Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Một kỷ niệm về Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn
(Bác sĩ Nghiêm Hữu Hùng)



Tôi thuộc lòng bài thơ “Après la bataille” của Victor Hugo và luôn xem đó là hành trang vào đời khi nhập ngũ :

“Làm cách nào đối xử với con người cả bạn lẫn thù với lòng nhân”

Tuy nhiên những gì xảy ra ngoài chiến trường nhiều khi khác hẳn với thơ Victor Hugo, nhân vật chính (mon père ...) trong bài thơ là một vị tổng chỉ huy, có toàn quyền quyết định về hành động của mình còn tôi chỉ là Y sĩ Trung úy, một cấp bậc rất nhỏ, ngoài phạm vi chuyên môn ra, có rất nhiều hoàn cảnh không thể tự mình quyết định được như câu chuyện sau đây:

Thời Chiến Tranh Việt Nam, thông thường các Sĩ quan cao cấp đối xử với Bác sĩ rất tốt, cả hai bên đều tỏ lòng quý trọng lẫn nhau. Nhưng cũng có rất nhiều nghịch cảnh, một chuyện ai cũng biết là đôi khi có vài Binh sĩ vì sợ chết nên đã “tự hủy hoại thân thể” bằng nhiều cách như :

- Chích mủ xương rồng vào ngón tay để gây gangrène (mất ngón trỏ bàn tay phải thì sẽ được giải ngũ vì không thể bóp cò súng)

- Tự bắn vào lòng bàn tay

- Đào một cái hố, thò bàn chân vào trong rồi ném kíp lựu đạn xuống hố, tự hủy hoại bàn chân, v.v...

Đại khái có rất nhiều cách mà chỉ trong thời gian ngắn một Bác sĩ có thể phân biệt được vết thương nào là thật, vết thương nào tự tạo.

Tuy nhiên cái khó nhất là xử sự ra sao với tình trạng hủy hoại thân thể.

Trong phần lớn trường hợp, dù biết tôi cũng bỏ qua không báo cáo, vẫn cho xe cứu thương hoặc gọi trực thăng tải thương.

Lần đầu tôi phải đối phó với sự trớ trêu là tháng 8 năm 1974 khi đi hành quân tăng phái cho Tiểu khu Chương Thiện, lúc đó Tỉnh trưởng là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn (Đại tá Cẩn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 bị Việt Cộng kết án tử hình và xử bắn tại Sân Vận Động Cần Thơ.)

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn lớn hơn tôi khoảng 5 tuổi, có vẻ mặt thư sinh và nho nhã, xuất thân từ (trường) Thiếu Sinh Quân, nhưng trái với những huyền thoại về một chiến binh can trường, cách nói chuyện của ông lại rất từ tốn và chín chắn tuy ông vẫn lấy làm tiếc là không được học cao nhưng là một Quân nhân đúng nghĩa, thương Binh sĩ, chiến đấu hết mình và rất trọng người có học.

Ông tỏ ra rất quý mến tôi, mỗi buổi chiều thường mời ăn cơm chung và những lúc rảnh rỗi ông bỏ ra cả giờ để tâm sự về cuộc đời. Nhưng một buổi sáng giao tình của chúng tôi đột nhiên trở nên căng thẳng khi ông “mời” tôi đến thăm “chuồng cọp”, nơi giam giữ các Quân nhân bị kỷ luật và các Quân nhân tự hủy hoại thân thể.

Đại tá Cẩn chỉ một anh lính bị vết thương hoại tử (Gangrène) ở mắt cá chân rồi hỏi tôi, rất lịch sự :

- “Xin Bác sĩ cho biết trường hợp này nếu đưa vào Bệnh Viện sẽ phải cưa chân tới đâu ?”

- “Tôi thấy là phải tải thương anh ta ngay, còn cưa chân tới đâu thì Bác sĩ ở Bệnh Viện mới quyết định được.”

Rồi tôi cũng gần như quên chuyện này vì quân nhân đó là thuộc cấp của ông ta, không thuộc quyền tôi. Nhưng hai, ba hôm sau Đại tá Cẩn lại mời tôi tới thăm “chuồng cọp”. Tôi ngạc nhiên tới mức không còn phản ứng gì khi thấy vẫn là anh lính cũ mà vết thương đã nặng hơn nhiều, sốt cao và Gangrène đã tới gần đầu gối, Đại tá Cẩn vẫn nói rất từ tốn nhưng có vẻ hơi lạnh lùng:

- “Bác sĩ cho biết nếu bây giờ tải thương thì cưa chân tới đâu ?”

Tôi trả lời :

- “Xin Đại tá Cho tải thương ngay đi, vì cầm chắc phải cưa tới đầu gối.”

- “Vậy tôi nhờ Bác sĩ mỗi ngày ghé qua đây một lần, khi nào cưa tới háng thì báo cho tôi biết.”

Bây giờ thì tới lượt tôi nổi nóng :

- “Đại tá Có đùa với tôi không đấy ? Là Y sĩ tôi không thể mất nhân tính như vậy được.”

Mặt ông ta đột nhiên đỏ bừng và chuyển thái độ xưng hô :

- “Anh có biết là chưa có một ai trong Tỉnh này dám trái lệnh tôi không ?”

Và cũng là lần đầu tôi lớn tiếng với một Sĩ Quan cao cấp :

- “Tôi biết, người đầu tiên dám trái lệnh ông là tôi, ngay từ bây giờ ông có thể kiếm bất cứ ai không dám trái lệnh ông mà hỏi, tôi sẽ không làm việc với ông nữa.”

Rồi cả hai chúng tôi đều quay mặt bỏ đi không nói với nhau thêm lời nào. Một điều tôi biết chắc chắn là ngoài chiến trường những Sĩ quan cao cấp và có toàn quyền như Đại tá Cẩn, nếu muốn giết một Quân Y sĩ như tôi rất dễ dàng, có thể sai bất cứ một thuộc cấp nào làm rồi đổ cho chiến tranh là xong. Tối hôm đó khi trở về phòng ngủ, mấy người lính Quân Y và người cận vệ lo ngại lắm, tổ chức gác vòng trong vòng ngoài nhưng tôi chỉ biết cám ơn và nói với họ :

- “Nếu họ muốn giết mình thì canh gác được tới bao giờ ?”

Tôi ngồi viết một bản tường trình nhờ người cận vệ cất giữ để “nếu có gì xảy ra” sẽ trao cho gia đình tôi.

Qua hai ngày như thế, tới đêm thứ ba thì bỗng nhiên Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đích thân tới phòng tôi mời lên tư dinh để “nhậu chơi” với thái độ rất hòa hoãn và lịch thiệp. Trong bữa tiệc rượu chỉ có hai người, ông tâm sự :

- “Bác sĩ có thể xem thường tôi nhưng thử nghĩ xem, tôi là một Quân nhân thuần túy, phải trừng phạt họ để cảnh cáo chứ tôi cũng biết đau lòng, và nếu ai cũng hủy hoại thân thể thì lấy ai đánh Việt Cộng ?”

- “Khi đất nước mất rồi thì chúng nó ‘cưa đầu’ tất cả anh em mình, thành ra cái chân của một thằng hèn đâu có nghĩa lý gì?”

Tôi thật sự cảm động với thái độ hết sức lý lẽ của ông ta nên cũng đáp lại :

- “Tôi cũng suy nghĩ nhiều mấy ngày hôm nay, tôi hiểu và cảm phục Đại tá nhưng mong Đại tá cũng hiểu cho là những gì tôi được dạy dỗ từ trong gia đình tới học đường đều là đúng và tôi không thể thay đổi cách suy nghĩ được.”

Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã đứng dậy bắt tay tôi rồi nói :

- “Tôi thành thật xin lỗi việc vừa qua, sáng mai nhờ Bác sĩ tải thương binh này sang Quân Y Viện.”

Câu chuyện đã gần 40 năm mà mỗi tháng tư đến, tôi vẫn nhớ tới Đại tá Hồ Ngọc Cẩn như chuyện mới xảy ra hôm qua và rất khâm phục thái độ “Quân tử” của ông.

Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tiếc là ngày đó mình còn quá trẻ đầy tự ái và cao ngạo. Đúng ra tôi phải tìm đến trước để nói chuyện với Đại tá Hồ Ngọc Cẩn thì mới phải lẽ !

Mong hương hồn Đại Tá xem đây là một lời tạ lỗi của tôi, dù có hơi muộn màng.


Bác sĩ Nghiêm Hữu Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét