Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017



ANH HÙNG DÂN TỘC PHÓ ĐỨC CHÍNH 
Xin được nằm ngữa để xem lưởi dao rớt vào cổ mình

Phó Đức Chính sinh năm 1907, người làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông học trường Cao đẳng Công chính Hà Nội.
Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính cùng vói một sinh viên trẻ khác là ông Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và trở thành một trong năm thành viên lãnh đạo của Tổng bộ, phụ trách công tác tổ chức.
Sau khi tốt nghiệp trường Công chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang làm việc ở Lào.
Ngày 9/2/1929, một đảng viên của VNQDĐ là Nguyễn Văn Viên tự ý hành động, không phải chủ trương của Tổng Bộ, ám sát tên mộ phu Bazin ở phố Huế, Hà Nội. Các cơ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng khắp nơi đã bị thực dân Pháp khủng bố và càn quét. Có kẻ phản bội đã khai báo với mật thám Pháp, nên ông Phó Đức Chính bị bắt đưa về nước, song thực dân không có chứng cứ để buộc tội ông. Sau đó ông được trả tự do, Phó Đức Chính dấn thân vào con đường cách mạng, ông trả hết những kỷ vật cho vị hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa để lăn mình vào công cuộc mưu cầu độc lập dân tộc cho VN.
Trong thời gian đó thực dân Pháp luôn tăng cường khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng ở khắp nơi. Ngày 17/9/1929, Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã triệu tập Hội nghị tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm). Và Nguyễn Thái Học đã quyết tâm phát động cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn đất bắc và ông đã phát biểu trong hội nghị này một câu nói rất nổi tiếng còn lưu đời: “Không thành công thì thành nhân”. Câu nói này ngày nay còn được ghi khắc nơi di tích lăng mộ của các anh hùng VNQDĐ ở thành phố Yên Bái.
Công viêc chuẩn bị khởi nghĩa của VNQDĐ khá gấp rút, nên gặp nhiều sơ xuất. Trong ngày mở cuộc họp Tổng bộ ở làng Võng La, xã Hà Bì (Thanh Thủy - Phú Thọ) có kẻ làm phản, đã dẫn lính Pháp đến bao vây. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính bị thương nhưng vẫn chạy thoát. Không bắt được các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, thực dân Pháp ra lệnh triệt hạ làng Võng La.
Sau hội nghị Võng La, Pháp càng khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng dữ dội hơn. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính thấy chỉ còn biện pháp duy nhất là khởi nghĩa càng sớm càng tốt.
Ngày 26/1/1930, Hội nghị đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc Dân Đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9 rạng ngày 10/2/1930, phân công các chỉ huy đánh chiếm thị xã Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội… Phó Đức Chính được giao chỉ huy đánh Sơn Tây. Gần tới ngày khởi sự, lực lượng đánh Sơn Tây ít, nên Phó Đức Chính lên tham gia khởi nghĩa Yên Bái trước.
Sáng sớm ngày 9/2/1930, nghĩa quân cải trang làm người đi chợ đổ về thị xã Yên Bái, đến chiều đã tập trung tại một khu rừng lớn gần thị xã. Phó Đức Chính mặc quân phục đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới, song một tên gián điệp đã báo với bọn Pháp nên chúng đã có sự phòng bị từ trước.
Đến một giờ sáng ngày 10/2/1930, 2 cơ binh khố đỏ đóng đồn ở dưới chân đồi đã mở cửa đón nghĩa quân của Phó Đức Chính, họ mở kho vũ khí và phân phát súng cho nghĩa quan VNQDĐ. Cờ Việt Nam Quốc Dân Đảng được phất lên, và tấn công vào đồn Pháp, tên quan ba chỉ huy đồn binh Pháp đã bị nghĩa quân giết chết. Nhưng các lính khố đỏ ở trên đồi bắn xuống dữ dội, nghĩa quân không sao tiến được, có nguy cơ bị vây kín trong trại. Bị tấn công dữ dội, núng thế, Phó Đức Chính và Ban chỉ huy phải cho anh em xông pha lửa đạn rút vào rừng.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Phó Đức Chính vẫn hăng hái cùng một số đồng chí của ông về Sơn Tây gấp rút chuẩn bị đánh đồn Thông. Ngày 13/1/1930, kho bom của quân khởi nghĩa để ở Quang Húc đã bị quân Pháp phát hiện lấy hết, nhưng Phó Đức Chính vẫn quyết tâm hạ đồn. Chiều ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính cùng Nguyễn Văn Khôi đang làm việc ở nhà quản Tân tại làng Nam An (tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây) thì bị quân Pháp vây bắt.
Không bao lâu Nguyễn Thái Học cùng nhiều yếu nhân khác cũng bị bắt. Hội đồng đề hình Pháp được thành lập xử 10 án khổ sai có hạn, 34 án khổ sai chung thân, 50 án đi đầy, 40 án tử hình trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Kết án xong, tên chủ tịch Hội đồng đề hình hỏi Phó Đức Chính có chống án không? Phó Đức Chính cười đáp:
“Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc sống nữa làm gì?”
Chúng giam các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị án tử hình hơn 3 tháng ở Hỏa Lò Hà Nội. Đến rạng sáng 5 giờ 30 phút ngày 17/6/1930, thực dân Pháp đã đưa 13 chiến sĩ nghĩa quân của VNQDĐ ra pháp trường để hành hình. Tất cã các nghĩa quân bước lên máy chém với thần thái hiên ngang, bất khuất coi cái chết tẹ như lông hồng khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, nhân dân kính phục và thương cảm. Phó Đức Chính bước lên máy chém của thực dân Pháp là người thứ 12, người cuối cùng là đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Một hành động của chiến sĩ Phó Đức Chính khiến mọi người khâm phục - ông đòi bọn thực dân Pháp cho ông nằm ngửa để nhìn lưỡi dao của máy chém rơi vào đầu ông. Phó Đức Chính chỉ kịp hô: “Việt Nam vạn tuế” thì lưỡi dao tàn bạo của đế quốc đã hạ xuống. Ông đã hy sinh trong tư thế một chiến sĩ cách mạng rất can trường và quả cảm khiến quân thù cũng phải kính nể.
Máu của 13 chiến sĩ anh hùng VNQDĐ tuẩn quốc trong ngày 17.6.1930 đã thấm vào lòng đất mẹ để đất mẹ luôn bừng sáng trong tinh thần " Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư".
Các nghĩa quân VNQDĐ đã hiên ngang đi vào cái chết để dân tộc được trường tồn. Tinh thần bất diệt vì độc lập tự do cho VN của các đảng viên Việt Quốc là ánh sáng soi đường cho mọi cuộc cách mạng dân tộc. Tự do phải được đổi bằng máu xương và bằng chính vào tinh thần tự quyết của dân tộc. Đây là mà một trang sử đau thương nhưng bất khuất, oanh liệt với những anh hùng thật sư vì nước vì dân, mà Việt tộc chúng ta có quyền hãnh diện và tự hào. những trái tim đang nhỏ lệ vì sự thống khổ của Việt tộc hôm nay, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, giai cấp, xuất thân có bân phận phải ghi nhớ những đoá hoa máu đãchết cho dân tộc chúng ta được sống và nước nam được độc lập.
Ly Bich Thuy 4.6 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét