Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

  QUAN HỌ BẮC NINH  ĐÃ B ĐẢNG NHỐT VÀO NHÀ HÁT VỚI NHỮNG HÀNG GHẾ DƯỚI SÂN KHÁU TOÀN LÀM BẰNG GỔ QUÍ RẤT XA XỈ

Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua được gọi là "dòng sông quan họ". Kinh Bắc là một tỉnh cũ bao gồm cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (và một phần của Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nội ngày nay). Quan họ cũng được hình thành ở vùng văn hóa Bắc Ninh này. Do có sự chia tách về địa lý sau đó mà quan họ còn được gắn tên cục bộ địa phương như quan họ Bắc Giang, Bắc Ninh.

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

Vào năm 2009, “Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể của nhân loại UNESCO” đã tôn vinh Dân ca quan họ Bắc Ninh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Sau đó một dự án khởi công xây dựng Nhà Hát Quan Họ được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phê duyệt vào năm 2016 và khánh thành vào năm 2019. 

Nhà hát tọa lạc trên một khu đất vốn là một cánh đồng rộng khoảng 2 héc ta. Nó như hình ảnh một con thuyền trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Phiá trong của nhà hát , bên dưới sân khấu được bố trí 350 cái ghế bành Đồng Kỵ bằng gỗ gụ, mỗi ghế bành lại nối tiếp với một đôn vuông cũng bằng gỗ gụ. Tất cả đều được phun sơn rất thẩm mỹ. Đây chính là điều gây tranh cải vì đem nó khác với đặc tính của khung cảnh trình diển của Quan Họ qua cái nhìn tôn vinh vủa Unesco. 



PHONG CÁCH CHƠI QUAN HỌ TRUYỀN THỐNG

Quan họ truyền thống chỉ thấy tồn tại ở 67 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú "chơi Quan họ", không phải là "hát Quan họ" Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.

"Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức "cái tình" của bạn hát). Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích đến tận ngày nay như: Vốn liếng em có 30 đồng, Mời nước mời trầu, Ngồi tựa song đào, Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Xe chỉ luồn kim,..

Quan họ là hát giao duyên. Mặt đối mặt, lời đối lời. Unesco ghi danh " Không gian văn hoá Quan họ", tôn vinh tính cộng đồng của di sản văn hoá phi vật thể này. Theo TS Nguyễn Xuân Diện, người Kinh Bắc xưa hát Quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia..Xây một nhà hát với không gian kín, không khác gì đi ngược với sự tôn vinh của Unesco. Thế nên khi đưa hát Quan Họ vào trong không gian của một nhà hát, việc làm này được cho là đi ngược lại với sự tôn vinh của Unesco về " không gian văn hoá Quan Họ", đó là tôn vinh tính cộng đồng của một di sản.



DƯ LUẬN VỀ NHỮNG CHIẾC GHẾ TRONG NHÀ HÁT QUAN HỌ

Trích từ đài RFA: Đầu tư hàng tỷ đồng cho ghế nhà hát liệu có phù hợp? Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ý kiến của ông với RFA, hôm 15/5/2023:
“Dư luận quan tâm rất nhiều về Nhà hát Quan họ Bắc Ninh, cái bị chỉ trích là hệ thống ghế ngồi xem trong nhà hát rất tốn kém, phô trương, lạc lõng và đặc biệt lãng phí rất lớn về tài nguyên gỗ… Quan họ Bắc Ninh không phải ở trong rạp mà nó ở ngoài trời, chứ đâu phải như nhạc thính phòng, cho nên xây dựng nhà hát đó là tốn kém và hệ thống ghế phản cảm lại khuyến khích phá rừng ở Việt Nam.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng, dư luận phản ứng rất là đúng. Tuy vậy theo ông, Ban quản lý nhà hát sẽ rất khó “sửa chữa” vì “đã lỡ làm”.
Mặc khác, vị nhà báo này có ý kiến thêm rằng, đúng ra Trung ương phải lên tiếng. Ông nói tiếp:
“Những ai theo dõi phiên họp chính phủ vài thập niên trở lại đây thì đều thấy bàn ghế ở Văn phòng Chính phủ cũng như Quốc Hội liên tục thay đổi, đều là gỗ chạm trổ. Trong khi Tổng thống Mỹ tiếp khách thì bàn ghế của họ rất đơn giản, bên ngoài là simili (giả da-pv) bên trong là gỗ tạp hoặc sắt, chứ đâu xa xỉ như Việt Nam, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng đều ngồi ghế gỗ quý. Đây là một sự khác nhau của một chính thể mà chính phủ biết sợ lá phiếu của người dân, với một chính thể mà quan chức không biết sợ lá phiếu của người dân, họ tự tung tự tác tàn phá tài nguyên, phung phí ngân sách, không ai kiểm soát được… đó là sự khác nhau cơ bản.”

VÀI DÒNG TẢN MẠN VỀ QUAN HỌ
( Bài viết của TS.Nguyễn Xuân Diện)
Cho đến nay, đã từng có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời và nguồn gốc của quan họ nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Ngay chữ Quan họ, chúng ta cũng chưa tìm được một văn bản Hán Nôm nào chép hai chữ này. Quan họ có từ bao giờ cũng chưa có câu trả lời xác quyết!
Không gian văn hóa quan họ trải dài khắp 49 làng quan họ cổ của trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đó là vùng đất cổ xưa, với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, những hội hè đình đám, những phong tục tốt đẹp, những vị công hầu khanh tướng, những ông nghè ông trạng và những giai nhân tài sắc. Người Kinh Bắc có câu: Em đi khắp bốn phương trời/ Không đâu lịch sự bằng người ở đây.
Thời gian của Quan họ là suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhưng mùa Xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Khi ấy “thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, các làng vào đám, nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Người Kinh Bắc hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia...



Trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (từ cổ, chỉ một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người quan họ dùng những lời xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì gặp gỡ, cũng mong được học lấy đôi lối đôi câu.
Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn, có từ thưở xa xưa lắm!


Về lề lối, theo học giả Toan Ánh thì quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính để hát đối đáp trong những ngày hội. Đó là Giọng sổng (dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát), thường là những lời ướm hỏi như: Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà. Tiếp theo là Giọng vặt (những câu hát để đôi bên gắn bó với nhau). Giọng sổng chỉ có một giọng, còn giọng vặt thì là gồm nhiều giọng: giọng buồn, giọng vui, giọng cao, giọng thấp, giọng ngắn, giọng dài. Gặp nhau, người quan họ kể cho nhau rằng đêm đông lạnh giá, nhớ bạn, không dám, một mình đắp cả manh chiếu tấm chăn: Gió lạnh suốt đêm đông trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai… Sau Giọng vặt là Giọng bỉ (Giọng vỉ) để hát lúc chia tay. Giọng bỉ ngân dài, nói lên sự chua xót của phân ly và cả sự luyến tiếc của ngày mau tàn. Vì vậy, nội dung các câu hát giọng bỉ thường là căn dặn, nhắn nhủ nhau nhớ lấy những lời hẹn ước.
Dẫu rằng dân gian có câu: “Ăn Bắc, mặc Kinh” ý nói người Kinh Bắc sành ăn, người Kinh kỳ (Kẻ Chợ, Hà Nội) thì sành mặc, nhưng người quan họ ăn mặc rất đẹp. Trang phục của người quan họ nền nã, kín đáo, lịch sự, tinh tế. Chi tiết nào trong trang phục liền anh, liền chị quan họ cũng đẹp. Nhưng có hai chi tiết trên trang phục của liền chị quan họ đã trở thành vẻ đẹp được thi ca tán tụng, đó là chiếc khăn mỏ quạ hình bông sen hồng và nếp váy đã lạc vào câu thơ “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của thi sĩ Hoàng Cầm.
Về chơi quan họ, chơi lối chơi của người quan họ ta cảm nhận được sự thanh lịch và nồng hậu của người Kinh Bắc. Một mâm cơm quan họ dọn ra, be rượu đã nghiêng bầu rót vào chén ngọc. Mâm cao cỗ đầy thịnh soạn, nhưng người quan họ lại vẫn khép nép thưa rằng: “Năm thì năm mới, tháng thì tháng xuân, các liền anh liền chị chẳng quản đường xá xa xôi đến thăm đất nước nhà chúng em, thăm thầy u chúng em. Nay đã thức thời, chúng em có sửa soạn mâm cơm nhạt, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, chúng em cũng mong các liền anh liền chị nâng chén dựng đũa để cho chúng em được thù tiếp đấy ạ!”. Và rồi người quan họ ca lên rằng: Tay tiên nâng chén rượu đào/ Sánh ra thì tiếc uống vào thời say. Mùa xuân, qua chơi quan họ, tình như thế, cảnh như thế, ai mà không say cho được!

Về với Kinh Bắc, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Kinh Bắc có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của vùng quê văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay.
Khi câu hát “Người ơi người ở đừng về” vang lên lời giã bạn với lời hát rằng “đương vui như thế này, sao người bỏ ra về, có nhớ đến chúng em chăng?” thì bạn có cầm lòng được chăng? (Hết trích bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện).

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Năm 2016, có 67 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Tỉnh Bắc Giang có 23 làng quan họ, tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ. Điều đặc biệt là phần lớn các làng quan họ thờ thánh Tam Giang, vị thánh gắn với dòng sông Cầu. Các làng quan họ Kinh Bắc tồn tại ở các huyện, thành phố: Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là quan họ bờ nam sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh) và các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa (còn gọi là quan họ bờ bắc sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang).
UNESCO đã công nhận 49 làng Quan họ sau: Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ, Hữu Chấp, Viêm Xá, Đẩu Hàn, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Viên, Thụ Ninh, Đặng Xá, Khúc Toại, Trà Xuyên, Ông Mơi, Đông Yên, Châm Khê, Đào Xá, Dương Ổ, Cổ Mễ, Phúc Sơn, Y Na, Thị Cầu, Thanh Sơn, Niềm Xá, Yên Mẫn, Yên Thị Trung, Vệ An, Ỗ Xá, Xuân Ổ, Hòa Đình, Khả Lễ, Bồ Sơn, Duệ Đông, Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Đình Cả, Lộ Bao, Hoài Trung, Vân Khám, Bái Uyên, Ném Đoài, Đình Cả, Ném Tiền, Tiêu, Tam Sơn, Tam Tảo.

Cho tới nay, hằng năm cứ từ ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch, các làng quan họ Bắc Ninh bắt đầu rộn ràng tiếng hát của các liền anh liền chị để chuẩn bị cho ngày hội quan họ. Những câu ca quan họ mộc mạc, nhưng rất trọng nghĩa tình giống như con người của vùng quê Kinh Bắc. Ngày 10 và 11 tháng giêng âm lịch, ở Bắc Ninh thường tổ chức những cuộc thi hát quan họ.

Tổng hợp từ Vũ Thái An, người lính VNCH ngày 14 November 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét