de-Provence), từng được huấn luyện trên các loại phản lực cơ Vampire và T-33, là một trong sáu hoa tiêu VN đầu tiên được kiểm định (check-out) trên khu trục F6F Hellcat tại Mecknès (Maroc).

Thành phần hoa tiêu nòng cốt của Phi Đoàn 2 Khu Trục đa số là những huấn luyện viên phi hành từ TTHLKQ Nha Trang thuyên chuyển về, như Trung úy Nguyễn Hồng Tuyền, các Thiếu úy Ôn Văn Tài, Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Bá Hợi, Bùi Thanh Khiết, Nguyễn Quang Ninh, Nguyễn Huy Cương, Nguyễn Văn Giang..., và hai hoa tiêu từ Phi Đoàn 1 Khu Trục là Thiếu úy Vũ Khắc Huề và Thiếu úy Nguyễn Hữu Bách.

Ít lâu sau, do nhu cầu cấp số, một số phi công đang phục vụ tại Phi Đoàn 1 Vận Tải hoặc các phi đoàn quan sát đã được thuyên chuyển bổ sung cho Phi Đoàn 2 Khu Trục, trong số này có các Thiếu úy Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Quốc Hưng, Thái Bá Đệ, Nguyễn Văn Vượng, Lê Văn Thảo, các Chuẩn úy Đặng Duy Lạc, Đàm Thượng Vũ...

Trong số nói trên, những người sau này lần lượt giữ chức vụ chỉ huy trưởng phi đoàn (kế tục 3 vị tiền nhiệm Phạm Long Sửu, Võ Xuân Lành, Dương Thiệu Hùng) gồm có: Ôn Văn Tài, Nguyễn Tấn Sĩ, Bùi Thanh Khiết, Thái Bá Đệ và Nguyễn Văn Vượng.

Các phi công chưa được huấn luyện chuyên biệt về ngành khu trục, khi thuyên chuyển về Phi Đoàn 2 Khu Trục được biệt phái tới Biệt Đội Farm Gate (tức Biệt Đội 2A) tại Biên Hòa, để được kiểm định và huấn luyện về tác xạ, oanh kích trên phi cơ T-28.

Sau thời gian huấn luyện với Biệt Đội Farm Gate, các phi công trở về phi đoàn để hoàn tất phần huấn luyện chuyên biệt của ngành khu trục.

Tới giữa năm 1962, Phi Đoàn 2 Khu Trục làm lễ xuất quân, và một biệt đội 8 chiếc T-28 được biệt phái ra căn cứ không quân Đà Nẵng để yểm trợ cho Vùng 1 Chiến thuật; về sau thêm một biệt đội được biệt phái lên Pleiku để yểm trợ chiến trường Tây Nguyên.


Phi Đoàn 516 “Phi Hổ”

Tháng 1/1963, Phi Đoàn 2 Khu Trục được cải danh thành Phi Đoàn 516 “Phi Hổ”. Tới tháng 2/1964 Phi Đoàn di chuyển ra Đà Nẵng để trở thành lực lượng tác chiến nòng cốt của Không Đoàn 41 Chiến Thuật vừa được thành lập, và đồn trú tại đây cho tới năm 1975. (Một số không quân cựu trào khi nhớ về “thuở ban đầu” của KQVN còn gọi Phi Đoàn 516 một cách trân trọng nhưng không chính thức là “Đệ Nhị Phi Đoàn Khu Trục”).

Trong khi việc thành lập phi đoàn khu trục thứ hai (Phi Đoàn 2 Khu Trục) diễn tiến tốt đẹp thì kế hoạch thành lập phi đoàn oanh tạc đầu tiên cho KQVN lại chết yểu.

Nguyên kế hoạch thành lập một phi đoàn oanh tạc gồm 25 oanh tạc cơ B-26 và 2 thám thính cơ RB-26 đã được phía Hoa Kỳ thông qua vào tháng 11/1962, nhưng tới giữa năm 1963, cùng với việc Hoa Kỳ chuẩn bị cho các oanh tạc cơ B-26 “về hưu”, kế hoạch nói trên đã bị dẹp bỏ, và thay bằng kế hoạch thành lập thêm các phi đoàn khu trục sử dụng khu trục cơ Skyraider (từ đoạn này, sẽ được gọi là A-1).

Như vậy, mặc dù đã có những chiếc B-26 mang cờ VNCH, huy hiệu KQVN, và có các nhân viên phi hành Việt Nam tháp tùng trong các phi vụ tác chiến, trên thực tế loại phi cơ này chưa hề được chuyển giao cho KQVN.

Về phần các phi cơ T-28 của Phi Đoàn 516 “Phi Hổ” (Phi Đoàn 2 Khu Trục) tới tháng 5/1964, đã được thay thế bằng A-1 Skyraider.
Tới năm 1969, trong chương trình hiện đại hóa KLVNCH, các khu trục cơ Skyraider của PĐ-516 đã được thay thế bằng phản lực cơ A-37 Dragonfly.

- Các phi đoàn khu trục 518, 520, 522, 524, 530

- Phi Đoàn 518 Phi Long:

Ngày 1/1/1964, Phi Đoàn 518 “Phi Long”, phi đoàn khu trục thứ ba trong KLVNCH, được thành lập tại CCKQ Biên Hòa, “cái nôi của ngành khu trục”. Chỉ huy trưởng: Đại úy Phạm Phú Quốc. Lúc thành lập, phi đoàn này cũng được tạm thời trang bị phi cơ T-28, và tới giữa năm 1964 đã được thay thế bằng A-1 Skyraider, cùng thời gian với PĐ-516.


Phi Đoàn 518 “Phi Long”

Giữa năm 1964, Không Đoàn 23 Chiến Thuật được thành lập tại Biên Hòa, Thiếu tá Phạm Phú Quốc lên làm phó cho Trung tá Phạm Long Sửu, Tư lệnh Không đoàn 23, bàn giao phi đoàn lại cho Đại úy Trần Công Chấn.

Đầu năm 1965, Đại úy Chấn hy sinh trong trận Long Toàn, Thiếu tá Nguyễn Văn Long (Long “con”) lên thay thế. Sau khi Thiếu tá Long tử nạn cùng với Thiếu tá Nguyễn Thế Anh (Chỉ huy trưởng Yểm Cứ) trong một phi vụ bay thử hệ thống thủy điều trên một chiếc A-1E (AD-5), Đại úy Lê Văn Thảo lên thay, trở thành vị Chỉ huy trưởng thứ tư chỉ trong vòng 1 năm trời!

Hai đời Chỉ huy trưởng kế tiếp của PĐ-518 là Đại úy Nguyễn Văn Lê và Thiếu tá Lê Quốc Hùng (Hùng “tây lai”).

- Phi Đoàn 520 Thần Báo:

Ngày 1/7/1964, Phi Đoàn 520 “Thần Báo” được thành lập, cũng tại CCKQ Biên Hòa, Chỉ huy trưởng: Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện. Phi đoàn này được thành lập cho Không Đoàn 74 Chiến Thuật, chỉ ở tạm Biên Hòa trong thời gian chờ đợi phi trường Bình Thủy hoàn tất.


Có thể nói 520 là một phi đoàn “tân lập” đúng nghĩa: đại đa số hoa tiêu là những người mới tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, sau khi về nước, trong lúc chờ đợi để xuyên huấn trên A-1 Skyraider với Liên Đoàn 34 Chiến Thuật của Không Lực Hoa Kỳ và Phi Đoàn Tác Chiến VA-152 của Hải Quân Hoa Kỳ tại Biên Hòa, họ đã tạm thời bay trên T-28 cho quen tay.

* * *

Đôi hàng về Liên Đoàn 34 Chiến Thuật và Phi Đoàn Tác Chiến VA-152:

Từ giữa năm 1963 tới giữa năm 1965, có hai đơn vị tác chiến phi hành của Hoa Kỳ đồn trú tại CCKQ Biên Hòa đã kiêm nhiệm việc xuyên huấn các nhân viên phi hành Việt Nam, là Liên Đoàn 34 Chiến Thuật (34th Tactical Group) của Không Lực Hoa Kỳ và Phi Đoàn Tác Chiến VA-152 của Hải Quân Hoa Kỳ.


Liên Đoàn 34 Chiến Thuật đảm trách việc xuyên huấn các hoa tiêu A-1 Skyraider từ tháng 7/1963 tới tháng 7/1965, còn Phi Đoàn Tác Chiến VA-152 chỉ góp phần từ tháng 4 đến tháng 12/1964.

Liên Đoàn 34 Chiến Thuật là một đơn vị đặc biệt của Không Lực Hoa Kỳ, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam trực thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân (Hoa Kỳ).

Tại Biên Hòa, Liên Đoàn 34 Chiến Thuật có hai đơn vị phi hành là Phi Đoàn 1 Cảm Tử (1st Air Commando Squadron) đảm trách việc xuyên huấn các hoa tiêu khu trục (A-1), và Phi Đoàn 19 Không Trợ Chiến Thuật (19th Tactical Air Support Squadron) đảm trách việc xuyên huấn hoa tiêu quan sát (O-1), và huấn luyện các quan sát viên.

Sau khi Liên Đoàn 34 Chiến Thuật chấm dứt nhiệm vụ xuyên huấn A-1 Skyraider cho hoa tiêu Việt Nam vào tháng 7/1965, qua năm 1966, công việc này được trao lại cho Phi Đoàn Huấn Luyện Phi Hành Đoàn Tác chiến 4400 (4400th Combat Crew Training Squadron, viết tắt là 4400th CCTS) ở Căn cứ Hurlburt Field, Florida, cũng là nơi đào tạo các hoa tiêu A-1 của Hoa Kỳ.

4400th CCTS chính là “đơn vị mẹ” của Biệt Đội 2A (Detachment 2A) của Chương trình Farm Gate. Biệt Đội này là tiền thân của Phi Đoàn 1 Cảm Tử đã nhắc tới ở một đoạn trên.

Cũng xin viết thêm, trước khi có chương trình xuyên huấn A-1 Skyraider cho hoa tiêu Việt Nam tại CCKQ Hurlburt Field, đã có khoảng 140 hoa tiêu A-1 của Việt Nam thuộc 10 khóa (từ Khóa 61 tới Khóa 65D) được đào tạo tại Trường Phi Hành Hải Quân Pensacola (US Naval Air School Pensacola) nổi tiếng, cũng ở tiểu bang Florida.

Trong danh sách tốt nghiệp khóa đầu tiên (Khóa 61 Navy) có các ông Hoàng Thanh Nhã (sau này giữ chức Không đoàn trưởng KĐ23CT), Dan Hoài Bửu (Phi đoàn trưởng PĐ-514), Lê Như Hoàn (Trưởng Khối Đặc Trách Khu Trục, Văn Phòng Tham mưu Phó Hành Quân/ BTL/KQ); khóa kế tiếp (62B Navy) có ông Phạm Bình An (Phi đoàn trưởng PĐ-516)...

* * *

Trở lại với PĐ-520, vào giữa năm 1965, trước khi được đưa về Bình Thủy với các A-1 Skyraider, Đại úy Võ Văn Hội lên nắm quyền chỉ huy, thay Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện (ra Đà Nẵng thành lập Biệt Đội 615, gồm các oanh tạc cơ phản lực B-57 Canberra). Sau khi Đại úy Hội bị thương trong một phi vụ yểm trợ quân bạn, Đại úy Phạm Quang Điềm được chỉ định thay thế.


Phản lực cơ B-57 Canberra

Về sau, vào năm 1969, PĐ-520 trở thành phi đoàn khu trục thứ ba trong KLVNCH được trang bị phản lực cơ A-37.

- Phi Đoàn 522

Sự hiện hữu (và hoạt động, nếu có) của Phi Đoàn 522 khu trục trước khi trở thành Phi Đoàn phản lực siêu thanh F-5 đầu tiên của KQVN vào đầu tháng 6/1967 được các tác giả ghi lại khác nhau.

Trong cuốn Flying Dragons (Osprey Publishing, 1988), tác giả Robert C Mikesh viết PĐ-522 được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1965, trực thuộc Biệt Đoàn 83 “với phi cơ A-1 và hoa tiêu được tuyển chọn từ các phi đoàn khu trục hiện hữu”.

Còn theo một vị cựu Phi đoàn trưởng khu trục trong KLVNCH thì PĐ-522 “được chính thức thành lập vào năm 1964 tại Tân Sơn Nhất, trực thuộc Biệt Đoàn 83 mà Đại úy Nguyễn Văn Tường là chỉ huy trưởng đầu tiên”.


Trong khi đó, theo một số vị sĩ quan từng nắm giữ các chức vụ chỉ huy trong Biệt Đoàn 83, PĐ-522 không hề có trong tổ chức của Biệt Đoàn. Theo các vị sĩ quan này, tác giả cuốn Flying Dragons còn thiếu chính xác khi viết danh xưng tiếng Anh của “Biệt Đoàn 83” là “83rd Special Operations Group”, viết tắt là SOG; đúng ra, danh xưng “Biệt Đoàn 83” đã được phía Hoa Kỳ dịch sang tiếng Anh là “83rd Special Air Group”, viết tắt là SAG.


83rd Special Air Group

Tới năm 2013, tức là ¼ thế kỷ sau khi cuốn Flying Dragons của Robert C Mikesh được phát hành, tác giả Byron E Hukee đã cho ra mắt cuốn USAF and VNAF A-1 Skyraider Units of the Vietnam War, cũng do nhà xuất bản Osprey Publishing phát hành.

Với nhiều tư liệu khai thác từ các hồ sơ đã được Hoa Kỳ giải mật (sau thời hạn 30 năm), cuốn sách của Byron E Hukee mang nhiều sức thuyết phục.

Theo cuốn sách này (từ trang 36 tới 38), vào đầu năm 1964, cùng với việc Trung tá Nguyễn Cao Kỳ được thăng cấp Đại tá và trở thành Tư lệnh KQVN, biệt đội “Cò Trắng” đã được tổ chức thành “Biệt Đoàn 83” (83rd Special Air Group”, viết tắt là SAG), danh hiệu “Thần Phong” (Divine Wind), do ông Nguyễn Cao Kỳ kiêm nhiệm chức Chỉ huy trưởng (Commanding Officer).

Vào thời gian đầu, ngoài những chiếc C-47 “Cò Trắng” đã có sẵn, lực lượng phi cơ của Biệt Đoàn 83 còn được tăng cường thêm 8 chiếc A-1H Skyraider, 2 chiếc U-6 Beaver, 2 chiếc Cessna U-17 và một số trực thăng H-34. Những chiếc A-1 này không phải phi cơ cơ hữu của Biệt Đoàn mà được luôn phiên “mượn” của các phi đoàn khu trục trong KLVNCH.

Qua năm 1965, cùng với việc Hoa Kỳ chuyển giao ồ ạt A-1 cho KQVN, một “phi đoàn khu trục tân lập” là Phi Đoàn 522 đã được thành lập trên giấy tờ (nằm trong tổ chức của Không Đoàn 33 Chiến Thuật ở Tân Sơn Nhất) với mục đích duy nhất là đứng tên “nhận” những chiếc A-1 của Hoa Kỳ rồi giao cho Biệt Đoàn 83; kết quả, Biệt Đoàn 83 đã làm chủ một số lượng A-1 tương đương cấp số của một phi đoàn, mà trên giấy tờ là phi cơ của “Phi Đoàn 522” - một “phi đoàn” không có danh hiệu, không có nhân viên, không có trụ sở... (Chú thích 4)


Phi Đoàn 522 "Thần Ưng"

Hơn một năm sau (1966), phi đoàn khu trục “chỉ có tên trên giấy tờ” này bị giải thể, phiên hiệu “522” được lấy để đặt cho phi đoàn phản lực cơ siêu thanh F-5 đầu tiên của KLVNCH, đó là Phi Đoàn 522 “Thần Ưng”, chính thức thành lập ngày 1/6/1967.

Về hoạt động của các khu trục A-1 thuộc Biệt Đoàn 83, tác giả Byron E Hukee cho biết trước khi có chiến dịch “Bắc Phạt” quy mô của KQVN vào đầu năm 1965 với sự tham dự của tất cả các phi đoàn khu trục, ngay từ năm 1964, biệt đội khu trục của Biệt Đoàn 83 đã thực hiện những phi vụ đêm tấn công các mục tiêu ở Đồng Hới.

Các phi cơ có nhiệm vụ tấn công mục tiêu ở phía bắc Đồng Hới được đưa sang “tạm trú” tại CCKQ Nakhon Phanom ở miền bắc Thái-lan, và xuất phát từ đây. Mỗi phi vụ gồm hai chiếc A-1, với bình xăng phụ 300-gallon dưới bụng và được trang bị 6 hoặc 8 trái bom Mk 82. Các phi cơ tấn công mục tiêu ở phía nam Đồng Hới thì xuất phát từ CCKQ Đà Nẵng.

Ngoài ra, các phi cơ A-1 của Biệt Đoàn 83 “tạm trú” tại Đà Nẵng còn thi hành những phi vụ trinh sát võ trang trên lãnh thổ Bắc Việt để theo dõi các hoạt động điều quân của CSBV từ phía bắc vùng phi quân sự cho tới Vinh. Các phi cơ thi hành nhiệm vụ này sẽ bay qua không phận Lào rồi từ đó thâm nhập không phận Bắc Việt.

Vì nhiệm vụ chính là “trinh sát” cho nên dù được “võ trang”, các khu trục cơ này khi bị cao xạ bắn lên cũng chỉ được quyền trả đũa sau khi xin phép “dưới đất”; và theo ký ức của những người trong cuộc, chưa bao giờ “dưới đất” cho phép họ tấn công!

- Phi Đoàn 524 Thiên Lôi

Ngày 15/9/1965, Phi Đoàn 524 “Thiên Lôi” được thành lập tại Nha Trang, cũng được trang bị A-1 Skyraider. Chỉ huy trưởng: Đại úy Nguyễn Quang Ninh.

Tiền thân của PĐ-524 là một biệt đội của PĐ-516 (Đà Nẵng), do Đại úy Nguyễn Quang Ninh làm Biệt đội trưởng, được biệt phái tới Căn Cứ Không Quân 92 (Pleiku), sau di chuyển về Nha Trang; trách nhiệm yểm trợ Vùng 2 Chiến thuật, từ phía nam Quảng Ngãi đến tận phía nam Phan Thiết (Bình Thuận).


Phi Đoàn 524 "Thiên Lôi"

Tháng 9/1965, PĐ-524 được thành lập với thành phần nòng cốt là các hoa tiêu của Biệt Đội 516. Đại úy Nguyễn Quang Ninh trở thành Chỉ huy trưởng Phi đoàn. Các vị Chỉ huy trưởng kế tiếp của PĐ-524 là Đại úy Đặng Duy Lạc, Đại úy Phạm Văn Phạm, Thiếu tá Bùi Gia Định, và vị sau cùng là Trung tá Sử Ngọc Cả.

[Sự chính xác về cấp bậc của các vị chỉ huy trong từng thời điểm được nhắc tới trong bài viết này chỉ có giá trị tương đối; bởi vì các tài liệu để lại cũng như ký ức của người trong cuộc trong nhiều trường hợp đã không có sự thống nhất]

Tới năm 1968, PĐ-524 trở thành phi đoàn đầu tiên của KQVN tiếp nhận phản lực cơ A37.

- Phi Đoàn 530 Thái Dương

Cuối năm 1970, phi đoàn khu trục cuối cùng của KQVN trang bị A-1 Skyraider được thành lập tại Pleiku: Phi Đoàn 530 “Thái Dương” (Jupiter), trực thuộc Không Đoàn 72 Chiến Thuật.

Việc thành lập một phi đoàn khu trục cánh quạt vào lúc KLVNCH đã bước sang thời kỳ hiện đại hóa - PĐ-522 được trang bị F-5, các PĐ-516, 520, 524 thay A-1 bằng A-37, và có thêm hai phi đoàn A-37 tân lập (PĐ-526 “Sa Tăng” và PĐ-528 “Hổ Cáp”) - dĩ nhiên phải có nguyên nhân đặc biệt của nó.

Nguyên nhân ấy là: tại vùng Tây Nguyên với địa thế núi non hiểm trở, thời tiết xấu quanh năm, nơi có nhiều căn cứ, tiền đồn, và có mức độ giao tranh cao nhất, A-1 Skyraider với khả năng oanh kích xạ kích vô cùng chính xác, với trang bị bom đạn hùng hậu, và với thời gian bao vùng lâu hơn, vẫn là loại phi cơ lý tưởng nhất trong nhiệm vụ yểm trợ tiếp cận.

Vị Phi đoàn trưởng đầu tiên của PĐ-530 là Thiếu tá Lê Bá Định, xuất thân Khóa 58A Trần Duy Kỷ, trước kia từng giữ chức Chỉ huy phó PĐ-514 (trước thời gian PĐ-530 được thành lập, vào đầu năm 1970, chức vụ “Chỉ huy trưởng/phó Phi đoàn” đã được đổi thành “Phi đoàn trưởng/phó”).

Thành phần nhân sự đầu tiên của PĐ-530 gồm 16 hoa tiêu trừng trải kinh nghiệm tới từ Biên Hòa: 8 của PĐ-514, 8 của PĐ-518.

Về phi cơ, phần lớn là A-1 Skyraider của hai đơn vị phi hành đặc biệt của Không Lực Hoa Kỳ đồn trú tại phi trường Nakhon Phanom, miền bắc Thái-lan, là Phi Đoàn 22 Đặc Nhiệm (22nd Special Operations Squadron, danh hiệu “Zorro”) và Phi Đoàn 602 Đặc Nhiệm (602nd Special Operations Squadron, danh hiệu “Sandy”) cùng bị giải thể vào năm 1970.


Phi Đoàn 530 "Thái Dương"

Các hoa tiêu của PĐ-530, do Thiếu tá Lê Bá Định cầm đầu, được đưa sang Nakhon Phanom để tiếp nhận những chiếc A-1 nói trên và bay về Pleiku.

Hai đời phi đoàn trưởng kế tiếp của PĐ-530 là Thiếu tá Nguyễn Văn Mười (nguyên Phi đoàn phó PĐ-514), và Thiếu tá Bạch Diễn Sơn.

* * *

Năm 1974, viện trợ quân sự tài khóa 1974-1975 của Hoa Kỳ cho VNCH đã bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm chỉ còn 300 triệu Mỹ kim cho cả QLVNCH (xin đưa ra một con số để so sánh: trước đó, trong tài khóa 1971-1972, chỉ riêng viện trợ cho KQVN đã lên tới gần 500 triệu).

Trước tình thế này, KQVN đã phải đóng cửa một số căn cứ và giảm bớt số biệt đội. Về phi cơ, do trình trạng thiếu bom đạn, thiếu nhiên liệu, thiếu phụ tùng thay thế, vào tháng 9/1974, KQVN đã phải cho đình động (đình chỉ hoạt động) 224 phi cơ, trong số này có toàn bộ lực lượng khu trục cánh quạt, gồm 61 chiếc A-1 Skyraider của PĐ-514, PĐ-518 ở Biên Hòa, và PĐ-530 ở Pleiku.

Trước tình trạng “xếp cánh” của các phi cơ, sau này một số tác giả đã phải mỉa mai: Đây là khoảng thời gian duy nhất trong cuộc chiến 20 năm, KQVN... thặng dư hoa tiêu!

Giữa tháng 3/1975, sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Quân Đoàn II được lệnh triệt thoái khỏi Kontum và Pleiku về vùng duyên hải, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 6 KQ, đã chỉ được phía Quân Đoàn thông báo lệnh di tản trước 48 tiếng đồng hồ, khi địch quân đã gia tăng tối đa cường độ pháo kích phi trường. Tất cả những gì ông có thể làm chỉ là xin BTL/KQ cung cấp phương tiện di chuyển binh sĩ và gia đình họ ra khỏi vùng lửa đạn; còn 64 phi cơ đang bị đình động hoặc đang chờ sửa chữa, trong đó có toàn bộ A-1 Skyraider của PĐ-530, đã bị bỏ lại vì không có đủ thì giờ chuẩn bị.

Tới đầu tháng 4/1975, với khả năng tiêu diệt xe tăng, pháo binh địch và yểm trợ tiếp cận chính xác, các khu trục cơ A-1 của hai PĐ-514 và 518 ở CCKQ Biên Hòa đã được cho tái hoạt động để yểm trợ phòng tuyến Phan Rang, tiếp theo là mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh).

Sáng ngày 16/4/1975, trong lúc tấn công các đơn vị cộng sản đang tiến vào thị trấn Phan Rang, Thiếu tá Trần Sĩ Công, PĐ-514, đã bị bắn rơi và tử nạn, được ghi nhận là “Phượng Hoàng” cuối cùng hy sinh vì Tổ Quốc.

Vào tuần lễ cuối của tháng 4/1975, vì phi trường Biên Hòa bị pháo kích liên tục, tình trạng an toàn của phi đạo không được bảo đảm, tất cả các loại phi cơ fixed-wing được di tản về Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, chỉ còn lại lực lượng trực thăng của KĐ43CT (các trực thăng sau đó di tản vào đêm 27/4/1975).

Các phi vụ tác chiến cuối cùng của lực lượng khu trục cánh quạt trong KLVNCH được ghi nhận vào sáng ngày 29/4/1975 trên không phận thủ đô Sài Gòn. Hai chiếc A-1 của PĐ-518 do Đại úy Trần Văn Phúc (Phi Long 51) và Thiếu tá Trương Phùng cất cánh từ Tân Sơn Nhất, và hai chiếc A-1 của PĐ-514 do Thiếu tá Hồ Ngọc Ấn (Phượng Hoàng 11) và Đại úy Nguyễn Tiến Thụy về từ Cần Thơ.

Trong phi vụ cuối cùng này, Thiếu tá Trương Phùng – người đã tình nguyện bay “wingman” cho do Đại úy Phúc vì thiếu hoa tiêu – đã anh dũng hy sinh và được ghi nhận là hoa tiêu khu trục cuối cùng của PĐ-518, và cũng là của cả ngành khu trục KLVNCH đền nợ nước.

3- KHẢ NĂNG & THÀNH TÍCH

KLVNCH lần lượt sử dụng ba loại khu trục cánh quạt khác nhau: F8F Bearcat, T-28 Trojan, và A-1 Skyraider. Tuy nhiên, vì F8F và T-28 chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn lúc ban đầu, khi lực luợng du kích quân cộng sản tại miền Nam VN chưa lớn mạnh, có thể nói lực lượng tác chiến chính yếu của KLVNCH trong thập niên 1960 chính là các khu trục cơ A-1 Skyraider, và kể cả khi đã bước sang thập niên 1970, các phản lực cơ F-5, A-37 đã làm chủ bầu trời, A-1 vẫn tiếp tục tạo được những thành tích mà không một loại phi cơ chiến thuật đương thời nào, kể cả cánh quạt lẫn phản lực, có thể đạt được trong nhiệm vụ yểm trợ tiếp cận.

Nhiều tác giả ngoại quốc nhận xét: chỉ tới sau khi được trao cho KLVNCH, A-1 Skyraider mới có cơ hội chứng tỏ khả năng siêu việt và những ưu điểm của nó.


Cũng cần nhấn mạnh, A-1 Skyraider không được chế tạo với mục đích chính là nghênh cản (không chiến) như F8F, nó cũng không phải một phi cơ huấn luyện được cải biến thành khu trục cơ & oanh tạc cơ hạng nhẹ như T-28, mà được chế tạo với mục đích chính là tấn công mục tiêu dưới mặt đất, gồm yểm trợ tiếp cận (close air support) và đánh phá hậu tuyến địch (interdiction); cho nên nó được trang bị một động cơ cực mạnh, có khả năng mang tới 8.000 cân Anh vũ khí bom đạn, có vỏ giáp thật dày để bảo vệ các vị trí trọng yếu chống lại hỏa lực từ mặt đất, có khả năng bay chậm và có tầm hoạt động xa hơn nhiều loại phi cơ lớn hơn.

“Tầm hoạt động” khi áp dụng vào chiến trường Việt Nam đồng nghĩa với “thời gian bao vùng”. Theo một tài liệu về chiếc A-1H của Hải quân Hoa Kỳ, trên lý thuyết nó có thể ở trên trời 10 tiếng đồng hồ liên tục, còn theo một tác giả trong KQVN, cũng là một hoa tiêu khu trục kỳ cựu, những phi vụ của ông trên A-1H thường kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ.

“Thời gian bao vùng” lâu của A-1 ngoài việc kéo dài thời gian yểm trợ, còn mang yếu tố tâm lý, khiến quân địch hoang mang, lo sợ, và quân bạn giữ vững tinh thần, bởi họ biết mình không chiến đấu cô đơn.

* * *

Nhưng khả năng của phi cơ chỉ là một trong hai yếu tố quyết định, yếu tố còn lại là tài ba và nhiệt huyết của người phi công. Cuốn Quân Sử Không Quân VNCH (Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH – Úc Châu, 2005) viết:

“...tại Căn cứ Hải Quân LeMoore, San Diego, khi thực tập oanh kích, xạ kích bằng bom đạn thật, các hoa tiêu Việt Nam đã gây “tốn kém” khá nhiều cho đơn vị huấn luyện trong việc thay thế các mục tiêu (xe tăng, chòi, công sự...) bị họ phá hủy!” (tr 57)

Về mức độ tấn công chính xác, một trong những thí dụ điển hình nhất là thành tích của PĐ-518 tại mặt Quảng Trị trong Mùa Hẻ Đỏ Lửa 1972.

Ngày ấy, trước việc quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt với hàng trăm chiến xa T-54 ồ ạt vượt Vùng phi quân sự tiến chiếm tỉnh Quảng Trị, và các phản lực cơ A-37 của KLVNCH không thể hoạt động hữu hiệu vì thời tiết xấu và không có khả năng bay thấp, ngày 1/7/1972 toàn bộ phi cơ và hoa tiêu của PĐ-518 ở CCKQ Biên Hòa đã được điều động ra tuyến đầu.

Ngay ngày hôm sau, 2/7/1972, gần một chục chiến xa địch đã bị các hoa tiêu khu trục loại khỏi vòng chiến, trong đó có 3 chiếc là chiến công của Đại úy Trần Thế Vinh. Chỉ hai ngày sau, tổng số chiến xa bị Đại úy Vinh tiêu diệt đã lên tới con số 20; nếu người hoa tiêu khu trục tài ba 26 tuổi ấy không hy sinh vào ngày 9/7/1972, chắc chắn con số ấy còn cao hơn nữa.

Các hoa tiêu khác của PĐ-518 cũng đạt được những thành tích đáng nể phục, như Đại úy Nguyễn Ngọc Lành với 17 chiến xa, Đại úy Trương Phùng với 15 chiếc...

* * *

Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, bên cạnh khả năng oanh kích, tác xạ chính xác, các hoa tiêu khu trục VN còn phải tùy theo nhu cầu chiến trường đòi hỏi và loại bom đạn có trong tay (do Hoa Kỳ viện trợ) mà trổ tài biến ứng.

“...Súng đại bác 20mm có thể duy trì yểm trợ từ 30 phút trở lên, có khi chỉ bắn mỗi lần hai khẩu để tiết kiệm đạn dược, mà độ chính xác thì rất cao, có thể nhắm bắn ngay mũi một xuồng ba lá để làm vỡ tung xuồng thay vì bắn thủng xuồng (VC sẽ trét lại). Muốn đốt nhà thì chỉ cần bắn đạn lửa vào nhà bếp chứ không cần thả bom napalm.” (Phi Đoàn 1 Khu Trục, Nguyễn Quang Tri)

Nhưng chỉ tài ba thì chưa đủ mà cần có nhiệt huyết, quyết tâm bảo vệ lý tưởng Tự Do.

Nhiệt huyết, quyết tâm ấy đã được cả phía đồng minh Hoa Kỳ khâm phục và trân trọng. Vào ngày 26/4/1965, PĐ-514 “Phượng Hoàng” đã hãnh diện trở thành đơn vị đầu tiên trong QLVNCH được ân thưởng Huân chương Tổng thống Hoa Kỳ cho cấp Đơn vị (Presidential Unit Citation), huân chương cao quý nhất của Hoa Kỳ dành cho các đơn vị anh hùng, đồng thời được mang dây biểu chương màu Bảo Quốc Huân Chương của QLVNCH.

Dĩ nhiên, PĐ-514 chỉ là một điển hình của truyền thống hào hùng bất khuất trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương miền Nam VN của cả một tập thể phi hành trong KLVNCH, tập thể của những chàng phi công khu trục coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“...Chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến tinh thần chiến đấu cực kỳ hăng say của các cánh chim Phượng Hoàng vào những đợt tổng công kích Tết Mậu Thân 1968... Có nhiều anh đã thi hành đến bốn phi vụ trong ngày rồi mà vẫn còn tỉnh táo túc trực quanh phòng hành quân, đợi coi xem mình còn có thể xen vào chỗ trống nào trên bảng phi lệnh nữa không.” (Phi Đoàn 1 Khu Trục, Phượng Hoàng Kim Cương)

Hãy thử điểm qua danh sách 13 người trong “nhóm Phạm Phú Quốc” vào ngày tàn cuộc chiến:

1- Phạm Phú Quốc (hy sinh trên A-1H trong phi vụ Bắc Phạt)
2- Nguyễn Thế Long (tử nạn trên F-8F trên sông Nhà Bè)
3- Võ Văn Sĩ
4- Nguyễn Tấn Sĩ (hy sinh trên A-1H trong phi vụ Bắc Phạt)
5- Mạc Kỉnh Dung (hy sinh trên A-1H trên chiến trường miền Nam)
6- Vũ Khắc Huề (hy sinh trên A-1H trong phi vụ Bắc Phạt)
7- Trương Đăng Lượng
8- Lê Ngọc Duệ
9- Nguyễn Đình Nam
10- Nguyễn Hữu Bách
11- Thái Văn Dương
12- Võ Văn Xuân (tử nạn trên F8F tại miền Nam)
13- Huỳnh Hữu Bạc (tử nạn trên F8F tại miền Nam)

Nhưng bi thảm – và bi hùng - hơn cả phải là những gì được ghi lại trong hồi ký của Phó Đô đốc Kenneth E. Moranville, Tư lệnh Đệ Tam Hạm Đội Hoa Kỳ, đặt đại bản doanh tại Trân Châu Cảng, Hạ-uy-di (vào thời điểm 1987).

Phó Đô đốc Kenneth E. Moranville chính là vị Hải quân Đại úy trách nhiệm việc xuyên huấn sáu hoa tiêu A-1 Skyraider đầu tiên của Phi Đoàn 1 Khu Trục tại Corpus Christi, Florida vào giữa năm 1960. Tới đầu tháng 9/1960, sau khi những chiếc Skyraider đầu tiên được đưa tới Biên Hòa, Đại úy Moranville đã sang Việt Nam để phụ trách việc chuyển giao và xuyên huấn tại chỗ cho những hoa tiêu khác.

Cuối năm 1960, ông trở về Hoa Kỳ. Chín năm sau ông trở lại Vịnh Bắc Việt trong chức vụ Sĩ quan Hành quân của một phi đoàn A-7 Corsair II trên mẫu hạm. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình có tựa đề “In 1969”, ông viết:

“Theo kết quả cố gắng tìm hiểu của mình, tôi được biết trong tổng số 28 hoa tiêu mà tôi đã bay chung, nay chỉ còn duy nhất một người sống sót. Trong khi vào khoảng thời gian tôi ở Biên Hòa, mất mát duy nhất là cái chết trên Bearcat của vị Chỉ huy trưởng Phi Đoàn (tức Đại úy Lưu Văn Đức – chú thích của người viết). Hẳn là trong những năm tháng qua, các hoa tiêu Việt Nam bay vô số phi vụ tác chiến.”

Sau cùng, không thể không nhắc tới chiến dịch “Bắc Phạt” của lực lượng khu trục trong KLVNCH, với trên 30 phi vụ oanh kích quy mô, do các hoa tiêu A-1 thực hiện tại miền Bắc từ đầu năm 1965 tới đầu năm 1966 (chưa kể những phi vụ tuần thám võ trang, rải truyền đơn...), nhắm vào các doanh trại, đài ra-đa, kho vũ khí đạn dược, cầu cống đường xá, và cả phi trường Đồng Hới...

Trung tá Phạm Phú Quốc, Tư lệnh Không Đoàn 23 Chiến Thuật (Biên Hòa) và 5 hoa tiêu khu trục ưu tú khác - Đại úy Nguyễn Hữu Chẩn, các Trung úy Vũ Khắc Huề, Nguyễn Tấn Sĩ, và hai Thiếu úy Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Thế Tế - đã hy sinh trong chiến dịch này.

Tổng kết danh sách hoa tiêu khu trục đã hy sinh trong cuộc chiến 20 năm là việc bất khả thi. Cho nên chỉ có thể viết một cách ngắn gọn:

Nếu trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền Nam VN, Không Quân đã được ghi nhận là quân binh chủng có tỷ lệ sĩ quan đền nợ nước cao nhất, thì cũng có thể suy ra, trong tổng số sĩ quan Không Quân đã hy sinh ấy, hoa tiêu khu trục chiếm tỷ lệ cao nhất. Lưu Văn Đức, Phạm Phú Quốc, Nguyễn Hữu Chẩn, Trần Thế Vinh, Phạm Văn Thặng, Trần Sĩ Công, Trương Phùng... chỉ là một số tên tuổi điển hình trong số hàng trăm hoa tiêu đã tình nguyện phục vụ trong ngành khu trục, và đã bỏ mình vì lý tưởng “Tổ Quốc – Không Gian”.

(Hết Phần I – Ngành Khu Trục Cánh Quạt)

NGUYỄN HỮU THIỆN
Melbourne, Australia, tháng 11/2016

CHÚ THÍCH:

(1) Ông Nguyễn Văn Hinh là con trai của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1915 tại Mỹ Tho, Định Tường. Năm 1936, ông gia nhập Không Quân Pháp, được theo học khóa 2 tại Trường Võ Bị Không Quân Pháp (Salon-de-Provence). Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, ông chỉ huy một Liên phi đoàn Oanh tạc, bay phi cơ B-26 “Marauder” đóng tại Blida, Algeria, phục vụ dưới cờ Pháp Quốc Tự Do do Tướng De Gaulle lãnh đạo.

Ông đã thi hành nhiều phi vụ oanh tạc tại miền Nam nước Ý do quân Đức Quốc Xã chiếm đóng, và rất được người Pháp nể trọng. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông chuyển sang ngành vận tải, giữ chức Chỉ huy trưởng Phi Đoàn GT 2/62 Franche-Comté.

Phi Đoàn này tới đồn trú tại Biên Hòa năm 1949. Qua năm 1950, ông xin ra khỏi Không Quân Pháp để giữ chức Tổng Thư ký Bộ Quốc Phòng của Việt Nam Quốc Gia mới được thành lập (Bộ trưởng là Bs Phan Huy Quát). Năm 1952, ông được Quốc trưởng Bảo Đại thăng cấp đặc cách từ Trung tá lên Thiếu tướng, trở thành vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia VN, tiền thân của QLVNCH]

(2) Có hai giả thuyết về nguyên nhân gây ra cái chết của Đại úy Lưu Văn Đức: thứ nhất, khung phòng phi cơ quá cũ đưa tới việc cánh phải bị gẫy; thứ hai, đạn đại bác 20 ly bị kẹt và phát nổ trong ổ súng đã làm gẫy cánh phi cơ. Một số người còn đưa ra giả thuyết thứ ba: phi cơ bị địch bắn hạ bằng súng phóng hỏa tiễn. Một sự trùng hợp với giả thuyết thứ ba là sau đó không lâu, một toán tuần tiễu của QLVNCH khi tới được chỗ phi cơ bị rớt, đã tìm thấy một xác người cháy đen trong tay còn ôm khẩu súng phóng hỏa tiễn (bazooka), cạnh đó là những mảnh vụn của xác phi cơ. Tuy nhiên, về sau các viên chức điều tra đã không có đủ dữ kiện để đi tới một kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra tai nạn.

(3) Một số tác giả khi viết về T-28 đã viết rằng “Trojan” là tên gọi kiểu huấn luyện, “Nomad” là tên gọi kiểu võ trang. Viết như thế là không chính xác!

“Trojan” là tên nguyên thủy và chính thức của T-28, kể cả loại sử dụng để huấn luyện lẫn loại được cải biến thành khu trục - oanh tạc cơ hạng nhẹ. Chỉ có một số nhỏ T-28A khi được cải biến để sử dụng trong Chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP) mới có tên “Nomad”; còn lại tất cả các loại T-28 khác, trong đó có loại T-28D của Phi Đoàn 1 Cảm Tử (Hoa Kỳ) và Phi Đoàn 2 Khu Trục (VN) đều được gọi là “Trojan”. Còn trong hồ sơ, văn kiện chính thức của Hoa Kỳ, tất cả mọi kiểu T-28 đều mang tên “Trojan”.

(4) Chính bản thân tác giả bài viết này, do “tin tưởng” vào cuốn Flying Dragons của Robert C Mikesh, trước đây đã từng viết sai khá nhiều chi tiết khi đề cập tới Biệt Đoàn 83 và Phi Đoàn 522.

Cùng với cuốn USAF and VNAF A-1 Skyraider Units of the Vietnam War của tác giả Byron E Hukee, mới đây NT Trần Bá Hợi, người từng phục vụ tại Biệt Đoàn 83, và NT Nguyễn Ngọc Khoa (Khoa “đen”), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt Đoàn 83 (sau khi Thiếu tá Lưu Kim Cương xuống Cần Thơ thành lập Biệt Đoàn 74, tiền thân của Không Đoàn 74 Chiến Thuật vào đầu năm 1964), cũng xác nhận PĐ-522 không có trong tổ chức của Biệt Đoàn 83, đồng thời danh xưng tiếng Anh của Biệt Đoàn là “83rd Special Air Group” (SAG) chứ không phải “83rd Special Operations Group” (SOG) như tác giả Robert C Mikesh đã viết trong cuốn Flying Dragons.

Cũng nên biết, ba chữ viết tắt SOG là thay cho Studies and Observations Group, một đơn vị đa năng đặc biệt tối mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam, trực thuộc MACV, thường được gọi một cách đầy đủ là MACV-SOG.

Trang mạng Wikipedia viết:

“Established on 24 January 1964, the unit (MACV-SOG) conducted strategic reconnaissance missions in the Republic of Vietnam (South Vietnam), the Democratic Republic of Vietnam (North Vietnam), Laos, and Cambodia; carried out the capture of enemy prisoners, rescued downed pilots, and conducted rescue operations to retrieve prisoners of war throughout Southeast Asia; and conducted clandestine agent team activities and psychological operations.”

Trong số những số đơn vị phi hành của KLVNCH từng hợp tác với MACV-SOG, nổi tiếng nhất phải là Phi Đoàn 219 Long Mã, call sign “King Bee”, chuyên nghề thả Biệt Kích và cấp cứu các phi hành đoàn lâm nạn. Năm 1972, cùng với việc Hoa Kỳ rút quân khỏi VN, MACV-SOG bị giải thể.

* * *

NT Trần Bá Hợi hiện vẫn còn giữ được phù hiệu “SAG” của biệt đội khu trục thuộc Biệt Đoàn 83 mà các phi công mang trên vai áo bên phải, có hàng chữ “THE LAST REAL FIGHTERS – 83 SAG”; tác giả của phù hiệu này là NT Nguyễn Quốc Phiên.

Về nhân sự của Biệt Đoàn 83, NT Trần Bá Hợi cho biết nguyên văn như sau:

“Phi công vận tải, quan sát, trực thăng và khu trục đều từ các đơn vị trong KLVNCH thuyên chuyển về BĐ 83. Nhưng tất cả đều qua lời yêu cầu hoặc phải được sự đồng ý của Chỉ huy trưởng hoặc Trưởng phòng Hành quân BĐ 83. Sau khi đã trực thuộc BĐ rồi thì các phi công sẽ qua một chương trình huấn luyện đặc biệt để thi hành những loại phi vụ theo ngành của đương sự... Riêng biệt đội Khu Trục BĐ 83 thì ngay thời gian khởi sự được Huấn Luyện Viên Hải Quân Hoa Kỳ (US Naval Air Commando) huấn luyện tại Việt Nam bằng phi cơ A-1H...

Một số phi công khu trục như Trung úy Phạm Phú Quốc (không thuộc BĐ 83), Thiếu úy Nguyễn Hữu Bách, Thiếu úy Nguyễn Văn Long, Thiếu úy Nguyễn Quốc Thành... bay thực tập những phi vụ truy kích với phi cơ A-1H, cần những sự chính xác về thời gian, hướng bay và cao độ thấp, cách mặt đất hoặc mặt biển độ chừng 50 feet cho ban ngày và 200 feet cho ban đêm qua Radar Altimeter, tức là cao độ chính xác từ mặt đất tới bụng phi cơ, cất cánh lúc tờ mờ sáng để bay tập những phi vụ này để sẵn sàng thi hành những phi vụ cảm tử trong tương lai, nhưng chương trình này đã bị hủy bỏ.

Huy hiệu Thần Phong trên thân phi cơ và chữ Cửu Sừng Cửu Sách, v.v..., hai bên nắp đậy động cơ (cowling) của phi cơ A-1H thuộc biệt đội Khu Trục của BĐ 83 là do sáng kiến của anh Nguyễn Huy Cương (Cương khào), một phi tuần trưởng khu trục thuộc BĐ 83.”

* * *

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Quân Sử Không Quân VNCH (Liên Hội Ái Hữu Không Quân - Úc Châu, 2005)
- Phi đoàn 1 Khu Trục, Nguyễn Quang Tri
- Phi đoàn 1 Khu Trục, Phi Đoàn 518 Phi Long, Phượng Hoàng Kim Cương
- Phi đoàn 2 Khu Trục, Trần Bá Hợi
- Sơ lược về sự thành lập các đơn vị Không Quân, Trần Mạnh Khôi
- South Vietnamese Air Force, Jim Mesko
- Flying Dragons, Robert C Mikesh
- USAF and VNAF A-1 Skyraider Units of the Vietnam War, Byron E Hukee

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét