Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NGÀY 11/3/1945
Bảo Đại
Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản.

TUYÊN NGÔN CỦA BẢO ĐẠI :

Bản tuyên ngôn độc Lập của Bảo Đại được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật vào phần đất này của Đông Nam Á và gần năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trong thời gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị của cả người Pháp, từ sau khi Hòa Ước 1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả khủng khiếp là Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu. Hoàn cảnh này đã làm cho không chỉ riêng những người Cộng Sản, vốn chủ trương đánh đổ chế độ quân chủ để cướp chính quyền (chữ của chính người Cộng Sản) để từ đó thực thi cách mạng vô sản mà luôn cả những người không có cảm tình với chế độ quân chủ đương thời và chủ trương lật đổ chế độ này để thay thế bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của nó. Bảo Đại bị coi như một ông vua bù nhìn, trước kia trong tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ trước kia người Pháp bảo sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bảo ông tuyên bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người ta hiểu hay được học đơn giản như vậy. Nền độc lập mà Bảo Đại tuyên bố chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông chẳng có một giá trị gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt. Thực chất của nó chỉ là sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của triều đình Bảo Đại không hơn không kém. Sự thực không đơn giản như vậy. Người Nhật có lý do làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do phải chấp nhận yêu cầu của người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo Đại đã được ông giải thích khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục ông này chấp nhận làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Triều độc lập. Nguyên văn câu nói được Trần Trọng Kim kể lại như sau: -Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc.

Người ta cần phải nhớ là hơn mười năm trước đó, sau khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày 10 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều hủy bỏ Quy Ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội Đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất Hân, ký với Toàn Quyền Đông Dương thời ông còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại của nhà vua trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…kèm theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chánh của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại. Đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên bố độc lập của người Nhật dù gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ tuổi từ lâu mong đợi. Ngoài ra theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần Trọng Kim chịu khó lập chính phủ mới.

Ông nói :-Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.

Hai tiếng cơ hội Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy ông từ lâu mong có dịp này. Đồng thời ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải độc lập hẳn. Chưa hết, tuyên bố rồi ông còn có nhu cầu phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập và nhất là để tránh không để cho người Nhật lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Một sự e ngại chỉ có những người có kiến thức về lịch sử và chính trị học mói biết được. Ngoài ra những tiếng rất có hại cho nước ta cũng cho người ta thấy đối tượng của hành động tuyên cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan điểm này cũng như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế tất bại của người Nhật về sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với người Nhật, ông đã không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ. Nói cách khác Bảo Đại ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Phần khác như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông: Độc lập là ước mơ của tất cả mọi người Việt Nam thời đó.

Nội dung bản Tuyên ngôn :
Đây là một bản văn tương đối ngắn so với những bản văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ hòa ước Triều Đình Huế đã ký với nước Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào lòng thành của nước Nhật với nguyên văn như sau:
Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung. Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để đạt được mục đích như trên.

Bản Tuyên Bố được đề ngày 11 tháng Ba năm 1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự.

Đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập này của Bảo Đại, người ta cần chú ý tới những chi tiết sau đây:

Thứ nhất: Điều ước bị hủy bỏ ở đây là Hòa Ước Giáp Thân được ký kết giữa Triều Đình Huế và người Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884, đặc biệt hai điều khoản là điều khoản thứ nhất, theo đó Việt Nam công nhận và chấp nhận Quyền Bảo Hộ của nước Pháp và điều khoản thứ mười lăm, theo đó nước Pháp cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của các xứ do vua Việt Nam cai trị và bảo vệ nhà vua chống lại những sự xâm nhập từ bên ngoài và những cuộc nổi loạn từ bên trong…. Sự hủy bỏ này phải được hiểu là do người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sự bành trướng của quân đội Nhật và cuối cùng là chính họ đã bị người Nhật lật đổ trong cuộc Đảo Chính 9 tháng 3 năm 1945. Sự hủy bỏ này cũng có tính cách đơn phương từ phía Bảo Đại với tư cách là người kế vị chính thống của Triều Đình Nhà Nguyễn căn cứ vào những gì đã xảy ra vào thời điểm này. Điểm cần được lưu ý ở đây là từ ngữ hòa ước trong văn kiện này được dùng theo số ít, trong tiếng Việt, không có chữ các đi kèm và trong tiếng Pháp không có chữ s theo sau. Điều này có nghĩa là bản tuyên cáo chỉ hủy bỏ hòa ước bảo hộ tức Hòa Ước Giáp Thân 1884 mà thôi thay vì hủy bỏ tất cả các hòa ước đã được ký kết trước đó. Đó là các Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 và Hòa Ước Giáp Tuất 1874 liên hệ tới xứ Nam Kỳ. Vấn đề thâu hồi xứ Nam Kỳ do đó đã trở thành mối bận tâm và một phần hành quan trọng của chính Bảo Đại ngay từ buổi nhà vua tiếp kiến Đại Sứ nhật Yokoyama liên hệ tới việc tuyên cáo độc lập và của chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim trong gần suốt thời gian tồn tại. Xứ Nam Kỳ chỉ được người Nhật trao trả trong những ngày cuối của chính quyền này.
flickr:4949638292
Ảnh OnTheNet Hoàng Đế Bảo Đại mang lại độc lập cho Việt Nam tháng 3 năm 1945

Thứ hai: Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự phát triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập….giúp cho cuộc thịnh vượng chung. Câu này xác định phương thức hoạt động nhăm thực hiện tư cách độc lập (tự phát triển như một quốc gia độc lập không phụ thuộc vào nước ngoài cho xứng đáng một quốc gia độc lập) và thế đứng của Việt Nam trên trường quốc tế (tự coi mình là một phần tử Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung). Nên để tới khẩu hiệu Châu Á của Người Á do người Nhật đưa ra trong thời này, một khẩu hiệu hàm chứa sự độc lập của các nước Á Châu lúc đó là thuộc địa của các đế quốc Âu Châu. Đây cũng là một cách nói trước một cách khéo léo để ngăn chặn trước sự can thiệp vào nội tình Việt Nam của người Nhật.
Thứ ba: Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc…Câu này nhằm buộc chặt lời hứa của người Nhật bằng cách nhấn mạnh vào sự trung thành với những gì họ đã nói của họ, một truyền thống chung của các dân tộc Á Đông.
Thứ tư: quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài sản trong nước để đạt được mục đích như trên. Mục đích như trên là mục đích gì? Phải hiểu mục đích này bao gồm hai phần là tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và giúp cho cuộc thịnh vượng chung như là một phần tử Đại Đông Á. Nói cách khác, đây là một bản văn tuy ngắn ngủi, cô đọng nhưng rất quan trọng vì nó vừa mang tính cách pháp lý, có liên hệ tới nhiều văn kiện ngoại giao khác đã được hình thành trước đó, vừa biểu lộ chủ trương của một quốc gia được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp vào lúc tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh và hoàn toàn bất lợi cho quân đội và quốc gia đảm nhận sự trao trả nền độc lập này. Mỗi điều nói ra, mỗi chữ được viết đều đòi hỏi người soạn thảo phải vô cùng thận trọng và ước tính kỹ càng.
Người soạn thảo bản tuyên ngôn này cụ Phạm Quỳnh, lúc đó đang giữ chức thượng thư bộ lại. Bản văn được Phạm Khắc Hòe, Ngự Tiền Văn Phòng Tổng Lý của Bảo Đại trong hồi ký của ông này xác nhận.
Nguồn: Gs Phạm Cao Dương (02.09.2010)Hai bản tuyên ngôn độc lập cho Việt Nam.

Võ Thị Linh 7.5.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét